'Hoa khôi một chân' và cuộc hôn nhân như mơ cách nửa vòng trái đất

Google News

Gặp tai nạn giao thông ở tuổi 24 khiến chị Bế Thị Băng bị mất một chân nhưng chị vẫn vươn lên sống đầy nghị lực và tìm thấy người đàn ông của đời mình.

'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat
 "Hoa khôi một chân" Bế Thị Băng và chồng người Đức
Vượt qua cú sốc cuộc đời ở tuổi 24
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Khau Gạm, xã Đức Long, huyện Hòa An, Cao Bằng, lương cán bộ của bố mẹ cũng chỉ đủ tiền chữa bệnh cho bà nội nằm liệt giường suốt 8 năm, Bế Thị Băng là chị cả của hai em nhỏ nên đã sớm phải vất vả, lam lũ.
Từ năm 8 tuổi, ngoài giờ học chị Băng đã giúp bố mẹ từ việc nhà, đến việc đồng ruộng. Chiều đến thì vừa đi chăn trâu vừa lượm củi, học bài. Nhà nghèo đến mức chị thường xuyên ăn cơm nguội với muối trắng, gừng nguyên củ và ớt. Thế nhưng, lúc nào chị cũng khuyên hai em học giỏi để sau này cuộc sống bớt vất vả. Nghe lời chị cả, cuối cùng hai người em cũng thi đỗ đại học, còn chị đi làm, tự nuôi sống bản thân.
Những tưởng ngày gian khó đã qua, nhưng tai nạn bất ngờ ập đến. Tháng 2/2012 của 7 năm về trước, trên đường đi làm về từ phòng khám nha khoa chị bị xe container đâm ngã, kéo lê chân phải trên đường gần 3m. Tai nạn ấy khiến 4 ngày sau chị tỉnh dậy trong sự đau đớn, ngỡ ngàng nhìn chân phải cụt đến háng, chân trái đang hoại tử dần.
'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat-Hinh-2
Chị Băng tích cực tham gia các hoạt động xã hội
Chị Băng chia sẻ, ngày ấy nhiều người và ngay cả bác sĩ cũng không thể tin chị có thể qua khỏi tai nạn này. Nhưng với sức sống đầy mãnh liệt, chị đã sống sót thần kỳ với một bên chân còn lại của mình.
Cuộc sống sau bình phục quả thật không dễ dàng với bao nhiêu nước mắt, tủi cực. Những đau đớn về mặt tinh thần mà chị Băng phải chịu nhiều hơn gấp bội lần những đau đớn về thể xác. Từ cú sốc về một thân hình không còn lành lặn đến chuyện đi xin việc thì bị nhiều nơi từ chối, chị vẫn tìm được lý do phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc đời. Chị Băng chấp nhận đi làm không lương, thường xuyên di chuyển bằng xe buýt một mình để lấy lại sự tự tin và niềm vui trong cuộc sống.
Cùng với sự động viên của gia đình và nghị lựa mạnh mẽ của bản thân, chị Băng đã vững vàng bước tiếp những bước đầu tiên trên con đường chông gai trước mắt. Dần dần, mọi nỗi đau rồi cũng qua đi. Tháng 4/2019 vừa qua, chị tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019” và xuất sắc đạt giải nhất cùng các giải tài năng, giải Thí sinh được yêu thích nhất.
Cuộc hôn nhân cách “nửa vòng trái đất” với giáo sư đại học người Đức
'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat-Hinh-3
Vượt qua biến cố, chị băng luôn sống vui vẻ, lạc quan 
Trải qua những năm tháng là nốt trầm thê thảm, hiện tại chị Băng có cuộc sống khiến nhiều người ngưỡng mộ. Chị có một phòng khám nha khoa, một cơ sở homestay riêng, trở thành Hoa hậu Vầng trăng khuyết 2019 và có cuộc sống hạnh phúc bên chồng Tây.
Chị Băng kể, vào năm 2014, trong một lần lên sân thượng ngắm bình minh cùng mẹ, chị đã rất muốn nhảy múa. Ban đầu từ những điệu nhún nhẩy đơn giản nhưng cũng làm tâm hồn trở nên vui tươi nên chị kiên trì luyện tập với bao nhiêu lần ngã dập dụi để học giữ thăng bằng, nhảy xoay người chỉ với một chân.
Từ khi tìm đến những điệu múa, chị thấy lạc quan vui vẻ hơn. Đặc biệt, cuộc đời chị như rẽ sang một bước ngoặt mới khi tìm thấy một nửa của mình là người đàn ông Đức có tên Oturak Be.
Chị Băng cho biết, đó là buổi chiều cuối năm 2016, khi tiễn bạn ra sân bay, anh Oturak Be đã bất ngờ đến nhờ chị chỉ đường trong chuyến du lịch Việt Nam của mình. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như sau đó hai người vô tình gặp lại nhau ở hồ Tây, rồi kết bạn, làm quen.
'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat-Hinh-4
Chị Băng gặp chồng vào cuối năm 2016 
“Ấn tượng của tôi về anh ấy lần đầu tiên đó là rất đẹp trai, cẩn thận và chu đáo. Còn anh thì ấn tượng khi thấy tôi múa trên một chân. Những ngày anh ở Việt Nam, tôi đã đưa anh đi khám phá nhiều nơi. Đến ngày anh về nước, tôi bất ngờ nhận được lời cầu hôn từ anh ấy. Tôi đã từ chối và nói rằng mình không xứng đáng. Nhưng về nước anh ấy đã gửi mail thuyết phục. Thấy anh ấy là người cởi mở và không kỳ thị người khuyết tật nên tôi đã nhận lời. Đến khi kết hôn tôi mới biết anh là một giáo sư đại học chứ không phải là giáo viên như giới thiệu ban đầu”, chị Băng chia sẻ.
Từ khi kết hôn vào cuối năm 2017 đến nay, cứ 3 tháng anh Oturak Be lại về Việt Nam thăm chị một lần. Còn những ngày bình thường, hai vợ chồng chị kết nối với nhau qua mạng, gọi facetime, video call... Mỗi người có 3 cái điện thoại để luôn luôn kết nối với nhau mà không ai bị mất sóng.
Nghĩ về cuộc hôn nhân tưởng như chỉ có trong mơ, chị Băng tâm sự: “Tháng 1 sẽ là ngày kỷ niệm 3 năm ngày cưới của hai vợ chồng. Tôi không nghĩ thời gian lại trôi nhanh đến thế. Hiện tại, tôi có thể chủ động được tất cả mọi việc của mình trong cuộc sống hàng ngày.
Chồng luôn cho tôi làm những điều mình yêu thích, miễn là nó phải có ý nghĩa. Mỗi ngày tôi tự vạch ra thời khóa biểu cho mình, thời gian thể thao, làm việc, sinh hoạt cá nhân như nội trợ nấu ăn. Mỗi tuần tôi dành 3 buổi, với thời gian 30-45 phút để múa hoặc thỉnh thoảng ngẫu hứng bật nhạc lên múa.
'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat-Hinh-5
Sau bao nỗi buồn chị tìm thấy niềm vui từ nhảy múa 
Có một điều mà chưa bật mí với ai là tôi cũng có một kênh YouTube riêng để đăng tải những video truyền cảm hứng. Mỗi lần buồn tôi cũng hay xem để lấy lại tinh thần, nên tôi nghĩ nó cũng sẽ có ý nghĩa với ai cần nó”.
Chị Băng chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở xa nhau nhưng vẫn có những lúc giận dỗi, điều quan trọng là mình phải tiết chế cảm xúc lại, kiểu một người giận thì người kia phải lui ngay. Như câu nói tôi rất thích là “chồng giận thì vợ phải lui, chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng” mà tôi luôn áp dụng trong cuộc sống của mình.
Chồng tôi không sống với gia đình, anh ấy đã tự lập và ở riêng từ khi 17 tuổi, nhà cách xa bố mẹ 340km. Bởi vậy, khi có dịp hoặc vào những ngày lễ, sinh nhật mới về thăm nhau hoặc chia sẻ qua điện thoại mỗi tuần.
Tôi làm dâu điều đặc biệt nhất là văn hóa ở 2 nước rất khác nhau, nhưng bố mẹ hai bên gia đình cũng thoải mái để mọi lễ nghi trở nên đơn giản. Riêng với chồng, thỉnh thoảng tôi cũng có giới thiệu về nghi lễ dân tộc Tày của mình và ở Việt Nam cho anh ấy hiểu”.
'Hoa khoi mot chan' va cuoc hon nhan nhu mo cach nua vong trai dat-Hinh-6
 Với Oturak Be, chị xứng đáng có được tình yêu
Chị Băng cho biết, từ sau giải quán quân “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” chị khá bận rộn với những hoạt động cộng đồng nên phải hoãn lại kế hoạch đoàn tụ với chồng. Mới đầu anh khá buồn nhưng cuối cùng anh cũng ủng hộ chị, chỉ cần chị vui thì anh sẽ đồng ý.
“Khi anh ấy ở Việt Nam thì trách nhiệm của tôi là nấu ăn và nấu ăn thôi, còn lại những việc khác anh ấy sẽ làm hết. Bởi anh thích ăn những món vợ nấu nên thỉnh thoảng đi ăn ở Đức anh ấy phải tưởng tượng ra đó là món ăn của vợ thì mới cảm thấy ngon miệng.
Tôi không có cảm giác anh ấy ở rất xa mình nên điều quan trọng nhất là phải tin tưởng nhau. Trong tương lai chắc chắn tôi sẽ phải sang Đức với chồng nhưng hiện tại tôi muốn ở lại Việt Nam để chia sẻ về cuộc sống nhiều hơn nữa. Còn về kế hoạch có em bé, do tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật chưa ổn định nên bác sĩ vẫn khuyên từ từ. Gia đình chồng không đặt gánh nặng con cái lên trên hết mà chỉ cần có cuộc sống hạnh phúc là được”, chị Băng nói.
Khép lại câu chuyện của mình, chị Băng nhắn nhủ: “Mọi người ơi hãy tự tô màu cho chính cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn nhé. Đặc biệt luôn luôn giữ tinh thần sống khỏe, sống đẹp, sống có ích, lan tỏa yêu thương đến với cộng đồng. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp và hạnh phúc hơn khi chúng ta biết chia sẻ và cho đi”.
Theo T.H (Đời sống Plus/GĐVN)

>> xem thêm

Bình luận(0)