Nhiều phụ huynh đặt tên cho con khá độc lạ, không theo "phong cách chuẩn" của người Việt. Điển hình như câu chuyện của cô gái Gen Z dưới đây!
Mở đầu câu chuyện, cô gái sinh năm 1997 bộc bạch: "Đời người có hai thứ không thể chọn: ba mẹ và cái tên. Đặc biệt là tên gọi, dù xấu hay đẹp cũng luôn đáng để mình trân quý".
Cô gái ấy tên Nguyễn Thị Gien Ny, tự nhận bản thân có tên “rất Tây nhưng cũng rất ta”. Cô nàng kể bố từng có thời gian sống, làm việc tại nước Nga, cảm thấy cái tên “Jenny” rất đẹp nên đã đặt cho con gái. Song khi làm giấy khai sinh, bố cô lại không để tên “Jenny” mà quyết định “phát âm thế nào, viết ra thế đó”.
Gien Ny
Cô tâm sự: "Mình đi học, bạn bè thắc mắc rất nhiều về tên gọi. Mình chẳng biết nói sao cho đúng chuẩn nên đành quay về hỏi ngược lại bố nhưng vẫn không có đáp án cụ thể.
Mọi người trong nhà trêu bố lấy tên người yêu cũ ở Nga để đặt cho mình. Có người lại nói “Jenny” là tên vợ của một nhà triết học nổi tiếng, vì bố ngưỡng mộ nên đặt theo. Đến giờ, mình vẫn không biết ý nghĩa thực sự của cái tên nhưng đúng như bố mình nói, tên Gien Ny rất đẹp”.
Từ nhỏ đến lớn, từ thuở đi học đến khi đi làm, Gien Ny đã quen với vẻ mặt ngạc nhiên của mọi người khi nghe đến tên cô. Bạn bè, đồng nghiệp ấn tượng nhưng cũng thắc mắc rất nhiều về cái tên này.
“Cứ mỗi lần chuyển cấp học, học sinh lớp khác nghe đến tên Gien Ny tưởng mình là Tây nên thường tìm đến xem mặt. Cuối cùng, thấy mình là người Việt 100% các bạn lại thắc mắc “Tại sao người Việt mà có tên như Tây”, Gien Ny nhớ lại.
Vừa dứt lời, cô gái quê Thái Bình cho biết công việc hiện tại
thường phải tiếp xúc với dân. Mỗi khi có việc cần tìm, thay vì gọi tên cô thì mọi người thường hỏi: “Cái cô nước ngoài đâu rồi?”, trong khi họ đều biết cô là người Việt. Đồng nghiệp hoặc cấp trên của chồng khi mới nghe tên cô còn tưởng chồng cô lấy vợ nước ngoài.