Giới nhà giàu không còn thống trị phòng chờ sân bay

Google News

Ngày nay, hành khách có nhiều cách để sử dụng dịch vụ chăm sóc trước chuyến bay. Đó có thể là đăng ký thẻ tín dụng cao cấp, hoặc mua các gói giá rẻ tính theo từng lần sử dụng.

Mỗi khi đến sân bay sớm, Anne Marie Mitchell, giáo sư truyền thông ở Chicago (bang Illinois, Mỹ), thường vào phòng chờ để tận hưởng sự thoải mái. Cô có đặc quyền này nhờ trả phí hoặc sử dụng thẻ tín dụng hàng không, theo New York Times.

“Phòng chờ thường có quầy bar, nhiều món ăn nhẹ và nhà vệ sinh sạch sẽ. Quan trọng nhất, tôi không phải chịu cảnh đông đúc, ồn ào. Điều này giúp tôi thấy thoải mái và vui vẻ hơn”, cô nói.

Từ khi việc di chuyển bằng máy bay trở nên phổ biến, hành khách có điều kiện thường vào phòng chờ trước giờ khởi hành. Điều này giúp họ tránh rơi vào cảnh chen chúc, cáu kỉnh trong trường hợp chuyến bị hoãn, hủy.

Hiện nay, một số hãng bay ở Mỹ còn cho phép hành khách không thân thiết hưởng quyền lợi phòng chờ. Với họ, đây là cách để thúc đẩy kinh tế khi lượng khách du lịch gia tăng đáng kể.

Gioi nha giau khong con thong tri phong cho san bay

Có nhiều cách để hành khách tiếp cận các dịch vụ phòng chờ sân bay. Ảnh: Jenn Liv/New York Times.

Đặc quyền cao cấp

Từ lúc mới thành lập, các hãng bay lớn ở Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines đã khai thác các phòng chờ cho hành khách thượng lưu. Nhóm này bao gồm khách ngồi khoang hạng nhất, hạng thương gia và thành viên thân thiết.

Quyền lợi của họ bao gồm tham gia vào câu lạc bộ thành viên thân thiết. Khách bay các chuyến quốc tế đường dài được hưởng nhiều dịch vụ độc quyền hơn.

Trong khi đó, nhiều phòng chờ khác chào đón mọi hành khách, không phân biệt hãng bay, miễn họ có thẻ Priority Pass. Chủ thẻ được được sử dụng hơn 1.300 phòng chờ thương gia tại 600 thành phố trên thế giới. Hạng thẻ tiêu chuẩn có phí thường niên là 299 USD, giới hạn 10 lần sử dụng.

Nhận thấy nhu cầu thư giãn trước chuyến bay ngày càng lớn, các công ty dịch vụ tài chính phát hành thẻ tín dụng tích hợp ưu tiên phòng chờ.

Gioi nha giau khong con thong tri phong cho san bay-Hinh-2

Khách tham gia lễ ra mắt phòng chờ sân bay của ngân hàng Capital One (Mỹ). Ảnh: CapitalOneTravel.

Ví dụ, người sở hữu thẻ American Express hạng Bạch kim được sử dụng hơn 1.400 khu nghỉ ngơi sân bay. Mức duy trì thẻ hàng năm là 695 USD, bao gồm hạn mức tín dụng lên đến 400 USD để đăng ký khách sạn và quyền lợi khác.

Nhiều ngân hàng cũng gia nhập cuộc đua này. Họ thậm chí còn tự mở phòng chờ riêng ở sân bay.

Tiêu biểu, ngân hàng Capital One vừa có phòng chờ đầu tiên hồi cuối năm 2021 tại sân bay quốc tế Dallas Fort Worth (bang Texas). Khách hàng cần lập thẻ tín dụng Venture X với mức phí 395 USD mỗi năm để sử dụng các dịch vụ như yoga, đạp xe trong nhà và đồ uống thủ công.

Dần dần, nhóm đối tượng ra vào phòng chờ sân bay đã mở rộng đến người sở hữu các thẻ tín dụng, chứ không chỉ riêng những tín đồ hàng không.

“Ngày càng nhiều người đăng ký thẻ tín dụng cao cấp để hưởng ưu đãi ở sân bay. Đây cũng là một cách để các ngân hàng phát hành nhiều thẻ và giữ chân khách hàng”, Gary Leff, chủ blog hàng không View From The Wing, cho biết.

Tìm mọi cách để vào phòng chờ

Trong trường hợp không phải thành viên thân thiết hay sở hữu thẻ tín dụng, hành khách vẫn có thể mua gói ra vào phòng chờ tính theo từng lần. Nhờ vậy, họ dễ dàng thoát khỏi biển người chen chúc, hỗn loạn ở sân bay.

Tập đoàn Plaza Premium vừa ra mắt thẻ PPL Pass Americas trị giá 59 USD. Người mua sẽ có 2 lần sử dụng mọi phòng chờ của họ trải dài từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ trong một năm. Bên cạnh đó, chủ thẻ còn được hưởng dịch vụ chăm sóc từ nhiều hãng hàng không lớn như Virgin Atlantic, Avianca và Air France.

“Có đến 85% khách hạng phổ thông sử dụng dịch vụ này. Nhiều người muốn hưởng dịch vụ V.I.P như khách hạng nhất, thương gia nhưng không muốn chi quá nhiều vào tiền vé. Vì vậy, họ chọn ‘sự sang trọng giá phải chăng’”, Jonathan Song, giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu của tập đoàn, nói.

Gioi nha giau khong con thong tri phong cho san bay-Hinh-3

Nhiều hành khách bỏ thêm tiền để được sử dụng phòng chờ sân bay. Ảnh: LoungeBuddy.

Brian Kelly, người sáng lập website chuyên về trải nghiệm dịch vụ hàng không, cũng cho rằng hành khách nên mua các gói tiện ích phòng chờ.

“Giả sử chuyến bay bị hủy vì sự cố nào đó. Thay vì phải chờ vài tiếng đồng hồ mới được giải quyết. bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 50 USD để được hỗ trợ nhanh chóng. Đôi khi, các đơn vị này còn có thể bạn đến được nơi bạn cần”.

Tuy nhiên, việc phòng chờ ngày càng phổ biến cũng kéo theo nhiều vấn đề. Theo Haris Stavridis, chủ một văn phòng PR tại London, người ta bắt đầu xếp hàng dài để được vào khu nghỉ ngơi.

“Phòng chờ chưa bao giờ đông đúc đến vậy. Có vẻ nhu cầu thư giãn trước chuyến bay đang tăng lên. Việc này khiến nhiều hành khách lo lắng về sự an toàn, yên tĩnh vốn có của nơi này”, Stavridis bày tỏ.

Nhiều đơn vị hàng không cố gắng giải quyết sự đông đúc này. Điển hình nhất là Delta Sky Clubs với quy định mỗi hành khách chỉ được sử dụng phòng chờ trong 3 tiếng đồng hồ trước khi bay.

Song, tình hình nói trên vẫn rất khó xử lý triệt để khi dân Mỹ đổ xô đi du lịch, tiêu xài hậu Covid-19. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân viên phục vụ cũng khiến các sân bay bị quá tải.

“Bằng nhiều cách khác nhau, ai cũng có thể tiếp cận các đặc quyền hàng không. Vì vậy, phòng chờ sân bay đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết”, Patrick Rollo, chuyên gia bất động sản thường xuyên sử dụng máy bay, chia sẻ với New York Times.


Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)