Trên trang web phát trực tiếp, Leona Fu trò chuyện về cuộc sống của mình với hơn 120.000 người theo dõi, nói với họ rằng người khuyết tật vẫn có nhiều khả năng đặc biệt và dám theo đuổi ước mơ. Fu biết rõ điều đó, bởi bản thân cô bị khiếm thính từ khi còn rất nhỏ.
Trên nền tảng phát trực tiếp, cô có vị trí riêng trong lòng người hâm mộ. Nhìn vào điện thoại và nói bằng giọng như một người mới học tiếng phổ thông, nhưng Fu trò chuyện một cách tự tin mà không hề do dự.
"Tôi muốn trở thành một diễn viên. Tôi được mời tham gia quay một video sau Tết và tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt cho mình", cô nàng sinh năm 1990 nói Shanghai Daily về mơ ước của mình. Fu tự nhận xét bản thân như một cô gái "tuổi 18", cảm thấy tràn đầy năng lượng trước máy quay.
|
Leona Fu vẫn trở thành streamer nổi tiếng dù là người khiếm thính.
|
Đứa trẻ bị cô lập
Fu mất thính lực khi mới gần một tuổi sau một cơn sốt nặng. Mẹ cô không thừa nhận con gái mình khác với những đứa trẻ khác và đăng ký cho Fu theo học trường mẫu giáo bình thường.
Tuổi thơ của Fu trải qua nhiều khó khăn. Trong khi bạn bè giới thiệu bản thân, kể về cuộc sống, tất cả những gì Fu có thể đáp lại là "ờ". "Tôi cảm thấy như mình đang sống trong một thế giới câm lặng và điều duy nhất có thể làm là cười một cách ngu ngốc", Fu nhớ lại.
Dù đã học ngôn ngữ ký hiệu, cuối cùng Fu được đăng ký vào một trường giáo dục đặc biệt để được dạy cách nói.
|
Fu nổi tiếng với ngoại hình xinh đẹp và phong thái tự tin.
|
"Tôi phải đặt một tay lên cổ họng mình, một tay lên cổ họng giáo viên để biết cách âm thanh phát ra. Một đứa trẻ bình thường học bính âm rất nhanh, với tôi nó khó khăn hơn rất nhiều. Dù luyện tập rất nhiều mỗi ngày, tôi vẫn không thể phát âm đúng từng từ. Tôi cảm thấy mình như robot".
Dần dần, những câu Fu có thể nói đầu tiên là "Xin lỗi, tôi không hiểu bạn đang nói gì" và "Hãy thứ lỗi cho tôi".
Nhưng bất kỳ khi nào cảm thấy lo lắng, cô lại trở về dùng ngôn ngữ ký hiệu. Mẹ cô không thích như vậy và khuyến khích cô tiếp tục học nói. Đến năm 16 tuổi, những nỗ lực của Fu đã được đền đáp khi cô nói chuyện được nhiều hơn.
Fu miêu tả tuổi thiếu niên của mình là "trống rỗng": "Tôi bị cô lập và luôn làm mọi thứ một mình. Tôi sợ trò chuyện với người khác, thường tự nhốt mình trong phòng và xem phim".
Cô gái sinh năm 1990 hiểu rằng nếu không học tốt cách nói chuyện, cô sẽ không bao giờ đạt được ước mơ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn.
Fu đăng ký lớp học diễn vào năm 2015 và có cơ hội diễn trong một số vở kịch. Cô còn giành giải thưởng trong cuộc thi sắc đẹp quốc tế dành cho người khiếm thính tổ chức tại Trung Quốc.
Theo đuổi đam mê
Năm 2017, Fu bị cuốn hút bởi xu hướng livestream đang nổi lên. Một tháng sau khi xuất hiện trên Douyu, cô đã có gần 10.000 người theo dõi.
Trong các buổi phát trực tiếp, cô thường kể chuyện cười, trình diễn các bài hát và đôi khi là nói những câu "líu lưỡi". Fu cho người xem thấy một số ngôn ngữ ký hiệu và biểu diễn cái mà cô gọi là "điệu nhảy ngôn ngữ ký hiệu".
|
Cô nàng sinh năm 1990 truyền cảm hứng cho nhiều người khi tham gia diễn xuất, làm người mẫu.
|
Không phải người xem nào cũng cảm thông. Một số người đặt nghi vấn về tính xác thực việc cô khiếm thính, thậm chí có người cho rằng cô là một người nam cải trang nữ.
"Vào thời điểm đó, tôi không biết làm thế nào để đối mặt với những bình luận ác ý hay đưa ra phản ứng thích hợp. Tôi đã tạm ngừng phát trực tiếp vào năm 2018-2019 vì muốn có thêm thời gian học hỏi và rèn luyện, cải thiện khả năng cũng như tâm lý của mình. Khi tiếp tục livestream vào tháng 1 năm ngoái, tôi cảm thấy mình đã làm tốt hơn nhiều".
Hiện tại, Fu dành 8 tiếng/ngày để livestream. "Nhiều khán giả đã trở thành bạn của tôi. Đôi khi chúng tôi đến quán karaoke - nơi tôi hiếm khi tới khi còn nhỏ - và hát cùng nhau. Bây giờ tôi thực sự hạnh phúc".
Fu khuyến khích những người khiếm thính hay có thành viên trong gia đình gặp tình trạng tương tự chia sẻ câu chuyện của họ.
"Tôi tham gia các sự kiện về người khiếm thính và kể câu chuyện của mình. Tôi động viên họ đừng tủi thân hay miễn cưỡng giao tiếp với người khác. Họ cần biết rằng chỉ cần vui vẻ, lạc quan thì mọi người sẽ chấp nhận".
Fu nói rằng cô cảm thấy sứ mệnh của mình là trở thành cầu nối giữa "thế giới âm thanh" và "thế giới im lặng", giúp hai bên hiểu nhau.
Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu người khiếm thính như Fu, nhưng họ là nhóm khách hàng thường bị bỏ qua trong xu thế phát sóng trực tiếp. Hàng Châu - thủ phủ tỉnh Chiết Giang - là nơi đầu tiên ở Trung Quốc xây dựng việc livestream hướng đến người khiếm thính.
Một streamer bị câm điếc khác là Ziwei (25 tuổi) cũng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để quảng cáo hàng hóa trực tuyến. Cô nàng thu hút sự chú ý khi sử dụng nền tảng của mình để giải thích về các món hàng cho người khiếm thính, cũng như thông tin quan trọng về cách đổi trả.