Vóc dáng, ngoại hình không mấy giống nhau, lúc nào cũng xưng hô cậu - tớ, hẳn nhiều người sẽ tưởng Quỳnh Anh, Quang Anh (18 tuổi, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) là bạn bè cùng lớp thay vì chị em, lại còn là chị em sinh đôi.
Không chỉ có cách xưng hô thú vị, điều ấn tượng ở cặp sinh đôi này còn là loạt thành tích học tập ấn tượng, đồng đều, nổi bật nhất là việc cùng giành được học bổng du học Mỹ.
Trong đó, Quỳnh Anh trúng tuyển Đại học Rochester với gói học bổng trị giá 5,3 tỷ đồng (gần 230.000 USD) còn Quang Anh được hỗ trợ 4,3 tỷ đồng (185.000 USD) từ Đại học Williams.
Theo bảng xếp hạng đại học tốt nhất tại Mỹ năm 2020 của US News and World Report, ĐH Rochester xếp thứ 29 trong danh sách đại học quốc gia (National Universities), còn ĐH Williams đứng thứ nhất của khối đại học khai phóng (Liberal Arts Colleges).
Từng lo không được đến Mỹ cùng nhau
Ban đầu khi có dự định du học, Quỳnh Anh, Quang Anh đều không chọn nước Mỹ là điểm đến. Sau khi thử sức với bài thi SAT vào cuối năm lớp 10, Quỳnh Anh đạt 1560/1600, Quang Anh 1570/1600 ngay trong lần thi đầu tiên, cả hai mới quyết định sẽ đến xứ cờ hoa du học.
Cô chị Quỳnh Anh chọn ĐH Rochester vì thích việc có thể tự xây dựng chương trình học của bản thân. Bên cạnh đó, trường cũng có nhiều hoạt động phù hợp với thiên hướng âm nhạc của 10X cũng như cô có thể tham dự các lớp ở trường nhạc Eastman School of Music nổi tiếng.
Vốn ưa thích môi trường học tập năng động, mục tiêu của Quang Anh là ĐH Williams với nhiều chương trình ngoại khóa, đồng thời cậu quan tâm đến các ngành nghệ thuật hội họa, thiết kế, kiến trúc và tâm lý tại trường.
Do được làm quen với tiếng Anh từ nhỏ, Quỳnh Anh, Quang Anh không gặp quá nhiều khó khăn để làm quen với các bài thi chuẩn hóa. Giữa năm lớp 11, hai chị em còn cùng đạt 8.0 IELTS.
Về bài luận, Quang Anh viết về sự sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật từ các hoạt động ngoại khóa mình tham gia. Cậu từng là trưởng ban Media-Design Ngày Hội Anh Tài 2019, phó chủ tịch CLB Draft n Graph, designer SONG Magazine, phó ban design Ams Got Talent XI, trưởng ban Design dự án Scribbles…
Trong khi đó, Quỳnh Anh lại dành sự yêu thích cho nhạc Rock và CLB Hà Nội - Ams Rock chính là nơi nữ sinh gắn bó suốt 3 năm THPT, nắm giữ nhiều vai trò từ thành viên chơi keyboard đến chủ tịch CLB.
Quỳnh Anh (ngoài cùng bên phải) có sở thích nhạc Rock.
“Trải qua nhiều lần tổ chức hoạt động biểu diễn, mình học được tác phong làm việc chuyên nghiệp và có trách nhiệm với những gì bản thân đảm nhiệm”, Quỳnh Anh nói với Zing.
Cùng nộp hồ sơ vào nhiều trường để tăng cơ hội đỗ đồng nghĩa với việc hai chị em phải tăng khối lượng công việc, hồ sơ chuẩn bị. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, cả hai vẫn tham gia ôn tập đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.
"Cuối tháng 3, Quỳnh Anh nhận được thông báo trúng tuyển trước. Thú thật, lúc đó mình không khỏi có chút lo lắng. Trước đó, mình cũng đã được một số trường nhận nhưng chưa thực sự ưng ý. Khi có thư của trường Williams, mình cũng không kỳ vọng nhiều lắm, đến lúc hóa ra đỗ mình chỉ biết kêu: 'Ơ đỗ rồi này', vừa vui nhưng cũng rất ngạc nhiên về kết quả", Quang Anh nói.
Gọi nhau là cậu - tớ cho công bằng
Trước khi giành học bổng đến Mỹ, cặp chị em song sinh đạt nhiều thành tích ấn tượng trong học tập, đặc biệt là tiếng Anh từ những năm cấp 2.
Quỳnh Anh từng giành giải nhất HSG tiếng Anh quốc gia khi học lớp 11, giải ba HSG tiếng Anh quốc gia năm lớp 12, SAT 1560/1600, SAT Subject Test (790 Toán level 2, 730 Văn).
Trong khi đó, cậu em Quang Anh cũng giành giải nhất HSG tiếng Anh thành phố lớp 12, giải nhất HSG tiếng Anh quốc gia khi học lớp 12, SAT 1570/1600, SAT Subject Test (800 Toán level 2, 760 Văn, 790 Vật lý).
Là cặp sinh đôi song hai người tự nhận không phải tuýp chị em tâm tình với nhau quá nhiều. Dù vậy, cùng nhau đồng hành trong phần lớn hoạt động suốt 18 năm, Quỳnh Anh, Quang Anh cũng đạt được độ hiểu nhau nhất định.
Là chị, Quỳnh Anh ra dáng hơn, bảo ban cậu em thường xuyên. Nữ sinh nhận xét em trai đôi lúc hơi trẻ con và nóng nảy, bù lại có con mắt nghệ thuật rất tốt.
"Mình nghĩ sự hỗ trợ mà bọn mình dành cho nhau không ở dạng trò chuyện, mà có thể đơn giản là học và làm việc chung phòng với nhau, có gì cần giúp đỡ, xem qua thì bảo nhau, có gì hay ho thì cho nhau xem", Quỳnh Anh nói.
Về việc xưng hô cậu - tớ, cặp chị em cho biết từ nhỏ đã gọi nhau như vậy thành quen, cũng chẳng nhớ lý do tại sao. Cách gọi này được cả hai đồng tình vì đem lại cảm giác công bằng, đỡ tị nạnh nhau.
"Với mình, có chị sinh đôi giống như tự nhiên có thêm một người bạn thân thiết. Khoảng cách chị em được rút bớt khá nhiều, bọn mình cùng tuổi, học cùng nhau và hiểu đủ nhiều về sở thích của mỗi người để có thể nói chuyện, chia sẻ và giúp đỡ nhau mỗi lúc cần", Quang Anh nói.
Cùng học tại Mỹ, dù trường cách nhau hơn 300 km, Quỳnh Anh, Quang Anh không cho đó là vấn đề đáng ngại bởi cả hai có thể thường xuyên trò chuyện, liên lạc qua mạng xã hội để hỗ trợ, lắng nghe nhau.