Cô gái Quảng Ninh hí hửng về quê xin làm nghề "bán nước bọt ăn tiền dễ", làm rồi mới biết khó nhằn

Google News

Cô gái gen Z đã đỗ vị trí nhân viên tư vấn, sau đó được tham gia 5 buổi đào tạo nghiệp vụ để nắm được nhiệm vụ trong quá trình làm việc. Lúc đó, Ngọc Anh mới hiểu hết về công việc tưởng chỉ cần "bán nước bọt" là có thể "ăn tiền ngay" này.

Hiện nay, bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên ngày càng quan tâm đến các chương trình du học, xuất khẩu lao động sang các nước phát triển ở châu Á, châu Âu... Và để đáp ứng nhu cầu đó, nhân sự trong nghề này cũng dần tăng lên - nói cách khác, cơ hội làm việc trong lĩnh vực tư vấn du học là rất lớn cho thệ hệ gen Z vừa tốt nghiệp đại học.

Ngọc Anh (22 tuổi, Quảng Ninh) tốt nghiệp loại Khá tại một trường đại học Top đầu Hà Nội đã quyết về quê làm việc để được sống gần gia đình, không phải bon chen nơi phố thị. Thay vì lựa chọn công việc đúng ngành học - Tài chính Ngân hàng, cô nàng đã xin vào công ty du học, vị trí nhân viên tư vấn.

"Ở quê, em muốn xin đúng ngành học khó lắm vì cạnh tranh cao, ít tuyển dụng. Do đó em đành phải lựa chọn một công việc trái ngành.

Đúng lúc đó công ty tư vấn du học gần nhà tuyển nhân sự, em hí hửng gửi hồ sơ xin việc dù không có chút kinh nghiệm nào", Ngọc Anh tâm sự.

Cô gái gen Z đã đỗ vị trí nhân viên tư vấn, sau đó được tham gia 5 buổi đào tạo nghiệp vụ để nắm được nhiệm vụ trong quá trình làm việc. Lúc đó, Ngọc Anh mới hiểu hết về công việc tưởng chỉ cần "bán nước bọt" là có thể "ăn tiền ngay" này.

"Nhân viên tư vấn du học sẽ đảm trách rất nhiều đầu việc, như tư vấn giúp học sinh và gia đình hiểu rõ nhu cầu học tập, mục tiêu nghề nghiệp và hoàn cảnh cá nhân. Từ đó, chúng em cung cấp các lời khuyên và phương án du học phù hợp nhất.

Nói chính xác hơn đó chính là thuyết phục phụ huynh ký hợp đồng với công ty, đặt cọc 70% phí du học. Đây được coi là bước quan trọng, làm được coi như đã chốt được khách.

Sau đó, học viên sẽ tham gia khoá đào tạo tiếng của quốc gia sẽ đến du học để thi chứng chỉ. Trong thời gian ấy chúng em sẽ hỗ trợ các bạn chuẩn bị hồ sơ; quy trình xin VISA, thu thập các tài liệu cần thiết", Ngọc Anh chia sẻ về nghề.

Ngoài ra, Ngọc Anh thường xuyên hỏi han quan tâm học viên nhằm khích lệ tinh thần học tập, thúc đẩy quá trình thi chứng chỉ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Cô nàng bảo bản thân giống như "chị Thanh Tâm" chuyên giải đáp các vấn đề tâm lý cho học viên.

"Các bạn nhắn tin lúc nào, em phải trả lời ngay. Sau đó em sẽ động viên các bạn hãy tập trung học tập để tiếp thu được kiến thức.

Nhiều học viên cá biệt, tức không có nhu cầu đi du học nhưng gia đình ép buộc. Họ thường không hợp tác với trung tâm dạy tiếng, học theo kiểu chống đối: có lên lớp nhưng ngủ, không chép bài và cũng chẳng học từ mới.

Giáo viên bất lực muốn trả lại cho công ty và gia đình. Phụ huynh lại cho rằng đã đóng tiền thì công ty phải có trách nhiệm với quá trình học tiếng của con em họ.

Công ty đành cử nhân viên tư vấn trò chuyện và em phải "chăm sóc" bạn ấy chu đáo bằng cách chỉ ra những cái lợi khi đi du học, sau này sẽ có tương lai tươi sáng", Ngọc Anh kể.

Học viên hiểu được vấn đề sẽ nhanh chóng thay đổi, quay trở về chăm chỉ học tập. Còn học viên ngỗ ngược sẽ vẫn như vậy, học tiếng ròng rã vẫn chưa thể thi đỗ chứng chỉ tiếng. Cuối cùng công ty phải thanh lý hợp đồng, chấp nhận trả lại một phần chi phí cho gia đình.

Ngoài ra, Ngọc Anh còn phối hợp với phòng Marketing để tổ chức các sự kiện chung và sự kiện về du học. Những lúc ấy, cô bận không có thời gian nghỉ ngơi, làm việc liên tục để sự kiện diễn ra tốt đẹp, thu hút được các bậc phụ huynh, học sinh tham gia. Từ đó cô sẽ tìm kiếm nguồn khách hàng phù hợp với từng gói du học.

"Em vẫn nghĩ làm gần nhà sẽ có thời gian dành cho bố mẹ. Song những đợt tổ chức sự kiện, em bận bịu đến mức đi làm từ sáng sớm, tối về lúc đêm khuya.

Mẹ thấy em vất vả khuyên nghỉ tìm việc đúng ngành nghề. Em nói với mẹ rằng nghề này vất vả nhưng đồng lương xứng đáng với sức lao động bỏ ra.

Hơn cả giờ thị trường việc làm hiện tại rất biến động, người lao động thất nghiệp nhiều. Mẹ nghe xong thấy an tâm hơn dù vẫn lo lắng em làm vất vả ảnh hưởng đến sức khoẻ", cô gái Quảng Ninh chia sẻ.

Về mức lương của nhân viên tư vấn du học, Ngọc Anh cho biết gồm lương cứng và các khoản hoa hồng, thưởng. Theo đó lương cứng của cô nàng chừng 7.500.000 đồng/tháng, còn hoa hồng phụ thuộc vào việc chốt được khách hàng.

"Mỗi khách hàng ký hợp đồng, tư vấn viên sẽ được hoa hồng từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng tuỳ loại hợp đồng đi các nước châu Á hay châu Âu. Vì thế chúng em bảo nhau rằng một tháng chốt được 3-4 khách là ấm no.

Nhưng để làm được điều đó không phải đơn giản vì các công ty - trung tâm du học mọc lên như nấm, khả năng cạnh tranh rất cao. Nhân viên chỉ cần tư vấn thiếu sót một chút là khách hàng sẽ sang nơi khác tìm hiểu", Ngọc Anh nói.

NGỌC HÀ

Bình luận(0)