Chuyện kiếm được 1 tỷ đồng đầu tiên
Trong chương trình giao lưu với sinh viên ngày 2/4, hai Tiktoker "triệu người thích" là Long Chun và Duy Muối tiết lộ nhiều bí quyết để xây dựng nội dung, tên tuổi trên mạng xã hội, trở thành influencer (người có tầm ảnh hưởng).
Chương trình giao lưu có tên "From zero to Tik Tok idol" (tạm dịch: Từ không là ai cả tới thần tượng Tik Tok) được tổ chức tại Cao đẳng FPT Polytechnic, nơi Duy Muối từng theo học.
Là cựu sinh viên của ngôi trường này, Tiktoker Duy Muối rất tâm huyết chia sẻ kinh nghiệm làm việc với các em khóa dưới. Đặc biệt, anh và Long Chun không ngại tiết lộ cách kiếm một tỷ đồng đầu tiên trong đời.
Sinh viên đặt ra câu hỏi về việc cả Long và Duy đều được biết tới là những người sáng tạo nội dung thu nhập tiền tỷ, vậy làm cách nào để có một tỷ đồng đầu tiên?
|
Duy Muối thẳng thắn chia sẻ cách thức kiếm tiền tỷ của anh (Ảnh: MC).
|
Duy Muối đáp: "Một tỷ đồng đầu tiên mình kiếm được từ việc làm nội dung cho các đơn vị, xây dựng nội dung trên kênh Tik Tok. Cụ thể như là: một phòng khám làm về răng mình xây dựng nên nhân vật Thông Soái Ca, hay làm về thời trang mình làm ông chú Polo... Các nhân vật có tố chất riêng, hút khán giả và quảng cáo.
Mình từng nghĩ giống Long Chun, chỉ mong mỗi tháng được 10-15 triệu đồng là được rồi. Vậy nên, tháng đầu tiên kiếm được 25-30 triệu, mình khóc rớt nước mắt. Thế mà đến được bây giờ, trải qua 2-3 năm rồi, vô tình kiếm được một tỷ đồng".
Long Chun trả lời: "Con đường chạm mốc một tỷ đồng rất khó khăn, không phải tự nhiên nó đến. Từ trước đó mình chỉ ước kiếm được 10-15 triệu/tháng vì mình từng rất cực khổ vì không có tiền. Người ta nói là, giàu có thì chưa chắc đã vui nhưng mà không có tiền thì chắc chắn là khổ. Đối với mình là như vậy.
Khoảng thời gian khi mình cố gắng và được cầm tiền với đơn vị là tỷ đồng, lần đầu mình cầm một tỷ đồng trên tay cảm giác nó lạ lắm, không ngờ bản thân kiếm được. Mình vui vẻ đón nhận. Đây là động lực để mình kiếm được nhiều tỷ khác nữa. Khi mình đã đạt được một con số thì mình đã biết cách để đạt được nhiều số hơn nữa. Nhờ Tik Tok mà Long Chun kiếm được tiền như bây giờ".
Tuy nhiên, con đường kiếm tiền tỷ trên mạng xã hội không dễ dàng. Khó khăn đằng sau nghề nghiệp chỉ người trong cuộc mới hiểu.
"Trên nền tảng Tik Tok, ai cũng có thể dùng, nhưng không phải ai cũng có thể kiếm được một tỷ. Ai lao vào cũng kiếm được thì ai bỏ tiền? Thị trường nào cũng có cạnh tranh, chúng ta phải biết nắm bắt, biết bản thân mình giỏi cái gì, mạnh cái gì, yếu cái gì để giấu đi, giỏi cái nào để khoe ra. Để làm được điều đấy cần kinh nghiệm", Tiktoker Long Chun nói.
Long Chun tiếp lời: "Quá trình xây dựng hình ảnh là quá trình khó khăn nhất. Ví dụ như Tiktoker Lê Bống, mọi người nhìn video Tik Tok chỉ thấy cô ấy "uốn éo mấy cái" là có sản phẩm nhưng đằng sau đó là một câu chuyện rất dài, phải tập luyện hàng ngày. Rất nhiều vấn đề không phải tự nhiên mà có".
Chuyện áp lực cuộc sống
Với chủ đề đang có tính thời sự nóng hổi là áp lực của học sinh - sinh viên thời nay, Long Chun cho biết: "Mình thấy rất tội với các bạn bị áp đặt. Vì các bạn bè của mình nhiều người bị bố mẹ bắt phải học ngành nọ ngành kia, làm công việc họ không thích, nên tốt nghiệp xong họ vẫn loay hoay với thế mạnh của mình.
Long may mắn hơn các bạn vì biết mình thích gì sớm. Mình rất cảm ơn gia đình cho mình thoải mái, thích gì là được trải nghiệm luôn, không áp đặt mình làm gì. Trải nghiệm rồi mình mới biết mình sôi nổi, thấy dễ thành diễn viên lắm. Mình cũng được cả nhà cho trải nghiệm sớm từ các hoạt động nghệ thuật như múa, hát, diễn xuất. Lần đầu nhìn thấy máy quay và được diễn, mình vui lắm và mình rất yêu công việc này.
|
Long Chun (Ảnh: MC).
|
Mình làm content creator (người sáng tạo nội dung) từ bé rồi cơ, quay khoảnh khắc hài hước của bạn bè từ cái điện thoại Nokia "bé bé" ấy. Và mình cũng mê sự nổi tiếng lắm nhé. Đừng ai nói làm Tiktoker không ham nổi tiếng".
Long Chun từng kiên trì mười mấy năm theo nghiệp diễn nhưng mãi mới đạt được thành công. Anh từng thất nghiệp, phải đi chạy xe ôm kiếm sống. "Những lần vất vả quá, mình khóc và nghĩ đến lý do tại sao mình tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh mà mình lại phải đi làm cực khổ như thế này. Sau đó, mình bắt đầu bán hàng online. Khi bán hàng online mình phải bày ra trò để có khách, quay video livestream. Nhờ nói chuyện có duyên, mình mới lấn sân sang Tik Tok".
"Mình rất mê được nổi tiếng. Clip Tik Tok đầu tiên được 39 nghìn view, mình đi khoe cả nhà, hô to "Nổi rồi nổi rồi". Mặc dù vậy, 2 tuần sau lại không có view. Mình vẫn cố tạo thói quen mỗi ngày mình đều phải nghĩ ra cái để quay. Mình thấy là phải điên. Sự điên mang đến cho mình nhiều tiền. Hai năm trước, công việc đầu tiên mình kiếm được là 400 ngàn đồng. Clip chỉnh chu, dựng một ngày liền, dù vậy nhận tiền rất áp lực. Mọi chuyện bắt đầu từ đó, về sau này tốt dần lên", Long nói.
Duy Muối dành lời khuyên cho các bạn sinh viên: "Không phải là thích cái gì, làm cái gì là đam mê đâu! Hồi đi học mình thích nhiếp ảnh, mua máy ảnh 30 triệu đồng, lớn lên mình nhận ra đây không phải đam mê mà là vì thích chụp ảnh để... tán gái. Sau này, đi làm bươn chải với cuộc sống, mình mới biết đam mê mình là gì. Các bạn sinh viên, ai không biết đam mê của mình thì không gì lạ cả, các bạn cần phải tăng trải nghiệm".
Chuyện câu view bẩn trên Tik Tok
Hiện nay, có nhiều Tiktoker câu view bằng mọi cách, làm những content (nội dung) bẩn, Long Chun thẳng thắn nói: "Content có đủ loại, câu view cũng có muôn cách. Ngay bản thân mình đôi khi không kiểm soát được content mình làm ra. Mình từng bị cộng đồng mạng tấn công, ném đá dù bản thân mình không cố ý. Cho đến hiện tại, mình vẫn bị mọi người nói một cách tiêu cực. Mình nhận ra lỗi sai. Thời đó, mình là người bắt trend (trào lưu) nhanh, nhanh đến mức ẩu vì sợ trend qua nhanh.
Trước đây, mình từng tiêu cực, "chửi" nhiều người. Nếu mọi người theo dõi mình gần đây, mình đã rút kinh nghiệm và không làm những content tiêu cực. Mình nhận ra content tích cực luôn ở lại mãi, đem lại niềm vui, đem lại giá trị cho mình, đem lại dấu ấn cho mọi người. Mọi người làm Tik Tok nên tránh content bẩn ra vì không bền".
Duy Muối cho rằng: "Content bẩn là do nhận thức của mỗi người, với những người trẻ có thể người ta coi là vitamin tích cực. Khi làm nội dung, không hại, không đả kích đến một nhóm người nào là được. Đơn giản mình làm nội dung vui vẻ, mọi người cười là được".
Đối mặt với những vấn đề tiêu cực trên Tik Tok, Long Chun chọn giải pháp "cứ lờ đi thôi". Anh nói thêm: "Đôi khi cũng cần xem bản thân có cần thay đổi nội dung không. Nếu thấy nhiều người ủng hộ, hãy cứ làm. Nhưng nếu mọi người đều cùng không ủng hộ, chúng ta nên thay đổi để tích cực với bản thân và cộng đồng hơn. Điều đáng buồn của một content creator là không ai quan tâm đến nữa, không ai muốn xem chúng ta làm nữa".