Phượt thủ, với những hành trình ngang dọc khắp đất nước, tiếp xúc với nhiều tình huống trái ngang, như gặp cướp dọc đường hay chứng kiến người gặp nạn. Vậy nên, cách xử lý của họ khi đối mặt với tai nạn của người xa lạ là điều khiến nhiều người thắc mắc, băn khoăn.
Ngày 7/6, kênh Youtube Phượt.TV đăng tải một video ngắn về cách giúp đỡ người bị nạn mà một nhóm gặp phải trên đường di chuyển tới địa điểm cắm trại.
Sự việc diễn ra vào một buổi chiều tháng 5. Nhóm phượt FO đang di chuyển trên một con đường vắng thuộc xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, thì thấy một thanh niên nằm ngang đường.
Lúc này, cả nhóm dừng xe để xem tình hình. Khi biết chắc người này say rượu, ngủ mê man giữa đường, không hề bị tai nạn hay chấn thương, nhóm đã cử người đi tìm sự giúp đỡ của người dân địa phương và đưa anh này về nhà.
|
Người thanh niên say rượu, mặc nhiên nằm ngủ giữa trời mưa. Ảnh: Cắt từ video. |
Video này khiến cho nhiều người phải đặt ra câu hỏi, rằng khi đi phượt chứng kiến người bị nạn thì nên giải quyết như thế nào? Làm thế nào để vừa giúp đỡ đúng người lại không đặt mình trong trong tình huống nguy hiểm?
Là người từng trải qua nhiều hành trình phượt và chứng kiến nhiều tình huống phát sinh dọc đường, anh Toại Nguyễn (30 tuổi) - người đăng tải đoạn video này - cho biết: "Uống rượu say mèm, nằm dưới trời mưa quá lâu rất dễ bị cảm. Mặc dù cả đoàn gặp mưa, đang rất vội đi tới điểm cắm trại, chúng tôi đều tâm niệm phải cứu người trước hết. Đây là thái độ ứng xử cần thiết với bất kỳ ai ở bất cứ đâu chứ không chỉ với phượt thủ".
Việc cứu người là quan trọng, tuy nhiên anh Toại Nguyễn cũng cảnh giác mọi người phải lý trí, đề phòng những tình huống như dàn cảnh để đòi bồi thường, ăn vạ, thậm chí cướp tài sản.
"Khi giúp người, trước hết bạn cần biết khả năng của mình đến đâu. Dù chúng ta gặp phải trường hợp bị nạn trên đường, hay vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là khi việc đó diễn ra trên một đoạn đường vắng, cách tốt nhất là tìm người dân địa phương cùng hỗ trợ. Đó vừa là cách đảm bảo an toàn cho bản thân, cũng như có thêm sự trợ giúp. Dân địa phương thường biết cách xử lý phù hợp nhất".