Một trong những hành động cần phải lên án và loại bỏ, đó là bộ phận người hâm mộ “điên cuồng” tấn công tài khoản mạng xã hội của các trọng tài quốc tế.
|
Trọng tài Al-Jassim điều hành trận Việt Nam - Australia tại Mỹ Đình. |
Những hình ảnh xấu xí xuyên biên giới
Ngay vào thời điểm trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Australia (ngày 7/9 tại Mỹ Đình) đang diễn ra, chính xác sau phút 27, rất nhiều người Việt Nam đã tràn vào tấn công một số tài khoản mạng xã hội có tên “Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim”, được cho là của trọng tài người Qatar.
Lý do của nguồn cơn giận dữ theo đám đông xuất phát từ việc trọng tài Al-Jassim từ chối cho đội tuyển Việt Nam được hưởng phạt đền sau khi ông đã kiểm tra VAR.
Tình huống gây tranh cãi diễn ra ở phút 27, hậu vệ Rhyan Grant để bóng chạm tay trong vòng cấm sau cú dứt điểm quyết đoán của Hồng Duy. Khán giả Việt Nam cho rằng, thầy trò HLV Park Hang Seo phải được hưởng quả phạt 11m, tỷ số lúc này đang là 0 - 0.
Hy vọng đó được đẩy lên cao khi ông Al-Jassim cho dừng trận đấu để xem lại tình huống. Nhưng sau đó đã không có quyết định thổi phạt đền. Nhiều chuyên gia, trọng tài Việt Nam nhận định, đồng nghiệp Al-Jassim đã sai trong tình huống này.
Trong tâm trạng bức xúc, đông đảo cổ động viên lôi kéo nhau tìm các tài khoản mạng xã hội có tên Abdulrahman Ibrahim Al-Jassim để tấn công. Hàng chục icon “biểu tượng” phẫn nộ được thả ra và hàng chục nghìn bình luận bằng tiếng Việt với ngôn từ tục tĩu, những hình ảnh chế phản cảm được đính kèm nhằm vào trọng tài người Qatar.
Cơn giận dữ của số đông cổ động viên Việt Nam rất đáng sợ, cho dù không ít người đã kêu gọi các tài khoản khác cần bình tĩnh, ứng xử văn minh trên mạng xã hội.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên người Việt Nam tấn công các tài khoản được cho là của các trọng tài quốc tế, hoặc cầu thủ quốc tế. Gần đây nhất, trong trận đấu giữa đội tuyển Ả-rập Xê-út gặp đội tuyển Việt Nam diễn ra ngày 3/9, tài khoản mang tên trọng tài Ilgiz Tantashev cũng bị các cổ động viên kéo vào như thác đổ chửi bới, đe dọa, lập nhóm anti bởi họ cho rằng, ông vua áo đen người Uzbekistan đã có quyết định thiên vị đội tuyển Ả-rập Xê-út, làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
Theo đó, trọng tài Ilgiz Tantashev sau khi tham khảo VAR đã quyết định cho đội tuyển Ả-rập Xê-út được hưởng phạt đền và rút thẻ vàng thứ hai truất quyền thi đấu của trung vệ Duy Mạnh của đội tuyển Việt Nam.
Từ tình huống này, Ả-rập Xê-út ghi bàn gỡ hòa 1 - 1 và sau đó giành chiến thắng chung cuộc 3 - 1. Ngay sau đó, hàng nghìn cổ động viên Việt Nam tìm vào tài khoản Facebook có tên “Ilgiz Tantashev” để lại hàng nghìn bình luận, hình ảnh thô tục, mang tính miệt thị…
Tính chất nghiêm trọng của 2 vụ tấn công còn ở chỗ, trước khi diễn ra trận đấu, các cổ động viên Việt Nam đã đổ vào Facebook của trọng tài người Qatar và trọng tài Uzbekistan nhằm gây sức ép các ông vua sân cỏ này điều hành công tâm.
Hành động đi quá giới hạn của các cổ động viên Việt Nam buộc trọng tài Ilgiz Tantashev và Al-Jassim đều đóng tài khoản cá nhân của mình trước khi bước vào trận đấu. Tất cả các tài khoản mà các những fan cuồng tấn công đều là giả mạo.
Bên cạnh đó, hồi tháng 6/2021, trang Facebook của trọng tài Ali Sabah Al-Qaisi bị các CĐV Việt Nam tấn công dữ dội sau trận đấu giữa UAE với Việt Nam. Trọng tài người Iraq đã phải tạm thời khóa tài khoản Facebook. Rất nhiều người chỉ trích ông Ali Sabah Adday Al-Qaysi xử ép đội tuyển Việt Nam.
Nổi bật trong đó là tình huống không cho Việt Nam hưởng quả phạt đền khi Công Phượng ngã trong vòng cấm đối phương. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quả phạt đền của Công Phượng được công nhận, có thể đội tuyển Việt Nam đã hòa đội chủ nhà UAE 3 - 3.
Cũng tại UAE, trọng tài Ahmad Alali (người Kuwait) bắt chính trong trận đấu gặp Indonesia cũng bị rất đông các cổ động viên tràn vào trang cá nhân để chửi bới bằng những từ ngữ xúc phạm, phân biệt chủng tộc. Lý do là bởi ông đã không rút thẻ vàng cho cầu thủ Indonesia sau pha vào bóng quyết liệt bằng 2 chân với tiền vệ Tuấn Anh.
Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 6 - 9/2021, các cổ động viên quá khích Việt Nam đã để lại những hình ảnh vô cùng xấu xí với truyền thông, các đội bóng và đặc biệt đội ngũ trọng tài quốc tế.
Thậm chí, ngay cả khi biết các tài khoản cá nhân mang tên các trọng tài quốc tế là giả mạo, các cổ động viên Việt Nam vẫn không dừng lại. Nhiều nhóm anti trọng tài trên mạng xã hội cũng được lập và nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng tham gia.
Vậy nên, thực trạng tìm Facebook của trọng tài quốc tế tấn công, nếu họ đưa ra quyết định theo nhận định cảm tính là bất lợi cho đội nhà của cổ động viên Việt Nam đang gióng lên hồi chuông báo động.
Bởi thực tế, ông Ilgiz Tantashev đã xử lý đúng trong tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay. Điều đó đồng nghĩa một bộ phận không nhỏ cổ động viên Việt Nam đang hành xử theo kiểu “rừng rú”, không tỉnh táo để phân biệt đúng sai, hoặc tuân thủ các chuẩn mực xã hội.
|
Trọng tài Ilgiz Tantashev bắt trận đội tuyển Saudi Arabia thắng 3-1 trước đội tuyển Việt Nam. |
Bóng đá Việt Nam đang mất quá nhiều
Đội tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử khi giành quyền vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Thầy trò HLV Park Hang Seo cũng là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á đi đến những trận đấu tranh vé đi Qatar vào năm tới.
Các tuyển thủ Việt Nam có 10 trận đấu đỉnh cao, được đọ sức với những đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Australia, Ả-rập Xê-út… Đây là niềm tự hào rất lớn, ghi nhận cho sự tiến bộ vượt bậc của bóng đá Việt Nam trong chiến lược tiệm cận nhóm đầu châu Á, xa hơn là tham vọng giành suất đi World Cup vào thời điểm giải đấu được nâng lên 48 đội.
Các tuyển thủ Việt Nam đến với vòng loại thứ 3 trong tâm thế rất rõ ràng, đá đẹp, hết mình cùng tâm lý cầu thị, học hỏi. Bởi không dễ chúng ta có cơ hội đối đầu với những đội bóng thường xuyên đi World Cup.
Ngay cả bỏ ra cả triệu USD cũng chưa chắc thu xếp nổi các trận với Nhật Bản, Australia tại Việt Nam. Ngoài ra, việc bỏ tiền ra mời đối thủ đẳng cấp đến thi đấu, hoặc tham dự giải giao hữu nào đó và vị thế của đội tuyển Việt Nam bước vào sân thi đấu tranh vé đi Qatar khác biệt một trời, một vực.
Trong 2 trận vừa qua, trước những đối thủ rất mạnh, nhiều lần đi World Cup, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện rõ được bản lĩnh, năng lực của mình. Tại Ả-rập Xê-út, Quang Hải đã khiến cầu thủ, cổ động viên đội chủ nhà choáng váng với pha dứt điểm trái phá thành bàn ngay ở phút thứ 3.
Bước ngoặt chỉ đến từ tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay và phải rời sân. Trở về Mỹ Đình, thầy trò HLV Park Hang Seo đã chơi một trận ấn tượng trước Australia. Chúng ta cầm được bóng, thi đấu theo ý đồ của mình.
Nếu may mắn hơn đội tuyển Việt Nam đã có điểm. Ngoài vấn đề chuyên môn, điều đọng lại chính là cách hành xử đàng hoàng, đĩnh đạc của các tuyển thủ Việt Nam. Các cầu thủ khoác lên mình chiếc áo đấu quốc gia không sa vào lối đá xấu, đá láo, dù rất nhiều người có kỹ năng để làm được điều đó.
Hãy cứ nhìn cách đội tuyển Việt Nam đá với Thái Lan, Indonesia, hay Malaysia thì rõ. Các tuyển thủ sẵn sàng đá rắn, chơi tiểu xảo và cả những tranh cãi. Nhưng bước ra sân chơi lớn hơn, các tuyển thủ Việt Nam đã ứng xử thông minh và có văn hóa.
|
Hoàng Đức được săn đón sau khi cùng đội tuyển Việt Nam gây ấn tượng tại vòng loại World Cup. |
Cũng chính từ những trận đấu đỉnh cao này, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức được các câu lạc bộ của Thái Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha để ý. Theo đó, Pathum United – đội đương kim vô địch Thái Lan ngỏ ý muốn mượn Nguyễn Hoàng Đức (Viettel) về thi đấu, với chế độ đãi ngộ cao.
Một số câu lạc bộ hạng 2 Tây Ban Nha cũng như các đội ở K.League (Hàn Quốc) cũng đánh giá rất cao khả năng của tiền vệ này, sau khi anh đã chơi tốt ở hai trận đấu của tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022.
Thế nhưng, vấn nạn nhiều cổ động viên tìm kiếm, tấn công tài khoản mạng xã hội của các trọng tài quốc tế, bên cạnh yếu tố văn hóa ứng xử còn là tâm lý cay cú, máu ăn thua cùng trạng thái mất kiểm soát đáng sợ.
Những gì diễn ra trên không gian mạng thực chất cũng là góc tiếp cận khác cho văn hóa cổ vũ vẫn đang xuống cấp của một bộ phận cổ động viên Việt Nam. Nhóm, những người này sẵn sàng phản ứng tiêu cực nhằm vào trọng tài, cầu thủ, HLV, đồng thời trút xuống sân tất cả từ ngôn từ bậy bạ cho đến giày dép, mũ áo.
May mắn cho bóng đá Việt Nam là trận gặp Australia diễn ra trên sân không có khán giả. Người ta sẽ khó lường hết hậu quả nếu Mỹ Đình đêm 7/9 chật cứng khán giả.
Bộ phận cổ động viên quá khích gần như sẽ lăng mạ trọng tài, ném xuống sân nhiều vật thể lạ, thậm chí sau trận có thể còn đòi gặp trọng tài quốc tế để đòi lại “công bằng”, như những gì họ đã hành xử ở sân cỏ V-League.
Những hành động xấu xí nếu diễn ra, bóng đá Việt Nam chắc chắn bị phạt nặng và hình ảnh đội tuyển Việt Nam bị vấy bẩn bởi những kẻ quá khích này.
Facebook đã phát triển một bộ Tiêu chuẩn cộng đồng nêu ra những gì được phép và không được phép, nhằm tạo ra một nơi để mọi người tự do biểu đạt và bày tỏ ý kiến. Trong đó, Facebook nhấn mạnh đến yếu tố An toàn.
Cam kết biến Facebook thành một không gian an toàn. Những lời lẽ đe dọa mà có khả năng bài trừ, hăm dọa người khác hoặc khiến họ phải im lặng sẽ không được phép xuất hiện trên Facebook. Đồng thời, muốn mọi người tôn trọng phẩm giá của người khác cũng như không quấy rối hoặc làm mất thể diện của họ.
Những gì các cổ động viên quá khích Việt Nam gây ra, tấn công tài khoản cá nhân trọng tài đều vi phạm nghiêm trọng Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Chưa biết Facebook sẽ xử lý như thế nào, nhưng chắc chắn hình ảnh bóng đá Việt Nam đang xấu đi trong mắt truyền thông, các đội bóng hàng đầu châu lục và đặc biệt là đội ngũ trọng tài. Các ông vua sân cỏ quốc tế dường như đang có định kiến với các đội tuyển Việt Nam!?
FIFA luôn kêu gọi “Fair play” (tạm dịch là “chơi đẹp”). Trước mỗi trận đấu diễn ra, Ban tổ chức thường mang lá cờ có dòng chữ này ra sân. Vậy nên, việc những cổ động viên quá khích tấn công Facebook trọng tài quốc tế là hành động xấu hổ và cần lên án, loại bỏ ngay lập tức.
Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn mối nguy hại tiềm ẩn ngoài đời có thể liên quan đến nội dung trên Facebook. Mặc dù, chúng tôi hiểu rằng, mọi người thường bày tỏ thái độ khinh thị hoặc bất đồng bằng cách đe dọa hay giả vờ kêu gọi bạo lực, thế nhưng chúng tôi sẽ gỡ ngôn ngữ khích nộ hoặc tạo điều kiện cho hành vi bạo lực nghiêm trọng.
Chúng tôi gỡ nội dung, vô hiệu hóa tài khoản và cộng tác với cơ quan hành pháp khi cho rằng thực sự có nguy cơ tổn hại về thể chất hoặc mối đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng. Chúng tôi cũng cố gắng xem xét ngôn ngữ, bối cảnh để phân biệt những câu vô tình với nội dung cấu thành mối đe dọa có thể xảy ra với sự an toàn của cá nhân hoặc cộng đồng.
Để xác định liệu một mối đe dọa có thể xảy ra hay không, chúng tôi cũng có thể xem xét các thông tin bổ sung như mức độ được công chúng biết đến và rủi ro đối với sự an toàn thể chất của một người -
(Trích đăng phần 1 - Bạo lực và kích động của Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook).