|
Trên đỉnh Vọng Hải đài |
Bạch Mã- Chọn lựa số 1 cho ngày hè nắng lửa
Hè này, đồng bằng xứ Huế có những ngày nóng như chảo lửa. Cho lũ trẻ đi chơi đâu giữa cái chảo lửa này? Lẽ dĩ nhiên, đi biển là một lựa chọn được ưu tiên trước hết.
Nhưng biển thì mỗi mùa đi đến mấy đợt, và dù có nước mênh mông thật đấy, song biển đâu phải lúc nào cũng mát, cũng tắm được. Khoảng từ 9h sáng cho đến hơn 4h chiều, ai đủ can đảm để ra bãi với cái nắng chao chát đến vỡ đầu và mặt cát bỏng rát hơn cả chảo rang. Ngẫm tới ngẫm lui, mọi người thống nhất lên Bạch Mã để vừa được trải nghiệm vừa được tránh nóng. Mùa này, du lịch nội tỉnh, Bạch Mã là chọn lựa không thể tốt hơn.
Tính vốn cẩn thận, cả chục ngày trước khởi hành, tôi lo liên hệ với Vườn Quốc gia Bạch Mã để book phòng. Vậy mà vẫn không được chọn lựa khu lưu trú tốt nhất. Nhưng không sao, từng đi Bạch Mã nhiều lần, từ lúc Bạch Mã còn chưa có phòng ốc nhà cửa (tất cả các khu biệt thự cũ đều đang trong tình trạng hoang phế, chưa được phục dựng), phải cắm trại ngủ nghỉ, nấu ăn giữa rừng, nên tôi thấy không quá quan trọng cái chuyện lưu trú. Chỉ cần có phòng ốc, có những điều kiện phục vụ sinh hoạt tối thiểu là tốt lắm rồi. Ăn uống cũng vậy, có dịch vụ cả, chỉ cần đặt trước một thời gian nhất định là OK, không nhất thiết phải lỉnh kỉnh tay xách nách mang nào gạo cơm, rau cỏ, muối mắm, xoong nồi như trước đây nữa.
|
Khám phá Ngũ Hồ
|
Do điều kiện di chuyển hiện tại chưa thuận lợi lắm, muốn lên đến khu vực đỉnh của ngọn núi cao đến hơn 1.400m này, duy nhất chỉ có 1 tuyến đường bộ đèo dốc, dài ngót 20 cây số, cho nên khi quyết định khám phá và sử dụng dịch vụ tại Bạch Mã, ai cũng xác định tinh thần là giá cả chắc chắn có cao hơn bình thường, và vui vẻ chấp nhận điều đó. Thứ nhất là bởi mọi nguyên vật liệu, vận chuyển lên cho đến đỉnh núi để xây cất, trùng tu một khu biệt thự, trang cấp các trang thiết bị nội thất, rồi kéo điện kéo nước…đó là cả sự kỳ công. Tiếp nữa là nhân công, một người phục vụ ở đồng bằng nó khác, còn người chấp nhận xa gia đình để lên chốt trên núi, phân công nhau lo lắng các khâu từ quản lý đến phục vụ khách, rõ ràng nó cũng phải khác công một lao động tương tự nhưng ở môi trường bình thường.
Lại nữa, giá cả đều đã được niêm yết rõ ràng, công khai để khách tùy nghi chọn lựa. Lưu trú ở biệt thự này thì bao nhiêu, biệt thự kia thì bao nhiêu, giá phòng đôi thì thế nào, phòng tập thể ra sao; ăn thì có suất 180 ngàn, suất 220 ngàn đồng/người (đoàn trên 10 người) kèm set thực đơn cho khách chọn lựa. Những ai thích gần thiên nhiên hơn, hoặc lớp thanh thiếu niên mạnh khỏe năng động, có thể thuê lều bạt để cắm trại. Giá cũng niêm yết rất cụ thể: 250 ngàn/lều trại sức chứa 3-4 người, bao gồm tấm lót cách nhiệt, gối và túi ngủ…
Đoàn chúng tôi lưu trú ở khu biệt thự Đỗ Quyên 2, giá 650 ngàn/phòng 2 giường 1,2m. So với cái thời phải cắm trại giữa rừng thì quá sướng. Nhận phòng, ném tất cả tư trang hành lý vào, mỗi người khoác mỗi cái ba lô đựng những vật dụng cần thiết, vậy là yên tâm trải nghiệm, khám phá. Vọng Hải Đài, Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên là những điểm nhất định phải đến. Rồi đoàn còn được chiêm bái Quan Âm Bồ tát tại chùa Bạch Vân tự và tôn tượng của Ngài tọa lạc trên tuyến đường dẫn đến thác Đỗ Quyên đúng ngày vía Bồ tát Quan Âm thành đạo, thật là một cơ duyên hiếm có và ý nghĩa khiến cho ai nấy đều cảm thấy lòng ngập tràn hân hoan thỏa nguyện …
|
Cảnh sắc vùng Phú Lộc nhìn từ đỉnh Bạch Mã |
Tại các điểm đến cũng như dưới những tán rừng nguyên sinh Bạch Mã, các thành viên trong đoàn, nhất là chị em phụ nữ, check in đến…cháy máy. Đến đỉnh thác Đỗ Quyên, mặc dù đã thấm mệt và được “cảnh báo” trước, nhưng một số thành viên trong đoàn nhất định phải leo xuống cho đến chân thác. Gần 1.400 bậc cấp cả xuống và lên, nhưng đến khi đã “về đích”, ai cũng vừa thở vừa nở nụ cười mãn nguyện. Đêm, bên bếp lửa than bập bùng, một tiệc nướng nho nhỏ, cùng nhâm nhi ly rượu và trò chuyện giữa tiết trời se lạnh của Bạch Mã, thấy đời sao mà sảng khoái, mà vui vẻ đến vô cùng.
Phải quan tâm, chăm chút những dịch vụ hiện có
Rồi cũng đến lúc nói lời tạm biệt. Cảnh sắc, đất trời, khí hậu nơi đỉnh non thiêng Bạch Mã khiến ai cũng luyến lưu và thầm nói lời hẹn gặp. Đã từng nghe rất nhiều ý kiến tỏ ra sốt ruột, tiếc nuối về sự chậm chạp thu hút đầu tư của Bạch Mã so với một số khu nghỉ mát trên cao khác. Không đâu xa, người ta lấy khu Bà Nà anh em bên cạnh để làm đối chứng, để “phê” Bạch Mã của Huế chậm chân, trì trệ. Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng may mà Huế không nóng vội mới còn lại một Bạch Mã như bây giờ, chứ không thì tan nát hết. Tiền bạc và nhà đầu tư tiềm năng có thể có nhiều, song Bạch Mã thì chỉ có 1. Do vậy, cẩn thận để không đi vào vết xe đổ như của Tam Đảo, Sa Pa, thậm chí cả Đà Lạt nữa là điều cần thiết.
|
Cổng vào Bạch Vân tự .
|
Tuy nhiên, trong lúc chờ phương án đầu tư phù hợp, Bạch Mã cũng phải quan tâm, chăm chút với những dịch vụ hiện có. Phải nói rằng cảnh quan và kiến trúc của các khu biệt thự trên Bạch Mã là cực đẹp. Trùng tu, phục dựng và đưa chúng vào làm dịch vụ là hết sức hợp lý và đúng hướng. Tuy nhiên, có ở mới thấy, cơ sở phòng ốc, thiết bị (tối thiểu) là hết sức xập xệ, hết sức bất ổn. Cả khu biệt thự đẹp như tranh vậy, nhưng khi nhận phòng thì rất nản. Các tấm drap trải giường tấm thì ố vàng loang lổ, tấm thì thủng lổ chổ vẫn được dùng cho khách. Tắm thì vòi sen vỡ gãy, phòng có nước nóng, phòng lại không dù giá dịch vụ như nhau. Phòng nhỏ, khu vệ sinh khép kín, nhưng lại không có cửa thông hơi hay quạt hút, đêm ngủ bốc mùi làm du khách rất…khổ. Thậm chí cả ghế ngồi có cái đã gãy chân cũng không được thay thế hay sửa chữa. Phòng ốc, giường gối như vậy khiến du khách có người cảm thấy bất an. Một du khách là kỹ sư hóa từ Hà Nội đưa gia đình vào Huế du lịch, trong chương trình, anh quyết phải tới Bạch Mã một lần cho biết. Thuê khu Đỗ Quyên 1 sát cạnh, anh sang giao lưu làm quen. Biết chúng tôi là người Huế, anh chia sẻ thật lòng, rằng nhìn giường chiếu rất quan ngại, cứ sợ lũ trẻ bị dị ứng. Vừa nói, anh vừa chỉ cháu bé con mình đang bị sưng, ngứa một bên má mà không hiểu nguyên nhân do đâu…
|
Khu biệt thự tại cây số 0 được trùng tu đưa vào sử dụng một thời gian ngắn thì bị bỏ phế...
|
Giá thuê phòng tại Bạch Mã hiện giao động từ 650 ngàn -1,25 triệu đồng tùy theo loại phòng đôi, gia đình hay tập thể. Đó là mức giá không thấp, trong lúc dịch vụ bên trong cũng không có gì cầu kỳ ngoài giường ngủ, mấy cái cốc uống nước, kem bót đánh răng, phòng tắm có nước nóng…Cơ bản là vậy, và khách đã quyết định trải nghiệm Bạch Mã cũng chỉ cần có vậy. Nhưng vấn đề là phải đàng hoàng lịch sự. Thay cái vòi sen (nếu hỏng), bắt cái quạt hút; drap, bao gối cái nào hỏng, cũ quá rồi thì thay mới…Những thứ đó đâu có đòi hỏi vốn liếng gì quá ghê gớm mà không rà soát, thực hiện được trước khi vào mùa du lịch?
Phòng ốc cũng nên kiểm tra, vài năm một lần nếu phòng nào ẩm mốc quá thì cho sơn quét lại tí, một vài cánh cửa sổ bị xập xệ thì cho thay cái bản lề, ai lại dùng đinh đóng chết luôn vào khung ngoại như căn phòng chúng tôi vừa ở ?! Những việc đơn giản như thế, người làm dịch vụ phải có trách nhiệm rà soát để phục vụ du khách, thế mới sòng phẳng. Đừng để du khách có cảm giác Bạch Mã tận thu chứ không chịu đầu tư. Khách đã “dấn thân” lên đây thì có sao phải chấp nhận dùng vậy, cấm có đòi hỏi (!). Ngành du lịch cũng rất nên tăng cường để mắt đến nơi này chút. Có thể chưa đầu tư, có thể “nghèo” nhưng Bạch Mã phải lịch sự, phải “sang”. Đừng để những tiểu tiết lặt vặt như thế làm Bạch Mã mất điểm, cũng đồng nghĩa là du lịch Huế mất điểm.
|
Một biệt thự khác gần khu biệt thự Kim Giao cũng bị bỏ hoang, trong lúc nhu cầu lưu trú của khách là không nhỏ.
|
Cũng trong dịp chúng tôi đến Bạch Mã, gặp cơ quan VTV8 từ Đà Nẵng cũng tổ chức du lịch lên đây. Thấy cán bộ, phóng viên cứ kéo va ly vào phòng này rồi lại chuyển sang phòng khác, hỏi thì hóa ra họ đang phải tự cơ cấu, sắp xếp sao cho phù hợp để đủ chỗ ở. Lại có trường hợp chủ quan không đặt trước, nghĩ cứ hễ lên là có thể thuê được phòng nên cuối cùng lỡ việc…Tất cả cho thấy lượng khách đến với Bạch Mã đang ngày càng nhiều, nhu cầu lưu trú không hề nhỏ. Trong lúc đó, có những khu biệt thự đã được phục dựng, trùng tu rất đẹp như khu biệt thự của Morin tại cây số 0, khu biệt thự bên cạnh khu biệt thự Kim Giao, sau một thời gian ngắn hoạt động lại bỏ phế và bây giờ đang trên đà xuống cấp. Rất uổng và rất vô lý. Những cơ sở ấy nếu sửa chữa lại thì sẽ đáp ứng cho nhu cầu lưu trú của một lượng khách đáng kể, đồng thời cũng góp phần làm cảnh sắc Bạch Mã bớt dần sự hoang phế. Với tình hình vật liệu xây dựng như hiện tại, không thiếu vật liệu phù hợp có thể chống chịu và đảm bảo tính bền vững với khí hậu Bạch Mã chứ không phải chỉ ít năm là rơi vào tình trạng xuống cấp, rệu rã như một số công trình đang thấy. Liệu chủ cũ có tái đầu được không, nếu không thì mời gọi doanh nghiệp khác có nhã hứng thế vào. Cơ chế thế nào cho những tháng mùa mưa không khai thác để khuyến khích, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần tính toán, tham mưu với tỉnh, miễn làm sao đưa những khu biệt thự đã trùng tu tái hoạt động trở lại, vừa đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách vừa tránh lãng phí công trình.