Ở cái thời, việc lựa chọn khách khứa mời đến đám cưới quá dễ dàng thì câu chuyện tiền mừng lại càng nóng hơn bao giờ hết. Có những người nhận được 5, 7 chiếc thiệp mời cưới/ tháng, mà có thể chủ nhân của nó lại là những người chỉ quen mặt chứ chẳng nhớ tên.
|
Cô dâu, chú rể ngại ngần vì mỗi chiếc thiệp mời được ví như "công văn đòi nợ" (ảnh minh họa) |
Bởi thế mà đôi khi, người “bị mời cưới" lúc nhận thiệp hồng thường buột miệng nói vài lời than vãn. Họ không biết rằng, những câu cửa miệng ấy có thể khiến người có hỷ bị tổn thương.
Rút kinh nghiệm từ lễ cưới “đông mà không vui” của các bạn, Nguyễn Hoa rất cẩn thận trong việc lựa chọn khách mời. Cô chỉ mời những người bạn thân thiết cùng công ty và một vài người bạn thuở nhỏ nhưng giờ vẫn còn qua lại.
Ấy vậy mà khi đi chia thiệp, Hoa vẫn phải ngượng chín mặt trước những lời trêu đùa vô tư của bạn bè. Thiệp chưa rời khỏi tay, lời mời mọc còn chưa hết, những người được mời đã xôn xao: “Lại mất tiền rồi”, “Sao cưới đúng lúc người ta bí bách thế này?”.
“Không thể tưởng tượng nổi tâm trạng khi ấy, ngày vui của mình bỗng nhiên bị kinh tế hóa, trong khi cô dâu, chú rể nào chẳng muốn được bạn bè chúc phúc bằng mấy lời ngọt ngào. Mà không phải tất cả đều vô tư đâu, có người họ ngán ngẩm, dè bỉu ra mặt đấy”, Hoa bức xúc.
Tú Loan cũng hụt hẫng ra mặt khi phải nghe những lời tương tự như thế của đồng nghiệp lúc mời cưới. Mặc dù đã đánh tiếng trước với mọi người về đám hỷ nhưng khi thấy cô đem thiệp đến mời, ai nấy đều giãy đành đạch như “đỉa phải vôi”.
Người ỉu xìu nhận thiệp, người chẹp miệng nói: “Còn 20 ngày nữa mới có lương, tiền đâu mà mừng cưới”. Còn có người tiếc nuối ra mặt, thở dài: “Thêm một đám nữa, thế là đi tong nửa tháng lương rồi”. Thấy ngày vui của mình trở thành nỗi lo của người khác, Loan không khỏi ngại ngần.
“Buồn chứ! Như thể mình đem đến gánh nặng cho họ mà thật lòng thì chỉ mong họ đến chung vui thôi. Cũng không phải ai mình cũng mời, cả công ty chỉ chia thiệp cho đúng 7 người chơi thân thiết. Anh chồng mình chắc cũng gặp cảnh này, có hôm than thở với mình: “Anh mà có điều kiện hoặc không cần phải theo tục lệ, anh sẽ in thiệp mời có dòng chữ “không cần bỏ phong bì” cho đỡ rách việc”, Loan chia sẻ.
Chính vì những lời nói vô tư kiểu như thế mà Bích Ngọc đâm ra ngại mời những người bạn trước đó cô từng mừng cưới, mặc dù vẫn còn qua lại thân thiết. Chia thiệp cho những người ấy, Ngọc có cảm giác như mình đang đi đòi nợ.
Mà sự ngại ngần ấy cũng chẳng phải chỉ có trong suy nghĩ, Bích Ngọc từng một phen “tẽn tò” trước vài lời trêu đùa của bạn bè khi mời cưới.
Hôm ấy, cô mời nhóm bạn đi ăn uống chia tay đời độc thân, tiện thể chia thiệp hồng. Ai ngờ vừa bước đến đã chững lại khi thấy nhóm bạn xôn xao: “Công văn đòi nợ đến rồi”.
Ngọc giả bộ hờn mát nói: “Khiếp, tụi mày làm gì to tát thế. Có thời gian đến chén cỗ giúp tao là vui rồi” thì một người bạn cười khì khì đáp: “Chúng tao mà vác miệng đi ăn không thì có đứa lại khóc thét. Thôi, xem như bọn tao bỏ tiền ra đi ăn bữa buffet sang trọng ấy mà”.
“Ôi, mình dỗi bỏ về thật. Chẳng biết có phải mình nhạy cảm quá không mà khi nghe mấy lời ấy thấy rất tổn thương. Đâu phải ai mời cưới cũng chỉ nghĩ đến cái phong bì. Với mình, đám cưới là ngày vui, không có bạn bè thì niềm vui ấy chẳng trọn vẹn. Họ có phong bì hay không, đi nhiều hay ít thì là việc của họ, mình không quan tâm”, Ngọc giãi bày.
Cũng sau đám hỷ, Bích Ngọc mới biết xung quanh mình có nhiều người tính toán quá chi li. Một trong những người từng than ngắn thở dài khi nhận thiệp hồng của cô bữa nọ không đến dự đám cưới mà gửi một chiếc phong bì kỳ dị. Trong phong bì có một tờ 200.000 đồng kèm mẩu giấy: “Tao trừ 300.000 đặt hộ mày cái áo hôm trước. Hết nợ nhé!”.
Việc gửi thiệp hồng tưởng như đơn giản nhưng trên thực tế, lại đem lại nhiều cảm xúc khó hiểu. Đôi khi, nỗi bức xúc không chỉ đến từ người bị mời đám cưới mà ngay cả những người đi mời cũng phải tổn thương vì vài câu nói cửa miệng của bạn bè.