Hành trình tìm bạn gái Việt suốt 50 năm của cựu binh Mỹ đang lay động những con tim ở hai đất nước cách nhau nửa vòng Trái Đất. Sau hàng chục năm mòn mỏi ngóng trông vào điều kỳ diệu, người đàn ông Mỹ bạc đầu đã gặp lại "mối tình đầu" của mình.
Mất liên lạc nhưng luôn hướng về nhau
Khi trao cho bạn gái 50 bì thư, Ken Reesing, 72 tuổi, cựu binh Mỹ, nghĩ Thúy Lan (tên thật là Vũ Thị Vinh) sẽ viết thư cho mình trong khoảng một năm. Nào ngờ, tuần nào cô gái Việt cũng viết thư cho bạn trai. Vì thế, bì thư số 50 đến với ông Ken sớm hơn dự định.
"Lúc đó, tôi đang có chương trình học căng thẳng ở trường", ông Ken nói, mắt nhìn bạn gái kèm câu nói: "Chắc em đã thất vọng lắm". Nắm chặt tay bạn trai, bà Lan cho biết bà không nhớ lý do tại sao hồi đó lại viết thư cho ông nhanh đến vậy. "Chắc lúc đó tôi còn trẻ", bà giải thích.
Năm 1973, Ken không còn liên lạc được với bạn gái nữa, vì căn cứ Long Bình không còn, Mỹ cũng dần rút hết quân về nước. "Có mấy lần, tôi viết thư gửi theo địa chỉ của quán bar trong căn cứ, nhưng không nhận được hồi âm", Ken kể và lo lắng cho bạn gái. Dù thế, ông vẫn mong, ở cách xa nửa vòng Trái Đất, Thúy Lan vẫn xinh đẹp, khỏe mạnh và hạnh phúc bên gia đình.
|
Bà Thúy Lan và ông Ken lúc con trẻ. Ảnh: Vietnamnet. |
Bà Thúy Lan giải thích, khi căn cứ Long Bình không còn, bà về sống với bố mẹ ở phường Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Địa chỉ này, bà chưa bao giờ nói cho bạn trai biết. Một phần, bà không biết gửi thư cho người yêu bằng cách nào khi các binh lính ở căn cứ Long Bình đã di tản.
Chiến tranh kết thúc, Ken hỏi thăm Thuý Lan qua các binh lính Mỹ mới trở về nước từ cuộc chiến nhưng không ai có thông tin.
‘‘Sau khi miền Nam giải phóng, tôi có thuê trinh sát tìm cô ấy. Họ làm việc rất chuyên nghiệp nhưng vì tôi không biết tên thật, nơi ở cụ thể của Lan nên không có kết quả’‘, nắm chặt tay bạn gái, ông Ken hồi tưởng về quá khứ.
Hành trình đầy kiên nhẫn
Sau đó, ông Ken lập gia đình với người phụ nữ Mỹ. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không hạnh phúc và họ không có con. Sau ly hôn, Ken sống một mình trong căn nhà rộng hơn 700 m2 ở quận Medina, bang Ohio, Mỹ. Ban ngày, ông đi làm nghề xây dựng. Tối về, ông tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Những ngày cuối tuần, ông chăm sóc vườn và đi gặp gỡ bạn bè.
"Tôi có nuôi một con mèo để làm bạn. Nó rất đáng yêu. Khi đến Việt Nam thăm Lan, tôi đã gửi cho người bạn chăm sóc. Hy vọng, nó sẽ được chăm sóc tốt", ông Ken vui vẻ kể.
Ông cho biết việc tìm lại mối tình đầu bắt đầu mở rộng từ năm 2000, khi mạng Internet phát triển. "Tôi tìm trong âm thầm, vì sợ cuộc sống của cô ấy bị đảo lộn", ông Ken nói và cho biết nếu cuộc tìm kiếm có kết quả, dù là Thúy Lan đã qua đời, ông cũng sẽ trở lại Việt Nam, đặt một bó hoa lên mộ bà và nói lời xin lỗi vì đã không thực hiện lời hứa.
|
Gặp lại mối tình đầu, bà Thúy Lan rất vui và nói rằng nhất định bà sẽ trân trọng mối quan hệ này. Nhiều người nói bà hãy cho ông cơ hội, nhưng bà muốn hai người hiểu nhau hơn, bởi thời gian xa cách đã hơn 50 năm, vì thế, mọi thứ sẽ rất khác. Ảnh: Vietnamnet. |
Ông thuê các công ty chuyên về tìm kiếm người, trong đó có một công ty quốc tế, chi nhánh tại TP.HCM tìm kiếm bạn gái. Ông cũng lên mạng xã hội, kết bạn với một số người Việt, sống ở Biên Hòa nhờ tìm Lan giúp. Trong số họ, có một người đã tìm Thúy Lan giúp ông suốt hai năm. Người này đến khu vực của căn cứ Long Bình cũ để hỏi thăm, gọi các cuộc điện thoại nhưng không được.
"Tôi rất hối hận và trách mình sao những lần gặp, viết thư cho nhau lại không hỏi tên thật của cô ấy, nơi cô ấy ở thì biết đâu sẽ dễ hơn. Tôi thật dại khi nghĩ Thuý Lan là tên thật của cô ấy. Nơi cô ấy làm việc là địa chỉ cụ thể nhất", ông tự trách mình.
Ba tháng trước, ông quen nhà báo Robert, quốc tịch Mỹ, đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông kể câu chuyện của mình với Robert và nhờ người này tìm bà Thúy Lan giúp.
Nhà báo Robert đã đăng câu chuyện của ông Ken, hình ảnh của ông và bà Thúy Lan lên một trang mạng xã hội có nhiều người Đồng Nai theo dõi. Ngày 9/6, chỉ sau hai ngày đăng tải, nhờ sự giúp đỡ của mạng xã hội, bà Thúy Lan đã được tìm thấy. Thật ra, cái tên Thúy Lan bà chỉ sử dụng khi đi làm ở quán bar, ngày còn trẻ. Tên thật của bà là Vũ Thị Vinh.
‘‘Khi Robert báo tin, tôi vui lắm. Thúy Lan có người thân đang sống ở Mỹ. Cô ấy nói tôi, chờ đến Tết Nguyên Đán của người Việt hãy qua gặp. Cô ấy lo tôi đã lớn tuổi, đi máy bay đường dài không tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi không thể chờ được nữa. Hơn 50 năm qua tôi chỉ chờ có ngày hôm nay", ông Ken ghé đầu vào vai bạn gái thủ thỉ.
Nghĩ về ngày ra đường bán cháo cùng bạn gái
Ông Ken cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này ông có thời gian là hai tuần. "Tôi muốn ở lâu hơn, nhưng không thể. Công việc của tôi ở Mỹ còn dang dở", ông nói. Vì thế, suốt hai tuần ở bên bạn gái, ông sẽ làm những việc ý nghĩa nhất. Đó là, ông bà sẽ cùng nhau đi du lịch, thăm lại kỷ niệm cũ và ông sẽ ra đường bán cháo cùng mẹ con bà Lan.
"Trước đó, tôi có đọc những bài viết về chúng tôi trên các báo. Tôi biết được cô ấy đã bán cháo trắng gần 30 năm. Khi chuẩn bị đi thăm cô ấy, tôi có mường tượng ra cảnh, tôi sẽ đứng bán cháo với cô ấy. Nhất tôi sẽ múc cháo bỏ vào chén, gói cẩn thận lại rồi đưa cho khách".
|
Suốt buổi nói chuyện, ông Ken nắm chặt tay bạn gái. Ảnh: Vietnamnet. |
"Ở Mỹ, tôi đang sống một mình. Mọi việc từ dọn dẹp nhà cửa đến nấu ăn, đi chợ, chăm sóc thú cưng, làm vườn tôi đều làm hết nên bán cháo sẽ vui lắm. Nếu có dịp, xin mời bạn ghé nhà tôi chơi. Tôi sẽ nấu các món ăn đãi bạn. Tôi đảm bảo, bạn ăn sẽ không ngủ được", giọng hỏm hỉnh, cựu binh Mỹ giới thiệu về mình.
Bà Thúy Lan cho biết suốt hai tuần ông Ken ở Việt Nam, bà sẽ luôn ở bên để bầu bạn với ông. Chuyện tình cảm tuổi xế chiều, ông bà cũng cần thêm chút thời gian để hai bên hiểu nhau hơn nữa. Bà cũng tâm sự, tới đây, bà sẽ qua Mỹ để thăm nơi bạn trai ở, gặp gỡ bạn bè, người thân của ông.
Ông Ken nói ông sẽ tôn trọng tình cảm của bạn gái. "Cô ấy lớn tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp và trẻ. Nhất định tôi sẽ chờ cô ấy. Chỉ cần cô ấy gật đầu, tôi sẽ làm đám cưới".