Trong Gala 20 năm Đường lên đỉnh Olympia, nhiều khán giả được gặp lại một số gương mặt quen thuộc của chương trình qua các năm như Lê Vũ Hoàng (quán quân năm thứ 6), Phan Mạnh Tân (quán quân năm thứ 2) hay Nguyễn Hồng Đức (lọt vào chung kết năm thứ 6).
Nhiều khán giả còn dành sự chú ý đến Thân Ngọc Tĩnh - á quân Olympia năm thứ 12. Theo giới thiệu, anh hiện là trưởng phòng đầu tư Công ty Red Square Vietnam tại TP.HCM.
Sau khi rời sân chơi Olympia, Ngọc Tĩnh lên đường sang Australia học ngành Tài chính tại ĐH Swinburne. Năm 2018, anh từng hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại Singapore và quyết định trở về Việt Nam làm việc.
Ngọc Tĩnh cho biết anh lựa chọn về nước một phần bởi tác động bên ngoài.
|
Ngọc Tĩnh về nhì trong chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 12. Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi Trẻ.
|
"Khi tôi tốt nghiệp vào năm 2016, thị trường lao động khá ảm đạm, cơ hội việc làm tại Australia vẫn có. Tuy nhiên, nếu muốn ở lại phải đánh đổi một số thứ còn tôi không muốn làm vậy nên quyết định quay về", anh cho biết.
Ngọc Tĩnh cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng, tốc độ phát triển của Việt Nam cũng như các nước châu Á.
"Giống như nhiều người nói, thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á", anh nhận định.
Trên mạng xã hội, chàng trai gốc Bắc Giang để trang cá nhân ở chế độ riêng tư, không chia sẻ công khai nhiều về cuộc sống cá nhân hay công việc.
|
Ngọc Tĩnh chia sẻ về quyết định về Việt Nam làm việc trong Gala 20 năm Olympia. Ảnh chụp màn hình.
|
Thân Ngọc Tĩnh là cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM. Tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12, thành tích về nhì của Ngọc Tĩnh từng khiến không ít khán giả tiếc nuối.
Mở đầu cuộc thi với 90 điểm giành được ở phần Khởi động, Ngọc Tĩnh tạo ra khoảng cách với các đối thủ còn lại.
Ở phần thi Tăng tốc, một câu hỏi có nội dung: “3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời” có các lựa chọn từ A-F tương ứng 4-9.
Trần Lê Phương (Quảng Nam), Đặng Thái Hoàng (Quảng Ninh, vô địch năm đó) chọn đáp án C và được cho điểm. Sau đó, khán giả phân tích các đáp án ban tổ chức đưa ra đều sai, bởi câu trả lời chính xác phải là số lẻ: 5+2/3 (5,6666...), không phải 6.
Nếu vậy, Thái Hoàng phải bị trừ 30 điểm trong tổng điểm chung cuộc, kém điểm Ngọc Tĩnh (230 điểm). Tuy nhiên, BTC vẫn quyết định giữ nguyên kết quả trận đấu.
Sau cuộc thi, nhiều fanpage được lập ra ủng hộ Ngọc Tĩnh thu hút hàng nghìn thành viên. Sau 8 năm, các fanpage này vẫn tồn tại và gợi nhớ kỷ niệm cho nhiều khán giả.