1. 20 năm trước khi Việt Nam đá Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) ở Hàng Đẫy, vé đã là cơn đau đầu với các nhà tổ chức lẫn người hâm mộ. Lúc ấy, sân Hàng Đẫy chỉ có sức chứa 25.000 người và vé chỉ có 1 kênh phát hành là bán trực tiếp tại quầy nên việc chen lấn xô đẩy là điều không thể tránh.
20 năm sau, Việt Nam đá AFF Cup lần thứ 12 trong lịch sử, giữa kỷ nguyên 4.0, ở sân đấu có sức chứa 40.000 chỗ, cảnh chen lấn xô đẩy khi mua vé vẫn không khác nhiều dù hiện tại VFF đã có 3 kênh phát hành vé là theo đường công văn, online và bán trực tiếp tại quầy.
|
Người hâm mộ chen lấn xô đẩy mua vé AFF Cup 2018. (Ảnh: Hữu Dánh) |
Thực tế, chỉ có 24.000 vé được phân phối cho người hâm mộ theo 3 kênh kể trên tại AFF Cup 2018, trong đó có khoảng 9.000 vé được bán trực tiếp tại quầy bên ngoài sân Mỹ Đình. Số vé còn lại sẽ được VFF phân phối cho các nhà tài trợ của ĐTQG cũng như các đối tác của VFF.
Phó Tổng thư ký VFF Nguyễn Minh Châu cho biết, VFF không thể đáp ứng được hết nhu cầu mua vé xem đội tuyển Việt Nam của các cơ quan và người hâm mộ do sức chứa của sân có hạn.
“Vé mời tại AFF Cup lớn hơn so với các giải đấu khác. Đây là giải đấu quốc tế, BTC yêu cầu một lượng tương đối vé mời để họ trả quyền lợi cho nhà tài trợ giải, quan hệ với một số đối tác.
Đây là yêu cầu bắt buộc, cả 10 nước tham dự đều phải thực hiện. Chúng tôi phát hành vé mời bao gồm cả ghế tại khán đài lẫn trong các phòng riêng. Số vé này được dùng theo cách sử dụng của ban tổ chức AFF Cup. Một số để mời đối tác, nhà tài trợ hoặc phục vụ công tác đối ngoại. Đó đều là những thành phần được ưu tiên đặc biệt”, ông Châu nói.
2. Đúng là nhu cầu của người hâm mộ rất lớn, VFF không thể đáp ứng hết được. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là VFF cần mạnh dạn hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để thay đổi triệt để cách thức tổ chức bán vé hiện tại, từ đó chấm dứt dần tình trạng chen lấn xô đẩy khi đi mua vé của người hâm mộ.
4 năm trước, khi tình trạng chen lấn xô đẩy mua vé xem trận bán kết lượt về AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia diễn ra ở Mỹ Đình, ông Trần Song Hải, một CĐV khá nổi tiếng của bóng đá Việt Nam khi đó đã chia sẻ rằng, ông có thể mua được cả ngàn vé cho CĐV Việt Nam theo dõi trận lượt đi gặp Malaysia trên sân Shah Alam mà không phải đổ một giọt mồ hôi nào. Nhưng ở Việt Nam để mua được 1 tấm vé là một “cuộc chiến”.
“Ở Thái Lan, Malaysia hay Singapore người ta bán vé xem bóng đá rất nhẹ nhàng, người mua cũng thoải mái chứ không khổ sở như Việt Nam. Bởi lẽ họ làm theo khuyến cáo của FIFA và đặc biệt là phương án phát hành vé online rất văn minh, hiệu quả. Người mua vé đặt vé qua mạng internet, khi đến nhận vé xuất trình căn cước cá nhân, passport nên rất thuận tiện.
Với vé bán trực tiếp thì họ cũng không khổ như mình. Chẳng hạn sân Shah Alam, hôm đầu tiên bán 55.000 vé, họ mở tới 20 cửa bán vé. Hôm sau bán nốt 20.000 vé còn lại thì họ mở 5 cửa, khán giả đến mua vé rất trật tự, xếp hàng ngay ngắn, không có chen lấn, mệt quá thì có thể ngồi nghỉ. Bán vé như thế nếu có hết vé thì những người không mua được cũng khỏi hậm hực”, ông Hải nói.
2 năm trước, hàng ngàn CĐV Indonesia đã tạo nên cảnh tượng kinh hoàng khi chen lấn mua vé trận chung kết lượt đi AFF Cup 2016 trên sân nhà. Đã có người bị thương, thậm chí có người phải bỏ mạng trước cánh cổng vào sân vận động tại Indonesia xem những trận cầu đỉnh cao.
|
Quân đội phải đứng ra đảm bảo an toàn cho việc bán vé tại Indonesia. |
|
Chen lấn khủng khiếp khi mua vé xem chung kết AFF Cup 2016 Indonesia vs Thái Lan. |
VFF rõ ràng có đủ những ví dụ tham chiếu từ thực tế để tìm ra phương án khả thi nhất trong cách thức phân phối vé tới người hâm mộ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của bóng đá, văn hoá Viêt Nam. Thậm chí, đã đến lúc, VFF cần mạnh dạn hướng tới việc bán vé online hoàn toàn như các giải đấu lớn trên thế giới để tránh vết xe đổ khủng khiếp của Indonesia, cũng như đề nghị lực lượng an ninh địa phương vào cuộc gắt gao hơn để hạn chế cảnh phe vé chợ đen phản cảm trước sân Mỹ Đình.
3. Chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra từ những cuộc chen lấn xô đẩy khi mua vé xem bóng đá ở Việt Nam. Có chăng là hàng chục mét tường rào trụ sở VFF bị đạp đổ sau cơn giận dữ không mua được vé của người hâm mộ 4 năm trước tại giải U19 Đông Nam Á.
|
Người hâm mộ giận dữ đạp đổ tường trụ sở VFF năm 2014. |
Nhưng những gì diễn ra bên ngoài trụ sở VFF 4 năm trước chính là lời cảnh tỉnh về một cơn giận dữ luôn thường trực của một đám đông vốn không tôn trọng cách hành xử có trật tự hoặc đã cố gắng tôn trọng trật tự nhưng bị sự thiếu tôn trọng của người khác phá mất. Điều ấy có nghĩa là hiểm họa về một cuộc ẩu đả, dẫm đạp, phá phách… có thể bùng lên bất cứ lúc nào giữa đám đông những người chen nhau mua vé.
VFF hiểu rõ điều này và họ phải “làm chuồng” trước khi “mất bò”!