|
Khách hàng tố bún ốc cô Thêm pha nước dùng từ nước lã. Ảnh chụp màn hình. |
Theo đó, đoạn clip dài chưa đầy 30s ghi lại hình ảnh chủ quán đang chế nước dùng cho khách trong một thùng nước đổ một gói bột màu cam, bột Aji-ngon rồi khuấy đều. Và theo người đăng tải đoạn clip này, nước trong thùng hoàn toàn là nước lã.
“Hôm qua có bài về bún ốc cô Thêm Hàng Chai bẩn, em cũng xin góp mặc dù ăn cũng nhiều lần nhưng đã cạch sau khi biết nước dùng mình ăn bao lâu được pha 1 cách “thần kì”.
- Rau sống khách ăn thừa lại đổ vào rổ to đùng rồi trộn trộn, ai ăn lại bốc tiếp.
- Mọi người nhìn cô làm bún có hay để ý giấm bỗng cô cho vào cái chai lavie để bóp vào từng bát không ạ, mỗi khi hết chai đấy cô lại phi vào 1 góc dưới đất, rồi đổi chai mới, những chai hết được cô nhân viên khác vơ vào rồi bê sang nhà đối diện bơm giấm bỗng vào tiếp.
Cô nhân viên cầm 1 đống chai trên đường sang nhà đối diện chẳng may rơi 1 chai thì cô ý sút 1 cái cho nó bay sang nhà đấy trước còn cô ý vẫn lững thững ôm đống chai sang sau mà nhà đối diện thì ẩm thấp, vũng nước rửa bát, bún cà chua lềnh phềnh, khéo bám hết vào cái chai bị rơi ấy!
- Việc rau với quẩy thừa lại đổ vào trộn trộn rồi cho khách ăn tiếp thì em nghĩ khá nhiều quán cũng thế ạ, nhưng khổ nỗi các cô ý ai cũng tóc dài thướt tha nên em ăn hay bị dính tóc ở trong rau, còn quẩy thì chưa thấy sao.
- Khoản em thấy sợ nữa là trần bún luôn vào nồi nước dùng ý, bún chua như thế, trần đến khoảng 3 chục bát thì khéo những bát sau không còn là bún ốc nữa mà là “bún chan nước trần bún”
- Clip dưới em quay được 1 đoạn cô ý đang pha nước dùng, pha từ nước lã, gói hạt nêm đỏ, cái thìa to đùng để khuấy đấy ban đầu nằm ở dưới đất, dựa vào cái xô nước dùng sau đó mới thả vào xô để khuấy.
- Tay cô nhấc cái gáo lên mà không biết có nhúng vào xô nước dùng bên cạnh không nữa”.
|
Nước màu cam được pha để làm nước dùng. Ảnh cắt từ clip. |
Ngay sau khi đăng tải bài viết trên, nhiều tín đồ ẩm thực Hà Nội đặc biệt là khách quen của quán bún ốc nổi tiếng này không khỏi rùng mình.
Bạn Lưu Gia Hân để lại bình luận dưới bài viết cho biết thêm: “Trà đá của bà già trong nhà thì chuyên gia có kiểu thu cốc cũ của khách trước còn thừa thì đổ thêm trà với nước vào đưa cho khách mới nhé”.
“Cách đây 11 năm, lần đầu tiên được dắt đi ăn quan này, đã xác định đi ăn là phải dậy thật sớm, lên đứng ở cửa, liếc liếc thấy ai đứng dậy là phi vào giữ chỗ. Chỉ có ngồi trong nhà xung quanh gánh bún, uống sữa đậu hoặc trà của bà cụ chủ nhà luôn. Hồi đó ăn thấy ngon lắm luôn. Bẵng 1 thời gian dài, năm 2016 quay lại ăn, không nuốt nổi 1 miếng”, Facebook Anh Ngoc Nguyen viết.
Nguyễn Hồng Loan cho biết cũng từng nhắc bạn của mình về việc quán bún ốc chế biến mất vệ sinh này với bột cam cam đổ vào nước sôi thành nước bún ốc luôn. Hồng Loan viết: “Cái này không phải mình dìm hàng đâu mà chính nhà mình ở Hàng Cót gần Hàng Chai đi qua ngõ suốt nên chắc chắn họ pha bằng chất hóa học ở chợ Đồng Xuân chứ không phải nước xương đâu nhé. Cả phố Hàng Chai không ai ăn của bà nhé”.
Liên hệ với người đăng tải bài viết, chị Nguyễn Minh Hiền cho biết, clip chế nước dùng tại bún ốc cô Thêm được chị quay lại vào sáng 28/5.
Chị cho hay, thông tin trong bài viết và clip do chị quay và chứng kiến sau đó đăng tải để mọi người biết chứ không nhằm mục đích câu like. Trước đó, chị cũng thường xuyên gặp cảnh tóc có trong bát bún, hay rau thừa đổ chung vào rổ lấy cho khách mới hay chỗ ngồi không được vệ sinh nhưng chị vẫn chấp nhận.
Là một vị khách quen nhiều năm và khoảng 1 năm trở lại đây, hầu hết sáng nào chị cũng đến đây ăn nhưng sau phát hiện sự việc pha nước dùng này, chị quyết định không ăn tại đây nữa.
Chủ quán bún ốc truyền thống lên tiếng
Trước sự việc trên, chiều ngày 29/5, trao đổi với chúng tôi, bà Dung (chị gái bà Thêm - chủ quán bún ốc Thêm) cho biết, bà cũng như bà Thêm hôm nay đã biết được sự việc một khách hàng quay đoạn clip ngắn trên mạng chia sẻ những thông tin bất lợi cho quán ăn của mình.
Bà Dung khẳng định không có việc mình dùng nước lã để “chế” nước dùng bún ốc mà toàn bộ nước đều dùng nước sạch, đó là nước luộc ốc chứ không ninh từ xương, hoàn toàn không phải nước lã. “Ốc sau khi luộc sẽ được lấy nước dùng rồi nêm gia vị cho vừa miệng khách hàng, gia vị và hạt nêm chứ không có hóa chất. Cửa hàng nhà tôi tính đến nay đã 4 đời mưu sinh nơi quán này rồi. Sáng thì em gái tôi bán, trưa tôi ra phụ bán đến 14h thì nghỉ. Tuy rằng bán ở vỉa hè này không được cố định như ở trong quán nhưng chúng tôi đảm bảo mình bán bún cho khách hoàn toàn sạch sẽ. Khách hàng sẽ là người chứng minh điều đó vì đa phần đến đây ăn toàn là khách quen”, bà Dung chia sẻ.
“Tuy rằng bán ở vỉa hè này không được cố định như ở trong quán nhưng chúng tôi đảm bảo mình bán bún cho khách hoàn toàn sạch sẽ”- chủ quán khẳng định.
“Tuy rằng bán ở vỉa hè này không được cố định như ở trong quán nhưng chúng tôi đảm bảo mình bán bún cho khách hoàn toàn sạch sẽ”- chủ quán khẳng định.
Về thông tin cho rằng rau sống và quẩy sau khi khách ăn xong lại đưa vào cho khách khác ăn luôn thì bà Dung bác bỏ việc đó. “Rau sống khách ăn không hết chúng tôi bỏ riêng ra chứ không để chung cho khách khác ăn. Thông tin khách đưa lên mạng ngắn như vậy không chứng minh được điều gì nhưng khiến quán bún của chúng tôi bị ảnh hưởng. Chị em tôi bán bao năm nay cũng vì cái tâm chứ không làm ăn tuỳ tiện được”, bà Dung chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (quê huyện Xuân Trường, Nam Định) người giúp việc tại quán bún bà Thêm cũng chia sẻ, bản thân làm việc tại đây đến nay cũng tròn 20 năm. Hằng ngày rửa bát phụ chủ quán lau dọn, bưng bê.
“Tôi làm 20 năm qua tôi hiểu chủ quán họ không làm ăn tuỳ tiện đâu, bát ăn cho khách cũng lau rửa sạch sẽ. Nước dùng đảm bảo chứ không phải dùng nước lã”, bà Nguyệt nói.
|
Bát bún ốc tại hàng bún gia truyền có thâm niên 26 năm. |
Hiện tại, lùm xùm về quán bún ốc truyền thống Hà Nội chế biến mất vệ sinh này đang khiến nhiều khách hàng hoang mang.