Cách thành phố Điện Biên Phủ 30km, bản Tìa Ló (xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có 151 hộ, 100% đều là người dân tộc Mông. Trước đây, công tác xóa đói giảm nghèo ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, bản Tìa Ló được UBND huyện Điện Biên Đông chọn làm thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.
Đây là bản người Mông có điều kiện tự nhiên phong phú, cả bản nằm trọn trong vòng ôm của dãy núi Phù Lùng, có hồ Noong U diện tích hơn 5ha bao quanh, khí hậu mát mẻ quanh năm vì nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều rừng thông tạo nên khung cảnh non xanh nước biếc. Đứng ở bản Tìa Ló, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh núi rừng. Cảnh đẹp hoang sơ của Tìa Ló thu hút đông đảo du khách tới tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng.
Năm 2023, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên đã phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp mở các lớp ngắn hạn cho bà con dân tộc phát huy được giá trị văn hóa dân tộc người Mông gắn với phát triển du lịch.
Qua đó, các hộ gia đình đều bắt tay vào sửa sang nhà cửa, sân vườn, mở rộng thêm nhà để làm homestay cho du khách có thể ngủ nghỉ lại khi tới thăm quan bản Mông.
Bà con còn thực hành xây dựng mô hình, địa điểm check-in ngay tại vườn nhà. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà con đã tạo dựng được địa điểm check-in lý tưởng, kèm với đó là các mô hình, dụng cụ quen thuộc với đời sống thường ngày của người Mông, như: Khèn, điếu cày, nhà truyền thống,… được sắp xếp đẹp mắt.
Du khách tham quan trải nghiệm tại Điện Biên. Ảnh: PV.
Huyện Điện Biên Đông đã đưa ra mục tiêu phát triển du lịch trải nghiệm bản Tìa Ló từ nay tới năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, kỳ vọng du lịch có thể mang lại thu nhập cho người dân trong bản và cũng là cách giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Mông sinh sống tại đây, hướng tới phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, gắn kết cộng đồng các dân tộc trong địa phương.
Để phát triển du lịch trải nghiệm bản Tìa Ló, bà con nhân dân cần chuẩn bị nhà cửa, nhà vệ sinh, trang trí hàng rào, quét dọn đường nội bản. Hiện tại, trong bản Tìa Ló đã có 5 hộ gia đình được thí điểm phát triển du lịch cộng đồng.
Anh Chà A Mua (bản Tìa Ló) cho biết, việc làm du lịch cộng đồng giúp du khách biết đến bản Mông của anh nhiều hơn. Anh Mua rất hào hứng nên đã tìm hiểu về du lịch trải nghiệm, xây dựng các điểm check-in ngay ở vườn nhà để thu hút du khách.
Tại xã Noong U, nhiều lớp dạy làm du lịch trải nghiệm được mở ra cho đồng bào bản Mông Tìa Ló tham gia, đặc biệt là các thanh niên. Họ xuất phát từ những người nông dân, đến nay được học làm du lịch để tương lai có thể phát triển kinh tế hộ gia đình nên ai cũng hào hứng.
Anh Hờ A Sếnh (bản Tìa Ló) cho biết, từ trước tới nay, gia đình anh chỉ phát triển kinh tế qua chăn nuôi vì ruộng trồng trọt ít. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, sản lượng manh mún nên giá trị kinh tế thấp.
Đến năm 2023, anh Sếnh được chính quyền xã tuyên truyền làm du lịch cộng đồng, gia đình anh đã đăng ký tham gia làm thí điểm ngay. Anh xây thêm nhà mới nối với nhà cũ, mở rộng diện tích nhà ở, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa để phục vụ du khách ngủ, nghỉ khi tới tham quan bản. Mô hình du lịch cộng đồng này có thể giúp anh Sếnh kiếm được tiền, trang trải cuộc sống hằng ngày.
Nhiều năm nay, huyện Điện Biên Đông đã đầu tư vào hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn đặc trưng của huyện... Đồng thời, chú trọng phục dựng, đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các lễ hội truyền thống dân tộc trên địa bàn.