Quy tụ các cơ sở y tế, giáo dục và kinh tế lớn nhất cả nước, khu vực thủ đô Seoul - bao gồm Seoul, Gyeonggi và Incheon - luôn được coi là “miền đất hứa” với nhiều người dân Hàn Quốc.
Nơi đây là trụ sở của hơn 14 công ty nằm trong danh sách những doanh nghiệp lớn nhất thế giới Fortune 500, điển hình như Samsung và LG. Ngoài ra, thuật ngữ “In-Seoul” ra đời cũng khẳng định tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn tại đây.
Nhưng đối với những người trẻ như Kim Joo-tak và Noh Geun-hwi, Seoul lại giống như một “miếng bánh khó xơi” - vừa tràn đầy cơ hội, vừa chứa đựng nhiều bất công.
|
Không ít người trẻ cảm thấy mệt mỏi mới lối sống thành thị. Ảnh: Bloomberg.
|
Dù đem lại lợi ích về việc làm và các mối quan hệ xã hội, những mặt trái nảy sinh từ lối sống đô thị như ô nhiễm môi trường, chi phí sinh hoạt cao, áp lực và bất công trên thị trường lao động khiến nhiều người chỉ muốn “bỏ phố về quê”.
3 năm về trước, Kim Joo-tak (27 tuổi) quyết tâm rời bỏ quê nhà ở thành phố Mungyeong, tỉnh Gyeongsang lên Seoul lập nghiệp, hy vọng tìm được công việc hành chính hoặc tham gia quân đội.
Hiện tại, anh sống ở ngoại ô Ilsan, trang trải cuộc sống bằng nhiều công việc bán thời gian và theo học tại một trung tâm luyện thi để chuẩn bị cho bài kiểm tra công chức sắp tới.
Trả lời SCMP, anh nói rằng cuộc sống ở thủ đô dù tiện nghi, song phát sinh không ít rắc rối.
“Tình trạng tắc đường kéo dài hàng giờ ở Seoul khiến việc đi phương tiện công cộng hay lái xe riêng đều bất tiện. Mặt khác, những người tầm tuổi tôi không thể sống ở thủ đô vì giá nhà ngất ngưởng”, Kim chia sẻ.
Nam thanh niên 27 tuổi ước tính rằng giá thuê nhà tại khu vực nội thành sẽ cao gấp 3 lần so với mức 360 USD/tháng anh đang ở. Theo website so sánh chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn Numbeo, thủ đô xứ kim chi có mức giá chung cư cao thứ 3 trên thế giới.
|
Cuộc sống đắt đỏ, áp lực nơi phố thị là tác nhân khiến Seoul trở thành thành phố có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, theo SCMP. Ảnh: The New Yorker.
|
Không muốn bị cuốn vào nhịp sống vồn vã nơi phố thị, Noh Geun-hwi (27 tuổi) lựa chọn rời bỏ Seoul. 4 năm về trước, anh khiến bạn bè bất ngờ khi từ bỏ ý định tìm việc sản xuất video ở thủ đô để chuyển về Namju - thành phố cách Seoul khoảng 285 km về phía nam với hơn 100.000 dân.
Tại đây, Noh bắt đầu thành lập công ty sản xuất nội dung có tên NiNaNo Planning cùng 2 người bạn cùng chí hướng. Tuy nhiên, chàng trai 27 tuổi vẫn chưa thể hoàn toàn từ chối sức hút của thành thị.
Trả lời SCMP, Noh cho biết phần lớn doanh thu công ty đến từ việc thiết kế sân khấu, chỉ đạo nghệ thuật… cho các tổ chức có trụ sở tại Seoul.
“Hầu hết hợp đồng chúng tôi tiếp nhận đến từ Seoul do các trường đại học, công ty đều tập trung tại đó. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng dồn tiền để mở rộng sự nghiệp tại Namju vì tin rằng trong tương lai, nơi này sẽ phát triển".
Với mong muốn khởi nghiệp tại khu vực lân cận thủ đô, công ty do Noh sáng lập quyết định xây dựng một quán cà phê với mô hình mới lạ.
“Đầu tiên, chúng tôi mở quán cà phê mang tên Youth Alley ở ngoại thành và thu hút khách hàng trẻ tuổi bằng những buổi hòa nhạc, sự kiện chưa từng có tại đây. Khi quán bắt đầu có tên tuổi, chúng tôi sẽ chia sẻ các hoạt động lên mạng xã hội để quảng bá”, anh nói.
|
Một chương trình nghệ thuật được công ty NiNaNo Planning tổ chức tại Youth Alley. Ảnh: Handout.
|
Dù trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ check-in tại Namju, tình hình kinh doanh của Youth Alley gặp không ít khó khăn.
“Có những buổi hòa nhạc không có khán giả, có những chương trình cho thanh thiếu niên không được đón nhận”, Noh trải lòng.
Trước tình huống này, Noh Geun-hwi vẫn vô cùng lạc quan. Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển từ chính phủ và các dự án khởi nghiệp, một số vùng ngoại ô như Namju đang dần “thay da đổi thịt”.
“Chúng tôi muốn nói với giới trẻ rằng bạn không cần phải sống ở Seoul hay làm việc trong một tập đoàn lớn để tận hưởng cuộc sống”, Noh hào hứng chia sẻ.