Anh Đinh Đức Thành cho biết, mục đích của nhóm là lan tỏa tiếng cười và thêm kiến thức bếp núc cho mọi người ngay từ những thứ gọi là… thảm họa được chia sẻ trên nhóm.
- Phóng viên: Một ngày không đẹp trời lắm, nhân cái mùa… mắc dịch, anh lập ra nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà”, chắc có chút liên tưởng tới nhóm “Yêu bếp”?
- Anh Đinh Đức Thành: Cuộc sống luôn luôn có hai thái cực: âm - dương, thiện - ác, tốt - xấu… vậy nên có yêu thì có ghét, đó là điều bình thường. Tôi khẳng định không có ý giễu cợt hay hiềm khích gì đối với những hội nhóm khác.
Nhạc cổ điển có thể khiến 1.000 người nín thở trong khán phòng thì nhạc pop lại có thể khiến vài trăm ngàn người hâm mộ bùng cháy. Mỗi đối tượng, sự việc đều có giá trị riêng trong một thời gian, không gian phù hợp. Tôn trọng sự khác biệt là tôn trọng sự phát triển.
- Con số thành viên khủng quá. Hiện tại là bao nhiêu rồi?
- Tính đến hết ngày 13/4, chỉ sau năm ngày thành lập, nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” đã cán mốc hơn 700.000 thành viên.
- Nhìn con số ấy, anh có “ao ước” gì không?
- Tôi ước niềm vui và tiếng cười sảng khoái sẽ được lan tỏa đến thêm nhiều người.
- Nghe nói, đa phần thành viên toàn tự nhận mình là… “gái đoảng kiêm vụng về”?
- Người Á Đông thường hay nói giảm, nói tránh, nếu làm tốt thì họ được khen là khiêm tốn, nếu chưa tốt thì sẽ được xuề xòa tặc lưỡi: thế là tốt rồi. Vẹn cả đôi đường.
- Tôi thấy cả các anh vào bếp nữa hoặc những người nấu chả tệ đâu, nhưng đa phần toàn chuyện cười ra nước mắt phải không?
- Ấy, chị nhớ giúp là phần lớn những đầu bếp nổi tiếng trên thế giới là đàn ông đấy. Trong các nhà hàng, làm bếp cũng chủ yếu là nam giới nên chuyện đàn ông vào bếp là điều hết sức bình thường. Dù là phái nam hay phái nữ thì cũng đều sẽ có những tình huống cười ra nước mắt khi vào bếp. Nên có khi có nhóm này, các anh lại được dịp kể những kỷ niệm khó quên trong đời làm bếp.
- Còn bản thân anh thì sao, anh thuộc “thành phần” nào trong bếp?
- Tôi nghĩ còn phụ thuộc vào ngày hôm đó nấu món gì.
- Nếu đâu đó người ta còn phải đi mượn hình ảnh hào nhoáng ảo để đóng vai của mình, thì ở đây, những thứ “tồ tồ” lẽ ra phải giấu đi, họ lại trưng ra và cười hỉ hả, xem ra chỗ này là chỗ xả stress hiệu quả phải không anh?
- Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh bởi vì mọi người nhìn chung có thiên hướng thích chia sẻ. Chia sẻ những thành công là điều hiển nhiên nhưng không “giấu dốt” mà đưa ra những thất bại thì biết đâu người khác có thể nhận thấy điểm sai và giúp bạn có thể thành công trong lần tiếp theo, cũng đáng chứ.
Mặt khác, không chỉ có những thảm họa trên nhóm, có những điều tưởng chừng như đơn giản, ví dụ như không phải ai cũng biết hết công năng của món đồ tưởng chừng cực kỳ đơn giản như dụng cụ mài rau củ, cho đến khi có người chia sẻ lên nhóm. Kiến thức là vô tận mà, phải không?
- Có vẻ anh… nhân ái quá, khi phải khóa không cho đăng status vào giờ cao điểm là giờ nấu cơm? Phải chăng nhiều thành viên hăng hái quá khiến anh “chóng mặt” hay do anh thật sự nghĩ rằng họ nên chăm chút việc nhà hơn là việc cập nhật trên Facebook?
- Một phần là do số lượng bài đăng chờ kiểm duyệt quá lớn, ban quản trị đều là những người có công việc riêng ổn định, họ dành thời gian, công sức tham gia điều hành nhóm cùng tôi chỉ để nhận lại duy nhất những nụ cười.
Mặt khác, chúng tôi cũng thực sự muốn những thành viên trong nhóm dành thời gian làm việc nhà, chăm sóc gia đình thay vì chỉ ôm chặt chiếc smart phone. Nhân sâm là thuốc quý, đại bổ nhưng uống quá liều cũng có thể gây hại. Điều gì thái quá cũng có thể gây mất cân bằng, ảnh hưởng đến các giá trị khác, nên có những khoảng lặng để mọi người suy ngẫm, dành thời gian cho những giá trị khác. Núi có cao thì cũng là bởi thung sâu.
- Bản thân anh có áp lực gì trong mùa dịch Covid-19 này không?
- Không chỉ riêng tôi mà cả thế giới đều đang căng mình trước dịch bệnh COVID-19. Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, tuy nhiên, hiện nay áp lực không đến từ dịch bệnh mà đến từ việc quản trị nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà”. Với số lượng thành viên đông đảo, mỗi ngày có tới cả chục nghìn bài đăng, ban quản trị gần 20 người nhưng vẫn khá vất vả và mất nhiều thời gian.
- Từ khi làm chủ nhóm này, anh có cảm thấy bớt áp lực không hay lại “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”?
- Tôi cũng đã có kinh nghiệm quản trị hội nhóm vài chục nghìn thành viên trên Facebook nhưng trải nghiệm việc quản trị một nhóm tới mấy trăm nghìn thành viên thực sự là điều tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian.
Tuy nhiên, tôi rất may mắn vì có những người bạn luôn nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ tôi về công tác quản trị, để nhóm luôn là nơi đem lại niềm vui cho mỗi người ghé qua. Thêm nữa, do nhóm quá “hot” nên rất nhiều hacker lăm le chiếm quyền quản trị khiến nhóm quản trị viên phải tăng cường rất nhiều lớp bảo mật để chống lại hacker.
Tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn mời hợp tác kinh doanh trên nhóm nhưng tôi xin phép từ chối tất cả các lời mời hợp tác thương mại vì nhóm chúng tôi chỉ kinh doanh duy nhất một thứ: tiếng cười.
|
Anh Thành có những tấm hình dí dỏm khiến dân mạng cười bể bụng. |
- Có vẻ như qua cơn sốt “Ghét bếp”, đã lại có nhiều “điều tiếng” “chê bai” sau những trận cười, anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ mỗi người một góc nhìn, một cảm nhận và mọi sự việc đều có nhiều góc nhìn, có thể đúng ở chỗ này nhưng lại sai khi áp dụng ở chỗ khác, con người khác. Tôi tôn trọng quyền tự do biểu đạt quan điểm của các cá nhân. Có nhiều nhóm để bạn cảm thấy mình nên vào chơi hay không vào.
Cuộc sống có quá nhiều điều để quan tâm nên nếu cứ chăm chăm vào xem thiên hạ nói gì về mình thì có khi lại… khó sống!
- Anh có lời khuyên nào, à không, khuyến cáo nào mới nhất với các thành viên của nhóm “Ghét bếp”?
- Nghĩ đơn giản cho cuộc đời thanh thản.
|
Một hình ảnh đáng yêu của anh Thành. |
- Cuối cùng, trở về đời thường, anh có hoạt động hoặc công việc gì liên quan tới cộng đồng trong thời điểm này không?
- Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người ta thường nói vui rằng ở nhà đã là cứu thế giới, nên nếu không có công việc thực sự cần thiết, tôi dành thời gian ở nhà để nghiên cứu, học hỏi nâng cao về chuyên môn. Và giờ đây, việc quản trị nhóm “Ghét bếp, không nghiện nhà” cũng giúp tôi có thêm nhiều niềm vui, giảm bớt sự căng thẳng trong mùa dịch.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ.