Phan Đăng Hoàng là sinh viên sắp tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang tại trường NABA Nuova Accademia di Belle Arti tại Ý. Bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp của anh mang tên Quintessence (Tinh hoa) được trường lựa chọn để trình diễn tại Afro Fashion Week, một hoạt động thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang Milan Xuân Hè 2022.
|
Một mẫu trong bộ sưu tập của Hoàng tại Afro Fashion Week. |
Được đánh giá là một trong những bộ sưu tập thời trang sinh viên tốt nhất trong năm, Phan Đăng Hoàng còn được gặp gỡ với hai nhân vật quyền lực của làng mốt thế giới là Tổng Biên tập Vouge Anna Wintour và siêu mẫu đình đám Naomi Campbell.
Dự án tốt nghiệp của nhà thiết kế trẻ này có hai phần. Quintessence đã ra mắt. Kế đó, Hoàng dự kiến ra mắt phần 2, La Peinture (Bức tranh), vào năm sau. Anh gọi dự án tốt nghiệp của mình là Inside VietNam (Bên trong Việt Nam).
Đâu là ý tưởng để anh cho ra đời bộ sưu tập (BST) Quintessence (Tinh hoa)?
Sinh ra ở vùng đất miền Trung, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nên dường như mình mang tính cách kiên cường của con người nơi đây. Đó cũng là một phần ảnh hưởng của mình lên BST Quintessence. Vì những công việc như đan lát thủ công cần nhiều sự kiên nhẫn, tỉ mỉ nên những chi tiết đó góp phần nhiều cho BST này. Đó là điều mà mình hướng tới, đưa yếu tố giá trị con người vào thời trang.
|
Phan Đăng Hoàng sắp tốt nghiệp trường Nouva Accademia di Belli Arti (Ý). |
Chọn chất liệu sợi tơ tằm, làm các sản phẩm thủ công từ mây tre đan lát, ở Ý thì việc chọn những chất liệu đó khó khăn như thế nào để anh hoàn chỉnh BST này?
Đó là trở ngại lớn khi thực hiện BST ở Ý vì mình không thể về Việt Nam trực tiếp nghiên cứu đưa ra sản phẩm phù hợp. Nhưng mình được phát huy hết khả năng tìm tòi các chất liệu Việt Nam ở Ý phù hợp đưa vào BST này. Mình đặt sản xuất thêm các chất liệu chỉ có ở Việt Nam để đưa vào thực hiện vì muốn đưa tất cả tinh hoa, tinh thần Việt vào BST này.
Thời điểm đó, Ý vẫn trong dịch bệnh nên mình gặp nhiều khó khăn để hoàn thành dự án này. Tất cả cửa hàng đều đóng cửa nên mình phải tìm mọi cách mua đủ nguyên vật liệu. Đại dịch là một thử thách để mình cố gắng, tìm phương án giải quyết vấn đề.
Điều gì thôi thúc một nhà thiết kế gen Z như Phan Đăng Hoàng hướng đến các giá trị văn hóa Việt?
Thời trung học, mình học chuyên Văn nên tình yêu văn hóa Việt đã thấm nhuần trong mình. Chính văn học giúp mình trau dồi những kiến thức văn hóa, lịch sử. Từ đó, mình muốn gửi gắm các giá trị đó vào thời trang. Là một người trẻ gen Z, mình muốn sáng tạo, tiếp nhận nền văn hóa ấy dựa trên góc nhìn của thế hệ trẻ.
Về BST lần này, mình không dám nói nó mô tả hết tinh hoa văn hóa đất nước, chỉ là niềm cảm hứng. Bản chất thời trang cũng chỉ là trang phục. Nó cũng có tiếng nói, ngôn ngữ riêng, không thể truyền tải hết sức nặng của văn hóa. Cảm hứng văn hóa là một chất liệu quan trọng cho BST này, như một cách người trẻ như mình góp phần quảng bá, bảo tồn nét đẹp.
|
Đăng Hoàng được siêu mẫu Naomi Campell nhận xét về đồ án. |
Điều gì anh đã học được khi gặp trực tiếp Tổng Biên tập Vouge Anna Wintour và siêu mẫu Naomi Campbell?
Điều ấn tượng nhất về họ là thần thái của người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới thời trang. Là một sinh viên đứng nói chuyện trực tiếp với họ là một kỷ niệm đẹp nhất trong đời. Họ gần gũi, chia sẻ với mình như một người bạn, thay vì là những tên tuổi có sức nặng trong giới thời trang quốc tế.
Sự gặp gỡ với Anna Wintour và Naomi Campbell giúp mình học được sự tự tin, cách giới thiệu bản thân, sản phẩm của mình đến công chúng. Thực sự, mình cũng hơi ngại khi được gọi là "nhà thiết kế thời trang". Đó là thách thức, vì thời trang là lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực, yếu tố xung quanh như tài năng, mối quan hệ, sự may mắn nữa. Tất cả cộng hưởng cùng nhau để tồn tại trong lĩnh vực này.
|
Tổng Biên tập Vogue Anna Wintour (giữa) trò chuyện cùng Đăng Hoàng. |
Hiện tại, thời trang đang có xu hướng kết hợp cùng các yếu tố bản địa như chất liệu, họa tiết. Nhưng điều đó cũng xảy ra tranh cãi về việc “xâm lăng văn hóa”, Hoàng nghĩ như thế nào về điều đó?
Đây là chủ đề tài gây tranh cãi nhiều ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì thời trang. Ngay cả các thương hiệu thời trang lớn cũng tạo luồng dư luận khi nhắc đến cụm từ “xâm lăng văn hóa”. Cái gì cũng có cách giải quyết. Trong BST này mình chọn cách lấy một phần cảm hứng chứ không thế truyền tải hết văn hóa của một đất nước.
Mình mong mọi người đừng khắt khe quá. Bản thân thời trang khi tiếp cận văn hóa cũng có nhiều góc nhìn đa chiều. Đây là vấn đề nhạy cảm, chỉ cần sai sót nhỏ thôi cũng gây tranh cãi. Nhưng không phải vì thế mà quên đi trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy nó. Thế hệ trẻ như mình nên tiếp nối những giá trị đó và quảng bá rộng rãi đến công chúng quốc tế.
Ngoài ra, sự sáng tạo trong thời trang hiện tại hướng đến sự bền vững. Với các thiết kế của bạn từ Quintessence đến sau này thì bạn vẫn giữ điều đó như tôn chỉ hoạt động chứ?
Thời trang bền vững sẽ tiếp tục là xu hướng chung của thế giới trong thời gian tới, cũng là điều mà mình hướng đến. Tuy nhiên, không hẳn BST nào cũng đi theo hướng này, mà phải linh hoạt theo từng thời điểm, từng dự án. Tất nhiên, sự bền vững luôn là kim chỉ nam để mình phát triển để góp phần bảo vệ môi trường sống hiện tại, khi mà thời trang là lĩnh vực ảnh hướng lớn đến môi trường.
|
Nhiều chất liệu Việt được sử dụng trong bộ sưu tập của Hoàng. |
Bạn có dự tính hoạt động tại thị trường Việt Nam? Và mọi người có thể mong chờ như thế nào với các dự án sắp tới của bạn?
Sau tốt nghiệp, mình chưa dám nói trước về các dự định vì sợ bước không qua. Mình chỉ đang cố gắng nỗ lực cho công việc hiện tại. Mình vẫn mong sẽ có lúc trình diễn các BST cá nhân để khán giả Việt có thể đến thưởng thức. Hy vọng luôn được mọi người yêu mến và theo dõi con đường của mình.