Có nên tiếp tục yêu chàng trai nói: "Không ở chung thì chia tay"?

Google News

Trước lời đề nghị chuyển về sống chung của người yêu, cô gái không biết phải giải quyết ra sao.

Tâm sự của một bạn gái trên diễn đàn Neu Confession hiện thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dân mạng.
Nữ chính cho biết cô là sinh viên năm 2, còn bạn trai hiện đã ra trường và đi làm. Đôi trẻ mới quen, yêu nhau được một tháng.
Sống chung hoặc chia tay
Theo đó, chàng trai trong câu chuyện nói với người yêu: "Ra ở chung đi, con gái nhiều giai theo. Sợ mất!", "Mấy năm nữa mới cưới, không ở chung biết đâu ra trường em lại bỏ anh".
Trước lời đề nghị có phần vượt quá sự cho phép, cô gái bày tỏ sự không đồng tình: "Không ở chung được đâu. Bố mẹ lên kiểm tra thì làm thế nào? Còn bạn bè, anh em, người ta cười cho".
 Câu chuyện nữ sinh băn khoăn có nên sống thử với bạn trai. Ảnh chụp màn hình.
Những tưởng nam thanh niên sẽ hiểu và từ bỏ ý định đó, nào ngờ anh lại tuyên bố gây sốc: "Không ở chung thì chia tay. Anh không nói nhiều đâu".
Sự cương quyết, có phần gia trưởng và áp đặt của bạn trai khiến cô gái bối rối, rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" không biết nên "chọn con tim hay là nghe lý trí". Cô cần lời khuyên từ cộng đồng: "Có phải tớ hơi cổ hủ rồi không. Ở hay không nên ở đây?".
Sau khi đọc bài đăng trên, phần lớn mọi người phản đối chuyện "sống thử" trước hôn nhân và khuyên cô gái nên chia tay sớm để sau này đỡ khổ hoặc gánh chịu hậu quả ngoài ý muốn.
Nguyễn Minh Trang (25 tuổi, TP. HCM) không đồng tình với chàng trai trong câu chuyện. Theo cô, mới quen một tháng đã yêu cầu về ở chung là không hợp cả lý và tình. Khi chưa có sự ràng buộc nào, sau này rất có thể chàng trai sẽ nghĩ ra vô vàn lý do để chia tay.
Minh Thủy (22 tuổi, Hà Nội) dứt khoát hơn khi cho rằng: "Nói chung là tới chơi dăm 3 ngày thì được, còn quan điểm của tớ là không làm vợ và làm dâu khi chưa mang lễ tới hỏi cưới”.
"Mới chỉ là người yêu đã bắt nhau ở chung nghĩa là người ta không nghĩ cho mình. Yên nhau không nên áp đặt, phải tin tưởng vào tình cảm của nửa kia. Còn về phần cổ hủ hay không, theo mình, nó không hề cổ hủ một chút nào. Đừng cố gắng sống thử trước hôn nhân", Minh Chiến (24 tuổi, Hà Nội) khuyên nữ chính.
Sống thử trước hôn nhân không xấu?
Sống thử không còn mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống của giới trẻ ở nước ta hiện nay.
Sẽ chẳng có gì lạ nếu ta đi vào bất cứ xóm trọ sinh viên nào đó và bắt gặp một trai, một gái trong phòng, ăn chung, ngủ chung như vợ chồng. Bởi bây giờ, tình trạng sống thử không hiếm.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất - giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn - từng cho hay: "Tại các nước châu Âu, sống thử mang đúng nghĩa tích cực của nó. Người ta sống thử trước hôn nhân xem có gì cần bù đắp từ cả hai phía thì sẽ bù đắp và cái gì bất khả kháng sẽ cùng nhau giải quyết".
Ông cho rằng ở Việt Nam, các bạn trẻ cũng sống thử nhưng đa phần sống khá bậy bạ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân cảm tính, mang nhu cầu bản năng mà không trên tinh thần bù đắp thiếu sót cho nhau.
Tâm Phan - nhà văn có 3 cuốn sách ăn khách về tình yêu, tình dục và nuôi con - chia sẻ trên trang cá nhân rằng nhiều người có thành kiến với việc sống thử.
"Họ cho rằng sống thử là sinh hoạt tình dục đều đặn và thường xuyên với một người. Thực tế không cần phải sống thử, nhiều đôi yêu nhau vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ khác là địa điểm thay đổi nay nhà nghỉ này, mai nhà nghỉ khác. Vậy thì sống thử, sống chung một nhà và chia sẻ trách nhiệm với nhau vẫn tốt hơn là đưa nhau đi hoang", nữ nhà văn nói.
Bên cạnh đó, cô nhấn mạnh chỉ nên sống thử khi hai người có ý định nghiêm túc với nhau. Nếu như yêu đương, tìm hiểu ở mức nông cạn thì không nên sống thử. Sống thử chỉ dành cho hai người yêu nhau và muốn tiến tới hôn nhau, thậm chí là đính hôn rồi thì mới nên dọn vào sống thử.
Cô cũng khuyên các cô gái không nên tự trói buộc, không nên cố khi biết rõ hai người không hợp nhau khi sống chung.


Theo Kiều Trang/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)