Gặp cậu bé trong bức ảnh học bài ở vỉa hè lan truyền trên mạng

Google News

Người phụ nữ trong bức ảnh dạy em nhỏ học chữ trên vỉa hè được nói là dì ruột của bé. Sau một ngày buôn bán, gia đình ba người ngủ tạm trên các sạp bỏ trống ven đường.

Đã 22h, đường phố Sài Gòn vẫn tấp nập xe cộ. Gần khu chợ Bến Thành (quận 1), tiếng nói cười của du khách nước ngoài, lời chào mời của các tiểu thương và câu rao từ những gánh hàng rong hòa lẫn vào nhau.
Ở một góc chợ, cậu bé dáng người nhỏ thó đang gục đầu ngủ bên túi khăn giấy. Thỉnh thoảng, vài du khách đi qua nhét vào tay em ít tiền.
Đó là Trần Hoàng Bảo (10 tuổi), cậu bé gây chú ý trên mạng xã hội những ngày qua với tấm ảnh ngồi trên vỉa hè viết chữ cùng một người phụ nữ.
Bảo không được đi học vì không có giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân.
Gap cau be trong buc anh hoc bai o via he lan truyen tren mang
 Hình ảnh cậu bé được người phụ nữ dạy viết chữ trên vỉa hè gây xúc động. Ảnh: Bùi Xuân Vũ.
Ba mảnh đời nương tựa lẫn nhau
Trả lời Zing.vn, chị Mỹ Linh (37 tuổi) nói Bảo là con trai duy nhất của mình.
Theo lời chị Linh, người phụ nữ cầm tay Bảo viết trên vỉa hè trong tấm ảnh được lan truyền trên mạng là dì ruột của cháu - Mỹ Liên (39 tuổi).
Cũng theo chị Linh, hai người có quê gốc ở TP.HCM, vì gia đình sa sút mà không còn nhà cửa, phải lang thang bán rong ở khắp các con đường quanh chợ Bến Thành, những nơi có quán ăn, chỗ đông người.
Gap cau be trong buc anh hoc bai o via he lan truyen tren mang-Hinh-2
Gia đình ba người sống chủ yếu trên vỉa hè, tắm rửa ở nhà vệ sinh công cộng. 
Chị Linh nói thêm, tài sản có giá trị mà hai chị em có được là chiếc xe máy mua trả góp từ một nhà hảo tâm với giá 700.000 đồng. Sau một ngày làm việc, họ về khu vực quận 2 tìm nơi có mái hiên để chợp mắt.
"Chúng tôi không có nhà cửa, thường đi bán từ lúc đường phố tắt đèn đến sáng, buổi tối thì sinh hoạt tắm rửa ở nhà vệ sinh công cộng và về lại vỉa hè bán tiếp", chị Linh nói.
Hàng ngày chị dẫn theo Hoàng Bảo đi bán hàng rong, còn người dì thì kiếm việc chạy xe ôm và lau nhà thuê.
"Ai kêu gì làm đó, miễn có tiền nuôi ba miệng ăn sống qua ngày", chị Linh nói.
Vỉa hè là bàn học, mặt đường là ghế
Sau một ngày buôn bán, người dì tên Liên sẽ bày sách vở dạy cháu mình học. Theo lời chị Linh, tuy cả hai ít học nhưng họ luôn muốn con mình biết đọc, biết viết.
"Cháu nó cũng thông minh, học thuộc 24 chữ cái rồi, giờ dạy nó viết nữa là xong. Tôi cũng muốn dạy nó làm toán nhưng không biết nhiều lắm, chỉ biết tính vài ba đồng lẻ", chị Linh nói.
Bà mẹ đơn thân nói biết mình thua kém người khác, chị luôn muốn lo cho con đi học để có việc làm ổn định. Tuy nhiên theo chị, điều đó muốn thành hiện thực thì quá khó khăn.
"Ăn uống đã khó khăn, giấy tờ tùy thân không có, muốn cho con đi học lắm nhưng không thể làm được", chị Linh nói. 
Bây giờ, mỗi ngày hai người phụ nữ thay phiên dạy Bảo học chữ. Nhưng không phải lúc nào Bảo cũng học được đều đặn.
"Những hôm vắng khách, ba người phải cùng nhau đi bán. Đến khi về đã mệt nhừ. Như ngày hôm nay, cả chị Liên và thằng Bảo đều ngủ bù. Hai người không có sức để dạy học nữa", chị Linh nói, chỉ tay vào người đàn bà đang gục trên xe.
Chị Linh nói rất muốn đưa con đi học nhưng lại "lực bất tòng tâm". Chị nói có nhiều nhà hảo tâm, tổ chức xã hội lại hỏi thăm nhưng cũng không giải quyết được gì.
"Mong manh lắm em ơi", chị Linh nói.
Chị Linh kể lại có lần Hoàng Bảo bị ban sởi, sốt cao phải nhập viện. Tuy nhiên, vừa không có tiền, lại không có giấy tờ tùy thân nên chị không biết xoay xở thế nào. Bảo đã nói một câu mà khiến chị "nhớ suốt đời" khoảnh khắc ấy.
"Mình không có tiền, về đi mẹ", Bảo nói trong cơn sốt phát ban.
"Nhưng tôi thương con, ráng cho con chữa bệnh, may mắn có người cho 500.000 đồng, còn lại tôi xin thiếu bệnh viện, tôi và dì nó đi bán trả lại từ từ”, chị Linh kể lại.
Ít tiếp xúc, khi được hỏi đều lảng tránh
Theo người dân gần đó, gia đình ba người này ít tiếp xúc với người khác. Họ cũng không hay than nghèo kể khổ với ai, khi được hỏi đều lảng tránh.
"Mỗi ngày tôi ra đây bán đều thấy hai mẹ con ngồi đó rồi. Tôi cũng không biết họ từ đâu đến, nghe đâu là gia đình sa sút, nhưng thấy họ ngồi bán vậy chứ cũng không làm nghề gì khác", chị Ngọc Minh (42 tuổi, bán hàng rong, quận 1) nói. 
Vài người xung quanh lại nói gia đình chị Linh chỉ buôn bán ở đó, khoảng tầm chiều xuất hiện đến khi đèn tắt lại đi.
"Họ bán khăn giấy, kẹo cao su chứ không xin tiền của ai, du khách thấy thương thì cho thôi", anh Hoàng Tuấn (34 tuổi, tài xế xe ở quận 1) nói.
Trời về khuya, gia đình ba người dọn dẹp đồ đạc và chuẩn bị di chuyển về khu vực quận 4 để tiếp tục bán hàng.
Theo Trọng Huy-Phương Thảo/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)