Mùa hè năm ngoài, Phương Linh và Nguyễn Loan có chuyến hành trình 28 ngày, qua 19 quốc gia châu Âu để kỉ niệm 18 năm tình bạn. Ngay khi trở về, đôi bạn lại tiếp tục tìm hiểu, lên kế hoạch tới châu Phi.
"Từ nhỏ tôi đã thích xem chương trình thế giới động vật và có ước mơ đến thăm châu Phi, tận mắt chứng kiến những đàn thú hoang dã di cư. Chúng tôi nghĩ, hành trình khám phá châu Phi sẽ vất vả, cần nhiều thời gian và sức khỏe nên ưu tiên thực hiện trước. Sau này, khi nhiều tuổi hơn, dù có điều kiện tài chính, tôi cũng không còn đủ sức khỏe và lòng nhiệt huyết để thực hiện ước mơ nữa”, Phương Linh chia sẻ.
Đôi bạn thân thực hiện ước mơ đến châu Phi ngắm thú di cư.
Họ dành một năm để tìm hiểu thông tin, lên lịch trình, làm thủ tục visa,... và sắp xếp công việc kinh doanh, với mục tiêu tới châu Phi vào tháng 7 để kịp chứng kiến mùa thú di cư.
Phương Linh cùng chồng, Nguyễn Loan và bốn người bạn thân thực hiện “giấc mơ châu Phi” qua 10 quốc gia: Uganda, Rwanda, Burundi, Tanzania, Malawi, Zambia, Zimbabwe, Botswana, Namibia, Nam Phi.
Linh, Loan và những người bạn đồng hành trong chuyến đi.
Ngay khi đặt chân tới quốc gia đầu tiên, Uganda, những du khách Việt đã bị “sốc” vì nhiệt độ và bụi. Tháng 7 tại châu Phi là mùa đông. Ban ngày, trời trong xanh, mát dịu, nhiệt độ dao động từ 12-25 độ C. Tuy nhiên, ban đêm, nhiệt độ hạ sâu. Có những đêm chỉ 6-7 độ C khiến họ sốc nhiệt do thiếu quần áo ấm.
"Đáng sợ” nhất với Phương Linh là bụi đất đỏ. Bụi bám kín quần áo sau một ngày di chuyển. “Cả nhóm ho sặc sụa suốt chuyến đi vì lượng bụi quá lớn, dù đã đeo khẩu trang rất kĩ”, Linh kể. Nhiều đêm, 1h sáng mới trở về tới khách sạn, Linh vẫn “cắn răng” tắm với nước lạnh buốt do không chịu nổi cảm giác bụi bẩn bám khắp người.
"Ngoài thích nghi với bụi, chúng tôi cũng phải thích nghi với ẩm thực. Đồ ăn ở 10 quốc gia này chủ yếu là bốn món: gà nướng, bò hầm, dê hầm và cá chiên ăn kèm cơm, từ nhà hàng bình dân tới khách sạn đắt đỏ. Đồ ăn không khó ăn nhưng không đa dạng như Việt Nam nên khi đi dài ngày, đây cũng trở thành thách thức”, Phương Linh kể.
“Dẫu vậy, chuyến đi này mang tới vô vàn trải nghiệm thú vị, rất đáng giá”, cô khẳng định.
Du khách Việt đến "thánh địa voi" - quốc gia Botswana.
Quốc gia đầu tiên trong hành trình khám phá châu Phi của đôi bạn là Uganda. Khi tới Uganda, nhóm lập tức tìm tới vườn quốc gia Bwindi, một trong những điểm hiếm hoi trên thế giới cho phép du khách tham quan khỉ đột Gorilla. Họ phải đi bộ suốt 5 tiếng trong rừng theo hướng dẫn viên bản địa, vượt những đoạn núi đá dựng đứng, đầm lầy trơn trượt đầy muỗi, côn trùng và các loài ong.
“Chúng tôi đã chủ quan khi không mang theo đồ ăn. Nhiều lúc quá mệt, đói, tôi định bỏ cuộc. Nhưng sợ rằng khó có cơ hội thứ hai nên lại động viên nhau tiếp tục”, Linh và Loan kể lại.
Chi phí để vào vườn quốc gia xem khỉ đột khoảng 700USD/người (gần 17 triệu đồng)
Cuối cùng, nhóm cũng tìm tới được nơi những đàn khỉ đột sinh sống. Chúng không hung dữ như tưởng tượng. Đoàn có thể quan sát ở vị trí rất gần, chỉ cách đàn khỉ 2-3m.
"Đây là lần đầu tiên tôi du lịch trekking như vậy. Trước đây, đi 300m tôi cũng gọi taxi, không chơi thể thao hay tập thể dục. Sau chuyến này, tôi thấy bản thân mạnh mẽ hơn tưởng tượng rất nhiều”, Linh nói.
Trong hành trình, nhóm khách Việt có những ngày tới Burundi, quốc gia nghèo nhất thế giới. Nước này có GDP bình quân đầu người chỉ 308 USD (khoảng 7,4 triệu đồng). Chênh lệch về GDP bình quân đầu người giữa Burundi và quốc gia giàu nhất thế giới - Luxembourg là gần 415 lần.
Phương Linh cho biết, cô rất tò mò muốn biết, cuộc sống ở quốc gia nghèo nhất thế giới này diễn ra như thế nào. Lần đầu tiên họ chứng kiến giữa thế kỷ 21, người dân vẫn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch triền miên. Vài ngôi làng với cả trăm người dân chỉ chung nhau một giếng nước hiếm hoi.
“Đi và tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn hiện hữu đó, tôi thấy trân trọng cuộc sống đang có nhiều hơn”, hai cô gái tâm sự.
Ở các tỉnh gần biên giới của quốc gia này gần như không có dịch vụ du lịch, không nhà hàng, không khách sạn. Thủ đô Gitega là nơi có mức sống phát triển nhất. Ở đây, họ bắt đầu có những ngôi làng du lịch, cả bộ lạc tham gia đón khách. Họ mặc trang phục dân tộc, nhảy điệu múa cổ truyền với những chiếc trống nặng tới 30kg đội trên đầu.
Rời Burundi, nhóm khách Việt tìm tới Tanzania để khám phá các khu bảo tồn động vật hoang dã. “Khi chiếc xe tiến tới cánh cổng khu bảo tồn, tôi hét lên vì sung sướng. Đây là trải nghiệm tôi ước mơ thực hiện từ rất nhiều năm rồi”, Phương Linh kể.
Chiếc xe men theo con đường nhỏ, băng qua những đồng cỏ xavan, tiến sâu vào khu bảo tồn thiên nhiên. Ở đây hoàn toàn là động vật hoang dã nên để đảm bảo an toàn, du khách chỉ có thể ngồi trong xe và phóng tầm mắt quan sát.
"Ở đây, ý thức bảo tồn thiên nhiên của người dân cực kỳ tốt”, Linh cho biết. Khi lên xe, cô mang theo một chùm nho để ăn dọc đường. Do đường xấu, xe xóc mạnh, chùm nho bị dập nát. "Thấy chùm nho không còn ăn được, tôi mở cửa kính, vứt nho xuống gốc cây. Tôi nghĩ đây là hoa quả, rác hữu cơ, không phải các loại túi bóng, rác thải nhựa”, Linh kể. Thế nhưng, lái xe lập tức dừng lại, đi tới và nhặt chùm nho lên. Lái xe giải thích, tất cả các loại rác thải dù là hữu cơ hay vô cơ đều phải mang ra khỏi khu rừng. “Động vật có thể ăn phải quả nho đó. Nếu nó không phải thực phẩm thích hợp, chúng có thể bị đau bụng”, người lái xe từ tốn giải thích với du khách.“
"Họ tuân thủ tuyệt đối các quy định để bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Du lịch ở đây chính xác là "không để lại gì ngoài những dấu chân”. Tôi rất ấn tượng với điều này”, Linh chia sẻ.
Khi từ Malawi qua Zambia, nhóm du khách Việt phải chờ đợi 3 ngày ở biên giới do những vướng mắc về thủ tục nhập cảnh. Suốt 3 ngày, họ nóng ruột ngóng tin tức, thấy ngày dài lê thê.
"Nhưng mọi sự chờ đợi là xứng đáng. Zambia có nhiều cảnh quan đẹp hơn bất cứ phim ảnh nào tôi từng xem”, Phương Linh và Nguyễn Loan chia sẻ.
Họ tới thác nước hồ bơi Quỷ dữ (devil's pool), nằm ở đầu nguồn thác nước, biên giới Zambia và Zimbabwe. Con thác trải dài hơn 1,5km, được xem là dải nước rơi lớn nhất thế giới. Nước đổ từ cao xuống gầm réo đêm ngày đã tạo nên màn sương mù phán chiếu ánh sáng mặt trời lấp lánh. Với những người ưa mạo hiểm, ngâm mình trong hồ bơi của Quỷ dữ là trải nghiệm đáng giá và thú vị nhất. Hồ bơi thường mở cửa từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 1. Vào mùa mưa, mực nước dâng cao sẽ gây nguy hiểm cho du khách.
Nhóm du khách Việt vừa ngâm mình giữa dòng nước chảy xiết 10 độ C, vừa ngắm nhìn cầu vồng nơi chân thác. Khung cảnh đẹp như mơ.
Tại đây, theo lời Linh, đứng ngồi tại vị trí nào, đặt chân ở đâu đều phải nghe theo hướng dẫn và sự giám sát chặt chẽ của hướng dẫn viên để đảm bảo an toàn
Để tới được hồ bơi này, nhóm phải chi một số tiền khá lớn, như: 150 USD/người (3,6 triệu đồng) chi phí tour, 100 USD/người/lượt, (2,4 triệu) chi phí bay trực thăng, 150 USD chi phí visa…
Tại Nam Phi, Phương Linh đặc biệt thích thú khi được tới ngắm chim cánh cụt ở bãi biển Boulders Beach tại Western Cape. Hàng vạn chú chim cánh cụt xuất hiện đáng yêu trước mắt du khách. Theo Linh, hiện nay khách tham quan phải đứng ở xa, không được chạm vào để đảm bảo an toàn cho chim cánh cụt.
Quốc gia ấn tượng nhất với nhóm là Namibia, nơi Linh ví “đẹp như bức tranh siêu thực, chỉ cần bấm máy là có những tấm hình đẹp”. Họ có một đêm nghỉ giữa sa mạc để ngắm dải ngân hà.
“Châu Phi còn nghèo khó nhưng người dân thì rất tốt bụng”, Phương Linh chia sẻ. Cô kể lại, khi nhóm tới biên giới Nam Phi khi đã nhá nhem tối. Thị trấn gần nhất cách đó 120km. Nhóm không thuê được xe để đến thành phố Cape và cũng không có bất cứ khách sạn, nhà nghỉ nào tại biên giới.
"Lúc này một chiếc xe bán tải chạy ngang qua. Chúng tôi cố gắng xin đi nhờ. Vợ chồng người Nam Phi rất dễ thương, sẵn sàng hỗ trợ. Cả nhóm cho vali lên thùng xe rồi ngồi co ro trên thùng, vừa đi vừa ôm nhau cho đỡ rét”, Linh kể. "Đi khoảng 50km, một chiếc xe container ra hiệu cho xe tôi dừng lại. Bác tài xe ngỏ ý mời nhóm lên buồng lái xe container cho đỡ lạnh. Nhìn chúng tôi co ro đoạn đường dài, bác thấy rất thương, không thể làm ngơ. Cabin chật chội nhưng ấm áp tình người”, Linh xúc động.
Được biết, chi phí cho chuyến đi này khoảng 350 triệu đồng/người. Linh và Loan có ý định sẽ trở lại một số quốc gia châu Phi như Ai Cập hay Maroc trong thời gian tới.