Cũng giống như hầu hết những thí sinh Olympia khác, Nga (sinh năm 1990, cựu học sinh trường THPT Lam Sơn, Thanh Hóa) là một anh tài. Con đường học vấn, sự nghiệp của cô từ sau ngày đứng trên sân khấu “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 7 toàn là những cột mốc sáng chói: tốt nghiệp trường quốc tế RMIT, làm việc cho một công ty bất động sản của nước ngoài và tập đoàn viễn thông lớn với mức lương hàng nghìn đô…
|
Lương Việt Nga từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 7. |
Giữa tuổi 20, Nga có tất cả, bạn bè, sự nghiệp, người yêu… thứ duy nhất cô thiếu là cảm giác tự do và niềm hứng thú trong công việc. Và cũng chính vì nó mà cô không hạnh phúc.
“Sống thế này chẳng đáng với tuổi trẻ”, Nga nghĩ thế và biết mình phải thay đổi. Chỉ có điều, cô không ngờ rằng, một người mải miết theo đuổi con đường học vấn như mình, cuối cùng lại đi theo một nghề chẳng có chút liên quan, lại nhiều thành kiến như xăm hình.
“Xăm hình là sự cố chấp đi tìm hạnh phúc”
Cách đây 5 năm, ngoài giờ làm hành chính, Nga theo học thêm bằng thiết kế. Đây cũng là lúc cô “bén duyên” với nghề xăm khi vô tình quen nhiều người bạn làm nghệ thuật. Thấy Nga chẳng hề sợ sệt hay thành kiến với xăm hình như nhiều người, bạn bè tự nguyện để cô “tatto”.
Từ sâu trong suy nghĩ của Nga lúc bấy giờ, xăm hình là một điều gì đó rất táo bạo, tự do và cũng rất thú vị. Cô hay nói với bạn bè, lưu lại hình xăm trên da thịt là một việc trái tự nhiên, nhưng cũng là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất: “Tôi làm chủ cơ thể và số phận của chính mình”.
Vừa kịp quen với kim, mực, Nga bỗng muốn dừng lại bởi, khi chưa được đào tạo bài bản cô không muốn cơ thể người khác trở thành “giấy nháp” cho thú vui của mình. Hoặc chăng, nếu vẫn muốn xăm thì cô phải thật giỏi, thật chuyên nghiệp.
|
"Những câu chuyện phía sau hình xăm là cái "gây nghiện" của công việc xăm mình". |
“Tôi cá tính nhưng không hề nổi loạn. Có lẽ, khởi đầu từ một nhân viên văn phòng chuyên nghiệp mang đến cho tôi cách nhìn khác về nghề xăm. Đối với tôi, đó là công việc nghiêm túc, không có gì nghiêm túc bằng việc lưu lại một hình xăm trên cơ thể người khác suốt đời”, Nga bày tỏ.
Tháng 3/2014, cô gái Thanh Hóa quyết định nghỉ việc trước sự ngăn cấm dữ dội của gia đình. Cô chỉ nghĩ, sẽ cho bản thân 2 năm được tự do và “cố chấp”, nếu không “nên cơm nên cháo” sẽ tiếp tục vác CV đi xin việc.
So với một vài lần “dạo chơi” với kim mực, xăm hình chuyên nghiệp khó hơn Nga tưởng nhiều. Năm đầu tiên, cô phải chịu áp lực tài chính, sự phản đối của gia đình và khó hơn cả là sự chấp nhận từ phía khách hàng.
“Mới vào nghề, dù tôi có giỏi bao nhiêu cũng khó để thuyết phục khách hàng chịu để mình xăm, họ cần nhìn vào những hình xăm tôi từng làm trước đã. Thế nên, sự khởi đầu này đối với tôi không chỉ cần đam mê - vì đam mê thì như ngọn lửa, có thể cháy, cũng có thể tắt - mà còn cần sự cố chấp”, Nga nói.
Đó là sự cố chấp rằng lựa chọn của mình là đúng, sự cố chấp đi tìm tự do và hạnh phúc, dù có thể thất bại. Nga cứ cố chấp như thế trong suốt 3,5 năm qua, vừa học xăm chuyên nghiệp, vừa lo kinh tế, địa điểm mở tiệm xăm… Và đến giờ cô tin, mình đã chọn đúng nghề.
“Xăm hình giống như liều thuốc chữa lành vết thương tâm hồn”
“Làm công việc mà mình thích thì bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào”, trước đây Nga luôn cho rằng đó là lời khích lệ sáo rỗng. Nhưng những trải nghiệm hấp dẫn khi tiếp xúc với khách hàng, những câu chuyện xúc động phía sau hình xăm đã khiến cô nghĩ lại. Ở tuổi 27, mỗi ngày trôi qua với kim, mực đều là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời cô.
Việc để lại dấu ấn trên cơ thể người khác là một trải nghiệm thiêng liêng với Nga. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối của người lạ dành cho cô.
Khi khách hàng mở lòng về những câu chuyện phía sau hình xăm, là lúc cô thấy công việc của mình ý nghĩa nhất. Những hình xăm, những con người Nga đã gặp, khiến cô cảm thấy mình đã trải qua tất cả những ngã rẽ trong cuộc đời.
“Mỗi hình xăm là một câu chuyện, có khi rất buồn tủi và lúc ấy việc xăm hình giống như một liều thuốc chữa lành vết thương trong tâm hồn. Từ hình xăm đầu tiên cho đến hình xăm tôi vừa hoàn thành lúc này, đều có cảm giác nhiệm màu như vậy”, Nga xúc động.
Nga từng xăm cho những người trầm cảm, hơn 1 lần muốn tự tử. Cô lưu lại trên cơ thể họ một dấu chấm phảy, khích lệ họ viết tiếp cuộc đời.
Cô cũng từng xăm cho những chuyên gia nước ngoài làm việc tại trung tâm cứu hộ động vật, trong số đó, có nhiều cặp vợ chồng từ chối sinh con để có thời gian cứu gấu, voi… Loại mực cô dùng khi ấy là mực vegan, hoàn toàn không sử dụng sản phẩm từ động vật hay thử nghiệm trên động vật…
Nga cũng xăm miễn phí cho một cô gái trốn chạy khỏi gia đình Ai Cập. Cô bị xem là nỗi nhục của gia đình nên buộc phải chết và khi ấy cô đã tìm đến Nga để xăm tên mẹ mình. Câu chuyện vượt lên số phận, vượt qua những trói buộc gia đình của cô gái ấy, khiến Nga vừa nể phục, vừa xót thương.
3,5 năm xăm hình, Nga gói ghém được hàng nghìn câu chuyện như thế, có những chuyện cô chỉ muốn giữ cho riêng mình. Cái cách cô nghiêm túc lắng nghe, khiến mọi người tự nguyện mở lòng và đôi khi, họ tìm đến cô chỉ để kể một câu chuyện.
Với những đánh đổi năm xưa, những gì Nga có hiện tại lớn hơn một tiệm xăm. Cô được nghe những câu chuyện ly kỳ như thế và hơn hết thảy, được làm chủ cuộc đời mình.