Chuyến tàu du lịch "Kết nối di sản miền Trung” đầu tiên chính thức lăn bánh xuất phát từ Ga Huế đến Ga Đà Nẵng vào sáng 26/3. Tàu được trang bị ghế mềm điều hòa đặt cạnh những ô cửa sổ, tiện cho du khách ngắm cảnh dọc đường đoàn tàu đi qua. Trong ngày khai trương, trên tàu có nhóm nghệ sĩ biểu diễn ca Huế thính phòng phục vụ du khách. Ngành Đường sắt Việt Nam trang trí các toa tàu du lịch theo lối cung đình xưa, tạo cảm giác thích thú cho du khách.
Chị Hoàng Hòa Bình, một trong những hành khách đầu tiên đi trên chuyến tàu du lịch "Kết nối di sản miền Trung” rất thích thú khi đi trên chuyến tàu khác biệt này: “Lên tàu thì tôi trải nghiệm sự thư giãn, được kết nối trò chuyện với mọi người. Câu chuyện xoay quanh văn hóa và du lịch hấp dẫn hơn. Điểm Lăng Cô tôi thấy mọi người đổ xô ra chụp hình và quay clip nhiều nhất. Đi qua đèo Hải Vân, một trong những con đèo nổi tiếng khiến mọi người càng cảm thấy hứng thú với đoàn tàu này”.
Trên hành trình "Kết nối di sản miền Trung", đoàn tàu dừng đỗ tại ga Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế 10 phút để khách du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp, check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô, một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Những chuyến tàu này phù hợp với nhóm khách thích trải nghiệm cùng gia đình, người thân, giúp khách du lịch khám phá, ngắm nhìn núi non hùng vĩ, đầm phá, bờ biển.
Chị Hồ Thị Cẩm Hiền, một du khách đi trên đoàn tàu du lịch cảm nhận: “Tôi cảm thấy rất hào hứng, cung đường này không quá xa lạ nhưng khi lên tàu thì có cảm giác mới mẻ và khi đặt chân để xem những khung cảnh ngay tại khu vực cửa Lăng Cô, đèo Hải Vân thì lại cảm thấy rất là đẹp. Sau chuyến hành trình này, tôi sẽ làm một đoạn video ngắn hay thực hiện các bài viết để có thể quảng bá trên facebook hay trên kênh tiktok của mình, giúp cho bạn bè cũng như du khách ở khắp mọi phương đều có thể biết về chuyến tàu này”.
Chuyến tàu du lịch đường sắt "Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế - Đà Nẵng đưa vào khai thác gia tăng trải nghiệm cho du khách và liên kết phát triển du lịch các vùng khu vực miền Trung. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch 2 địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đang nỗ lực kết nối, tạo ra những dịch vụ đặc biệt hấp dẫn, mang lại trải nghiệm ấn tượng cho du khách.
“Tuyến đường sắt này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của phần đông người dân của hai địa phương, nhất là đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên của du khách khi đến với vùng đất miền Trung này. Thời gian tới, ngành du lịch 2 địa phương sẽ sắp xếp với các doanh nghiệp du lịch, cho ra nhiều gói sản phẩm liên quan đến chuyến tàu kết nối di sản miền trung này”.
Hiện nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ động phối hợp với các địa phương hướng đến phát triển phân khúc tàu du lịch hạng sang, kết nối nhiều địa phương, nhiều vùng miền hơn. Đây là sản phẩm mới, kết hợp kinh doanh vận tải với khai thác dịch vụ du lịch, một phân khúc trải nghiệm về lịch sử, văn hóa, di sản độc đáo dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Ông Đặng Sĩ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết việc đưa vào khai thác đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng: “Chúng tôi muốn đây là một phân khúc kết hợp giữa vận tải và đặc biệt là du lịch trải nghiệm trong một chuỗi hành trình của du khách. Đường sắt cũng có rất nhiều tiềm năng. Những khu ga của đường sắt là những công trình kiến trúc, những di sản. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ những giá trị đó ra đến cộng đồng. Khu ga sẽ là điểm đến và hành trình đoàn tàu cũng là một trải nghiệm, một phân khúc du lịch. Đi tàu để mà thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm phong cảnh, rồi trên tàu còn là sân khấu biểu diễn, còn là nơi tổ chức sự kiện và có thể là tổ chức cả đám cưới ở trên tàu”.