“Đi đám cưới mừng bao nhiêu thì hợp lý?” là nỗi băn khoăn của không ít người. Người quan niệm “có đi có lại mới toại lòng nhau”, người cho rằng, mừng nhiều hơn số tiền ngày xưa cô dâu/ chú rể mừng mình cho sởi lởi, người lại nói, tùy vào đám cưới tổ chức ở quê hay nhà hàng mà có mức phong bì phù hợp…
|
Cô dâu khó chịu vì một vài vị khách "vô tư" quá mức trong chuyện phong bì cưới (ảnh minh họa) |
Cũng vì suy nghĩ khác nhau mà sinh ra không ít câu chuyện “thị phi” xung quanh chiếc phong bì cưới. Cũng như cô dâu có nick name B.C. trong dòng tâm sự chia sẻ trong một group kín mới đây, phải lên mạng “than trời” vì nhận được vài chiếc phong bì “ngộ nghĩnh”.
Cụ thể bài viết: “Chuyện là đợt tháng 2 vừa rồi, mình có làm đám cưới. Đến lúc kiểm tra phong bì, mình thấy có vài cái rất chi là ngộ ha.
Bình thường đi đám cưới mà ăn ở nhà hàng, khách sạn, các bạn thường mừng bao nhiêu? Đám cưới mình có làm ở nhà hàng với cỗ đặt cũng ngót nghét 4,3 triệu/mâm (10 người). Ấy vậy mà có vài người không hiểu nghĩ gì, đi ăn đám cưới nhà hàng khách sạn, đi tận 3 người (2 người lớn, 1 trẻ em) mà mừng tận 200k.
Đợt đám cưới nó thì nó làm ở quê, chỉ có bố mẹ mình vào và mừng 1 triệu. Lại thêm có một gia đình họ hàng nhà mình đi ăn cưới mà cả nhà 3 người cũng mừng 500k”.
Cô dâu trẻ nói thêm, đã tổ chức đám cưới ở nhà hàng là xác định lỗ nhưng vẫn không hài lòng với cách cư xử của những vị khách này. “Cần lắm một lời giải thích. May là người nọ bù người kia chứ ai cũng như hai ví dụ trên đây chắc sạt nghiệp”. Cô còn nhấn mạnh, những vị khách cô kể trên đều có điều kiện chứ không hề nghèo khó.
Câu chuyện thu hút hàng nghìn lượt thích và nhiều bình luận của dân mạng. Nhiều người đồng cảm với cô dâu trẻ, đặt cỗ cưới nhà hàng tốn kém mà gặp phải những vị khách quá “vô tư”, không quan tâm thời giá.
H.N. (nhân viên nhà hàng tiệc cưới) chứng kiến nhiều trường hợp tương tự mà xót thay cho cô dâu, chú rể. Chủ tiệc cưới đặt 11 bàn nhưng khách dẫn theo nhiều trẻ con nên lại phải đặt thêm bàn phát sinh. Trong khi, mỗi bàn tiệc có giá 5 triệu đồng.
“Không biết họ đem theo con nít có bỏ thêm phong bì không nhưng rõ ràng cứ thêm 1 chỗ ngồi là cô dâu, chú rể lại mất thêm tiền”, H.N. nói.
Thu Trang cũng bức xúc thay cho cô dâu bởi, tổ chức đám cưới ở nhà hàng chi phí cao, nếu khách dẫn cả gia đình đi nhưng chỉ bỏ phong bì 1 suất thì cô dâu, chú rể có thể lỗ tới vài chục triệu.
“Trước bố mẹ chị ấy mừng người ta 1 triệu, giờ người ta đi lại 200.000 đồng lại khuyến mại thêm vài người đi ké. Ngộ thật. Đi nhiều người thì phải biết điều mừng nhiều hơn chứ, chưa kể cũng phải để ý giá cả cỗ cưới nhà hàng ra sao mà mừng cho xứng. Đi 2, 3 người mà mừng chưa bằng 1 người thì có ai vui?”, Thu Trang viết.
Ngọc Hiền nhân câu chuyện này cũng kể những tình huống “dở khóc dở cười” chính mình gặp phải xung quanh chiếc phong bì cưới.
Đám cưới bạn cũ, cô mừng 500.000 đồng. Đến đám cưới cô mời họ, họ không đi, không gửi phong bì cũng không một câu chúc mừng. Có những người bạn rất thân, cô mời đi đám cưới nhưng không một ai đến. Có những mối quan hệ đặc biệt, khi xưa cô mừng cưới họ 1 triệu, đến đám cưới cô, họ kéo cả gia đình đến nhưng chỉ mừng lại 300.000 đồng.
“Vì những vị khách này mà có đám cưới lỗ nặng, cả gia đình cày sấp mặt để trả nợ. Cái này không phải chi li mà gọi là “biết trước biết sau”, Hiền chia sẻ.
Tuy vậy, cũng nhiều người cho rằng, cô dâu, chú rể tổ chức đám cưới chủ yếu là để mọi người đến chung vui, chúc phúc cho mình, không nên quá tính toán.
“Một số người nghĩ là họ hàng đi đông cho vui ấy. Ở quê mình, mời cưới là cả nhà đến luôn. Ngày cưới đông đủ cũng vui nên mọi người thoáng chút cho trọn vẹn. Họ đi mình ít thì sau mình trả lại nhẹ nhàng hơn”, Thanh Thảo viết.
“Bây giờ cái gì cũng “có đi có lại” là thế nào nhỉ? Đi đám cưới thì tùy tâm chứ chẳng lẽ bắt người ta đi đủ số tiền sắp cỗ. Đã xác định tổ chức đám cưới thì phải lỗ rồi, đây lại muốn lời lãi. Không muốn lỗ nhiều thì tổ chức đơn giản, mời ít thôi”, Yên Hoàng góp ý.