Ngày 27/8 đánh dấu một cột mốc lớn lao của thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh nói riêng. Ở nội dung nhảy xa tại Á vận hội, “cô gái vàng” Bùi Thị Thu Thảo đã chinh phục cột mốc 6,55 m, mang về tấm HCV cho điền kinh Việt Nam. Danh hiệu này đặc biệt cao quý bởi điền kinh là môn thể thao danh giá thế giới. Tấm HCV điền kinh cũng là danh hiệu khó chinh phục hơn cả.
Zing.vn đã có cuộc trao đổi riêng với Thu Thảo nửa ngày sau chiến công phi thường ấy.
|
Thu Thảo cười rạng rỡ trong cuộc trao đổi với Zing.vn sáng ngày 28/8, nửa ngày sau tấm HCV lịch sử ở ASIAD. Ảnh: Minh Chiến.
|
- Trước tiên, xin chúc mừng Thu Thảo vì tấm HCV lịch sử. Sau một đêm, cảm giác của Thảo lúc này thế nào?
Đến lúc này, tôi vẫn không thể tin rằng mình đã giành được tấm HCV này. Trước giải đấu, tôi luôn mơ rằng mình sẽ giành được HCV. Hôm nay, khi đã có được nó, tôi vẫn không thể nào tin được.
- Thành tích 6,55 m giúp Thu Thảo giành HCV ASIAD. Nhưng phải nói thật, thành tích ấy còn kém xa nhiều cột mốc Thảo từng chinh phục?
Đúng là so về thành tích, tôi vẫn thấy không hài lòng lắm. Ở giải TP.HCM mở rộng, tôi vẫn chưa nhả bài. Tôi chạy không tốt nhưng khi ấy đã nhảy được 6,65 m. Đến ngày thi đấu, tôi chạy đà rất tốt và nghĩ rằng mình có thể phá kỷ lục bản thân. Nhưng vì nhiều yếu tố tác động, vì tâm lý và áp lực, nhiều VĐV khác cũng không thể đạt thành tích cao như tôi.
Khi thấy họ nhảy được 6,4 m ở lượt đầu tiên, tôi đã định nhảy một phát lên 6,7 m cho họ cóng luôn đi. Nhưng không hiểu sao áp lực thi đấu khiến tôi không thể nhảy được.
- Áp lực ấy có phải là chỉ tiêu HCV từ đội tuyển điền kinh?
Không, chúng tôi có đặt chỉ tiêu trước giải là giành HCV. Tuy nhiên, đó là chỉ tiêu để cả đội tuyển cùng cố gắng. Chúng tôi nỗ lực để bất cứ ai cũng có cơ hội giành HCV điền kinh.
- Thảo từng nhiều lần úp mở chuyện giải nghệ. Tại sao Thảo lại thay đổi suy nghĩ để tới ASIAD lần này?
Trước đấy, tôi từng nhiều lần nghĩ tới chuyện giải nghệ. 4 năm trước, tôi đã hụt mất tấm HCV này. Tôi luôn nghĩ rằng mình phải nỗ lực giành lại nó.
|
HCV điền kinh là thành tích danh giá nhất trong thế giới thể thao. Ảnh: Minh Chiến.
|
- Thảo vừa nói tới kỳ ASIAD 2014 tại Incheon. Đó cũng là lần đầu Thảo dự ASIAD?
Đúng vậy, Incheon cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi. Năm ấy, tôi hụt mất HCV ở lượt nhảy cuối. Tấm HCV lần này, tôi giành được xong thấy bình thường lắm, không quá sung sướng, không quá khó chịu.
Nhưng năm ấy, khi mất HCV, tôi đã trằn trọc cả đêm. Tôi cứ dằn vặt mình, cứ tiếc nuối mãi. Hồi ấy, bố tôi đang bệnh, nhà khó khăn lắm, tôi rất muốn giành tấm huy chương ấy cho bố.
Bố chồng giục tôi đi chơi để ông rửa bát
- Đổi chủ đề một chút. Thảo bắt đầu đến với điền kinh như thế nào?
Ngày tôi mới đi tập, bố đang bị bệnh gan, phổi suốt 5, 7 năm, hoàn cảnh gia đình ngày ấy rất khó khăn. Tôi được thầy Nguyễn Trọng Hổ (Phó đoàn thể thao Việt Nam, cựu HLV trưởng tuyển điền kinh quốc gia - PV) phát hiện trong một giải nhảy cao ở tỉnh.
Khi ấy, tôi đã rất sung sướng. Vì theo thể thao sẽ được nhà nước nuôi, mai này có thành tích sẽ được đặc cách vào Đại học.
|
Thu Thảo bên 2 người thầy là ông Nguyễn Trọng Hổ (phải) và Nguyễn Mạnh Hiếu (trái). Ảnh: Minh Chiến.
|
- Chơi thể thao đỉnh cao nghĩa là phải xa nhà liên tục, Thảo có thể chia sẻ một chút về điều đó?
Tôi nghĩ chơi thể thao đỉnh cao, muốn đạt thành tích cao thì nhớ nhà cũng chính là một động lực. Mình quyết tâm thi đấu, mình cố gắng mang về những tấm huy chương cũng là để cho bố mẹ, để thay cho những lần mình không thể về quê thăm mẹ, thăm cha.
Những khi không về được nhà, tôi đều gọi điện hỏi thăm bố mẹ, gia đình. Lúc nào nhớ quá, chồng lại đèo tôi về. Kể cả ấy có là đêm hôm, gió bão, anh vẫn bảo chỉ cần tôi nhớ nhà, chỉ cần tôi thích thì có thể về ngay. Những lúc ấy, chúng tôi lại ra đường, bắt taxi rồi ngủ một đêm ở quê. Sáng sớm hôm sau, hai đứa lại đi.
- Chồng có phải là người bạn đồng hành lớn nhất của Thảo trên con đường thành công?
Chồng luôn hiểu cho khó khăn của tôi. Tôi đã nói với anh ấy từ lâu là mình theo nghiệp thể thao, giờ là thời điểm thành tích đi lên, mình có thể đoạt được các huy chương châu lục. Chúng tôi cùng đồng ý với nhau rằng cả hai sẽ bước tiếp (trên con đường thể thao - PV). Lúc phải xa nhau, chúng tôi cố gắng quan tâm tới nhau nhiều hơn.
- Nghe Thảo nói nãy giờ, có vẻ chồng bạn là một người rất tâm lý?
Vâng, chồng tôi thấy món gì mới, anh ấy đều xem lại để nấu cho tôi. Sở thích của tôi chính là sở thích của chồng tôi. Tôi không ăn được thịt mỡ thì bắt chồng mua thịt nạc, anh ấy cũng sẽ mua. Tôi thích ăn cá là ăn cá, thích ăn rau là mua rau. Chồng mỗi khi nấu món nào lạ đều gọi hỏi tôi có thích ăn không?
Hôm nào tôi phải nấu cơm, anh đều tự giác rửa bát, chẳng phải dặn dò gì. Bố chồng tôi cũng thế. Ông toàn giục các con đi chơi đi để bố rửa bát cho.
- Vậy còn gia đình chồng thì sao? Nhiều người ở tuổi Thảo đã con bồng, con bế rồi đấy?
Nhà chồng không đặt nặng chuyện này đâu vì họ biết tôi đi theo nghiệp thể thao. Mọi người bảo: “Con lớn rồi, đã theo nghề rồi thì bố mẹ chỉ biết chúc các con cố gắng thật tốt. Khi nào sinh được thì hãy cố gắng sinh”.
Nhưng ở nhà, bố mẹ đẻ lại bảo tôi phải sinh em bé đi. Bố tôi bảo thể thao chỉ có thời thôi. Bố hiểu điều đó vì ngày xưa, mỗi lần tôi chấn thương trở về, bố thường là người đưa tôi đi đắp thuốc. Có những lần chấn thương, cổ chân sưng tấy đến mức không đi nổi, mẹ tôi còn phải cõng con gái vào nhà vệ sinh.
- Sau đêm qua, Thảo sẽ rất nổi tiếng. Bạn đã sẵn sàng cho những sự thay đổi sắp tới?
Tôi nghĩ rằng dù có nổi tiếng tới đâu, tôi vẫn sẽ sống cuộc đời hiện tại, vẫn sẽ là tôi của bây giờ thôi.
- Mục tiêu sắp tới của Thu Thảo là gì?
Tôi không muốn nói trước nhưng sẽ cố gắng sang năm phá kỷ lục SEA Games và tiến ra các giải đấu châu lục.
- Cảm ơn và một lần nữa chúc mừng Thảo.