Đi "bay" phải “check in”, thú vui của dân chơi?
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh tay chơi chụp ảnh sử dụng chất cấm tung lên mạng khoe đẳng cấp khiến dư luận dậy sóng. Khi xem những hình ảnh đó, cư dân mạng không khỏi ngạc nhiên trước việc check in, khoe ảnh hết sức táo bạo này.
Điều đáng nói, các tay chơi còn thể hiện sự vui sướng khi cùng nhau bay lắc. Sau đó tự tin post ảnh viên nén "20 viên candy" (được cho là thuốc lắc), "10 chấm cơm" (Ketamin-chất ma túy tổng hợp), rồi hình ảnh loa đài, đèn ảo trong phòng - “thiên đường” để những tay chơi thực hiện cuộc “bay”...
|
Ảnh 'tự sướng" của một bạn trẻ với status về chất kích thích gây sự chú ý trên mạng xã hội. (ảnh chụp màn hình) |
Theo tìm hiểu, trào lưu “tự sướng” đang trở thành căn bệnh của giới trẻ. Vì thế, hễ làm bất kỳ điều gì, kể cả làm việc phi pháp họ cũng không ngần ngại check in khoe khoang. Khi chất kích thích thành thứ để "khoe" và thể hiện "đẳng cấp" trên mạng xã hội thì nhiều người đã tự tay đóng khép tương lai của mình.
Gần đây, cư dân mạng phải hoảng hốt khi một cô gái đăng ảnh "Tem", một loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện tại Việt Nam và tự hào khoe "Bây giờ phải chơi tem mới phê". Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội cón có hẳn một group mang tên "Ketamin Group". Nhóm này chuyên đăng hình ảnh những loại ma túy tổng hợp mới nhất, cách phân loại "kẹo" phê, "kẹo" không phê, ke ngon, ke ảo để cho mọi người nhận biết.
Trên nickname Nguyễn Văn C.(sống tại Quảng Trị) còn công khai đăng tải hình ảnh “chỉ đỏ” - một loại cần sa mới. Ngay sau khi chủ nhân facebook đăng tải hình ảnh đã có không ít người vào bình luận: “Có thích không? Giá cả thế nào?”.
Hay trên một tài khoản facebook có tên Lê Vũ, chủ nhân tài khoản đã đăng tải hình ảnh được cho là “kẹo cười”- một loại chất gây nghiện và hàng loạt những bình luận “phê mất người”, “Cái này phê không?”…
Cũng theo tìm hiểu của PV, trên một số diễn đàn, không ít bạn trẻ còn công khai bình luận về tác hại của Ketamin, thuốc lắc, “đá”. Có những ý kiến nói, sử dụng “ke”, “đá” và thuốc lắc... không nghiện được.
Chưa biết thực hư chuyện giới trẻ tung ảnh “tự sướng” sau khi sử dụng chất kích thích trên mạng ra sao, tuy nhiên những hình ảnh đó khiến dư luận dậy sóng cho rằng đó là những việc làm điên rồ của những kẻ vô công dỗi nghề.
Lối sống lệch chuẩn, vị kỷ, đua đòi
Trước việc đăng ảnh phản cảm, ngay cả việc tung ảnh các loại chất cấm, sử dụng chất cấm của giới trẻ, một chuyên gia tâm lý nhận định, việc đăng ảnh “tự sướng” của một bộ phận giới trẻ như “bệnh dịch” lây lan.
Chụp ảnh tự sướng (ngay cả việc khoe mẽ những điều trái thuần phong mỹ tục) không chỉ là chứng nghiện mà còn là triệu chứng tâm thần. “Mặc dù tự sướng đang là hành vi phổ biến được giới trẻ ưa thích nhưng nó có thể là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong tương lai”, vị này khuyến cáo.
TS.Trịnh Hòa Bình - Giám đốc trung tâm Dư luận Xã hội cho rằng, giới trẻ đang sống lệch chuẩn. Chúng ta không thể đánh đồng, không thể lấy hiện tượng để quy chụp cho một thế hệ. Tuy nhiên, có một bộ phận giới trẻ đã và đang có tư duy lệch chuẩn, sống mất kiểm soát chạy theo cái tôi đầy vị kỷ, sống buông thả, sống hưởng thụ và có những tư duy lệch lạc.
Trước việc nhiều bạn trẻ ‘tự sướng” một cách quá đà, thậm chí đăng tải cả hình ảnh sử dụng chất cấm trên mạng, trao đổi với PV, LS. Phạm Văn Phất - Trưởng văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho biết, sử dụng ma túy tổng hợp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, LS. Phất cũng khuyến cáo, việc thực hiện các giao dịch, kể cả qua mạng xã hội cả người bán, người mua, người vận chuyển đều bị xử lý theo luật định. Việc mua bán mà bị phạt hành chính nhiều lần cũng hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự vì cố tình tái phạm.
>>> Mời quý độc giả xem video Chuyện ăn mặc phản cảm của giới trẻ (nguồn Youtube):