Đã từng nhiều lần muốn nghỉ việc vì áp lực và thiếu đam mê, Thu Hoài vẫn quyết định tiếp tục công việc vì sợ sẽ phải đối mặt với áp lực tài chính
Gắn bó với công việc nhân viên kinh doanh gần hơn gần 1 năm rưỡi, chưa khi nào mà Lê Thu Hoài (24 tuổi) muốn chuyển sang công việc khác như hiện tại. Cả tuần qua, Thu Hoài ngồi bên máy tính hàng đêm để hoàn thành công việc được giao vì phải báo cáo công việc vào 8 giờ sáng.
"Đây là công việc đã giúp mình có thu nhập trong đại dịch, nuôi mình nhiều tháng qua. Dù vậy nhưng thú thực, đây chắc chắn không phải công việc mình yêu thích và có khả năng đảm đương tốt. Nếu không có dịch bệnh và việc đã sử dụng hết số tiền dành dụm, mình chắc chắn đã nghỉ việc từ lâu", Thu Hoài nói.
Mức lương hiện tại của Thu Hoài là 4 triệu đồng/tháng, thêm cả chỉ tiêu doanh số thì mỗi tháng cô gái trẻ có thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng, số tiền vừa đủ trang trải cuộc sống một mình của Hoài tại Hà Nội, khó có thể dành dụm cho những dự định của bản thân.
Đợt dịch vừa rồi, không được đi làm, lương hàng tháng của Hoài cũng bị cắt giảm 30%, khiến cô gái trẻ cảm nhận rõ rệt hơn những áp lực. Đi làm và ra về lặng lẽ, không giao tiếp với ai, không dám tham gia các cuộc vui và thực hiện công việc được giao một cách thiếu năng lượng, uể oải, mất tinh thần là điều cô gái trẻ thú nhận về tình trạng của bản thân nhiều tháng qua.
"Đã có không ít lần mình chuẩn bị tinh thần để xin nghỉ việc thì một đợt dịch mới lại bùng phát. Những khó khăn đậm nét của đợt dịch vừa rồi khiến mình nhận ra việc có 1 công việc có thể lo cho bản thân là điều cần thiết nhất bây giờ chứ không phải một công việc theo sở thích hay đam mê. Nỗi lo về tài chính và việc duy trì thu nhập ổn định là điều quan trọng nhất để mình vượt qua thời điểm hiện tại", Thu Hoài chia sẻ.
Vòng xoáy về tài chính và thu nhập đang ảnh hướng đến dự định và ước mơ của nhiều người trẻ (Ảnh minh họa)
Những ảnh hưởng của dịch bệnh khiến rất nhiều người gặp khó khăn về cuộc sống, công việc, đặc biệt là tài chính. Mất việc làm, không có thu nhập, nhiều người trẻ phải cắt giảm chi tiêu, nhờ cậy sự giúp đỡ của gia đình. Tương lai không chắc chắn, nhiều bạn trẻ cố gắng tìm những hướng đi khác nhưng rồi lại cuốn vào vòng xoáy về nỗi lo tài chính.
Sau nhiều tháng cầm cự vói khoản tiền tiết kiệm trong 3 năm làm công việc hướng dẫn viên du lịch, Đỗ Hưng Phước (26 tuổi) dù khá buồn nhưng quyết định bắt đầu lại sự nghiệp và nhận mức lương tương đương sinh viên mới ra trường.
“Chờ đợi là những gì mình đã từng nghĩ để vượt qua đợt dịch này. Khi mà dịch bệnh kéo dài quá lâu, mình không còn đủ khả năng tài chính để tự lo cho bản thân nữa.
Ngày trước mình làm công việc hướng dẫn viên du lịch quốc tế với mức lương rất tốt và không ở nhà nhiều nên mình tiết kiệm được kha khá. Có thời điểm, mình đã từng “ngó lơ” dịch bệnh. Thế rồi đầu tư thua lỗ và đủ thứ chuyện ập đến, nếu cứ tiếp tục chờ đợi thì mình tự buộc chân mình vào tảng đá mất”, Hưng Phước buồn bã tâm sự.
Dù đã từng có một công việc "đáng mơ ước" và khoản tiền tiết kiệm kha khá, Hưng Phước lại bắt đầu lại với các công việc mới để trang trải cuộc sống hậu đại dịch
Hiện tại, chàng trai trẻ đang làm công việc tổ chức các sự kiện online cho các đơn vị nhỏ. Thu nhập mỗi tháng của Phước là 6 - 7 triệu đồng/tháng. Dù không phải là số tiền mong muốn nhưng việc không phải nhàn rỗi cả ngày và kiếm được tiền nuôi sống bản thân khiến anh cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn.
Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và cuộc sống bình thường mới có nhiều khởi sắc, Hưng Phước cũng chuẩn bị sẵn các kế hoạch trong tương lai, vừa phù hợp với chuyên môn của bản thân và phù hợp với bối cảnh sống chung với dịch bệnh.
“Thất nghiệp quá lâu và không tự nuôi được bản thân khiến mình suy kiệt cả về tài chính và tinh thần. Do đó, mình quyết định không chờ đợi và dậm chân tại chỗ nữa. Trước mắt mình sẽ làm thật tốt công việc hiện tại để khi du lịch quay lại, mình có cơ hộp thực hiện những sáng tạo và ấp ủ của mình”, Hưng Phước chia sẻ.
Áp lực tài chính hậu đại dịch đang khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, bế tắc (Ảnh minh họa)
Vấn đề tài chính và thu nhập không ổn định đang đe dọa đến cuộc sống của nhiều người. Với giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, điều này làm cho họ cảm thấy mất tự tin vào bản thân, không còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và có nguy cơ đưa đến các bất ổn về mặt sức khoẻ tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm.
Để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần ổn định, tâm lý tích cực là một điều quan trọng. Chuẩn bị sẵn các kế hoạch cho bản thân để thích ứng với hoàn cảnh thay đổi là bài học mà nhiều người trẻ rút ra được sau đại dịch. Nền tảng tinh thần tốt sẽ giúp giới trẻ có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và tìm ra những giải pháp phù hợp để phát triển bản thân.