Hai bức ảnh trong cùng khung hình: Tấm đen trắng chụp tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) ngày 27/7/1975 đã phai màu theo thời gian, hình mới được ghi lại ở xã Cao Xá (Lâm Thao, Phú Thọ) ngày 30/4/2018.
Gần nửa thế kỷ cũng là khoảng thời gian chia ly của bốn chiến sĩ tuổi đôi mươi cùng quê Phú Thọ, để rồi lần đầu tiên gặp lại nhau khi tuổi ngoài 60, mái tóc đã bạc.
Bức ảnh được Cao Minh Khánh (29 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ lên mạng, để lại cảm xúc, niềm ngưỡng mộ cho người xem về tình đồng đội vào sinh ra tử trong thời chiến vẫn vẹn nguyên ở thời bình.
|
Bức ảnh ngày ấy - bây giờ của 4 đồng đội tên Khiết, Phương, Dự, Tông khiến dân mạng ngưỡng mộ về tình đồng đội vào sinh ra tử trong thời chiến, vẹn nguyên ở thời bình. |
Minh Khánh chia sẻ với Zing.vn ngày 30/4 vừa qua, anh chở bố là ông Cao Tiến Khiết (62 tuổi, cán bộ về hưu) tới buổi gặp mặt hội đồng ngũ xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Bức ảnh đồng đội ngày ấy - bây giờ cũng được hoàn thiện cùng ngày đó.
Ông Khiết nhập ngũ năm 1974, khi mới 18 tuổi, là chiến sĩ thuộc sư đoàn 10, quân đoàn 3, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Đơn vị ông có 3 đồng đội cùng quê tên Phương, Dự, Tông, cũng nhập ngũ năm 1974, khi tuổi tròn 17.
Sau ngày thống nhất đất nước, các chiến sĩ được phân lại đơn vị công tác. Ông Khiết chuyển về trường quân chính quân khu 2 tại Tuyên Quang học sỹ quan, 3 đồng hương ở lại đánh Pol Pot.
Ít ngày trước khi lên đường nhận công tác mới, ông Khiết cùng 3 chiến sĩ đồng hương gọi nhau lại chụp chung kiểu ảnh vào ngày 27/7/1975. Gần 43 năm sau, họ mới có dịp hội ngộ.
"Hội đồng ngũ Cao Xá chỉ còn 4 người cùng đơn vị còn sống gặp nhau là bố tôi và 3 đồng đội tên Phương, Dự, Tông. Xã Cao Xá có 2 chiến sĩ hy sinh trên chiến trường. Hôm rồi, bố tôi cùng các chú tới tận nhà thắp hương, mời các liệt sĩ về tham gia gặp mặt và tặng quà cho gia đình họ. Buổi gặp hôm 30/4, mọi người cũng ra thăm mộ thắp nén nhang cho đồng đội", Minh Khánh kể.
Minh Khánh không khỏi xúc động khi được chứng kiến giây phút hội ngộ của bố và đồng đội. Sau thời gian dài xa cách, họ chưa thể nhận ra nhau ngay từ phút đầu gặp lại. Khi đã nhận ra, họ ôm chầm lấy nhau, hỏi han tình hình hiện tại.
"Bố và đồng đội lấy ảnh cũ ra khoe nhau, nói: 'Ảnh này mờ thế. Tôi còn ảnh mới nét này', sau đó khoác vai nhau chụp ảnh như ngày xưa. Tôi không thể hiểu hết cảm xúc của những người từng vào sinh ra tử với nhau. Bố tôi khi nghỉ hưu là phó giám đốc bảo hiểm tỉnh Phú Thọ, chú Phương về hưu là đại tá phòng Vận tải quân khu 2, Chú Dự trưởng phòng Thông tin quân khu trên Tuyên Quang, Chú Tông là chủ tịch xã Cao Xá", Khánh cho biết.
Các tấm hình đã ố màu về một thời hoa lửa được ông Khiết giữ gìn cẩn thận trong cuốn album cũ. Những chiến sĩ trong ảnh người còn sống, người đã hy sinh hay mất vì bệnh tật.
Trong ký ức của ông Khiết, trước mỗi đêm hành quân ra mặt trận, cảm xúc ai cũng đầy hỗn độn.
"Tối ăn cơm xong không ai nói với ai câu nào, khung cảnh cứ trầm trầm. Ngày xưa không có giường, chỉ có mắc võng trên cây, mỗi người nằm ở võng theo đuổi một suy nghĩ riêng. Có người vẫn nói chuyện nhưng giọng lộ vẻ lo lắng, bởi đêm nay đi mai không ai sống ai chết. Mọi người chỉ dặn nhau ai may mắn sống sót trở về thì giúp báo tin cho gia đình", ông Khiết kể với con trai.