Theo từ điển tiếng Việt, từ “khum” dùng để chỉ vật hoặc hình thù uốn cong lên hoặc lõm xuống như mai rùa.
Thế nhưng, đối với Gen Z, “khum” chỉ đơn giản là cách nói dễ thương hơn của từ “không”.
Không rõ ai, cộng đồng nào đã “phát minh” ra cách đọc mới này. Tuy nhiên, nhờ sự lan tỏa của các Gen Z trên mạng xã hội, “khum” trở thành một từ thông dụng trong cả văn viết lẫn các cuộc hội thoại thường ngày.
Cụ thể, thay vì phủ nhận bằng từ “không”, các bạn trẻ sử dụng “khum” để từ chối một cách nhẹ nhàng và dễ thương, tránh làm đối phương đau lòng.
Trên thực tế, “khum” không phải là biến thể duy nhất của “không”.
Vào những năm 2000, khi điện thoại “cục gạch” xuất hiện và trào lưu dùng teencode khởi sắc, từ “không” được rút gọn thành “k”, “0”, “hok” hoặc “ko”.
Một thời gian sau, nó lại xuất hiện dưới dạng “hông”, “hôn”, “hem” hoặc “hơm”. Trong đó, “hông” hay “hôn” vốn là cách phát âm phổ biến của người miền Nam, nhưng sớm được giới trẻ biến thành ngôn ngữ trò chuyện riêng.
Đến năm 2021, từ “khum” lên ngôi, trở thành “phiên bản cập nhật” mới nhất của “không”.