Điểm chung của những trào lưu thử thách trên là đều đòi hỏi sự sáng tạo ‘vô bờ bến’ của người tham gia, nhằm tạo ra những tác phẩm độc đáo và cá tính nhất có thể.
Ngón tay xoắn quẩy
Thử thách này được bắt nguồn từ cầu thủ 22 tuổi người Anh, Dele - Bamidele Jermaine Dele Alli, đang thi đấu cho câu lạc bộ Tottenham Hotspur. Tên của anh đồng thời được đặt cho trào lưu này (Dele challenge).
|
Thử thách “ngón tay xoắn quẩy” được yêu thích đến mức phát triển sang những phiên bản khó hơn. Ảnh: sport.mthai.com. |
Mọi chuyện bắt đầu khi Dele đăng một tấm ảnh tạo dáng với hình bàn tay làm dấu OK úp ngược đặt lên mặt trên Instagram. Nhiều người không hiểu cầu thủ này đã lật bàn tay kiểu gì để ra được dáng chụp ảnh ấy. Bức ảnh gợi sự tò mò được dân mạng toàn thế giới chia sẻ chóng mặt. Mọi người bắt đầu làm thử, học theo và thử thách lẫn nhau, dần dần trở thành một trào lưu toàn cầu.
Ngược về quá khứ
Trò chơi “hack não” với tên gọi ngược về quá khứ được một cô bạn 10X ở TP.HCM đem ra thử thách các bạn cùng lớp và đăng tải video lên mạng, sau đó lan truyền mạnh mẽ trên Facebook, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận. Cảm giác chung của các bạn trẻ sau khi xem liên tục nhiều lần đoạn video đó là “không thể hiểu quy luật của trò chơi là gì”.
Nguyên tắc của trò chơi là nếu ai biết đáp án rồi thì cũng giữ trong lòng, nói ra mất vui. Tuy vậy, mặc dù các kênh truyền thông đã công bố cách chơi, nhiều người vẫn phải đọc đi đọc lại mới hiểu được bản chất thật sự của trò giải đố “tốn não” này.
Đoán ký tự viết tắt
Được bắt nguồn từ các sao Việt như Ngô Thanh Vân, Hà Anh Tuấn, Thanh Hằng... thử thách đoán ký tự viết tắt (sau này được tiết lộ tên thật là “Đậm dấu ấn”) là một trào lưu mới bùng nổ gần đây. Yếu tố thú vị của thử thách là cả người thách lẫn những người được thách đều phải vận dụng chất xám rất nhiều để cho ra đời những câu trả lời thật độc đáo, mặc dù không bắt buộc phải giống nhau.
Đầu tiên, người trẻ sẽ tung lên trang Facebook cá nhân các clip ngắn cá nhân chỉ 5-10 giây với những ký tự viết tắt bí ẩn nằm giữa màn hình, cùng với đó là một đoạn caption ngắn gọn gợi ý cho ký tự đó, rồi yêu cầu những người bạn của mình đoán thử xem những ký tự đó mang ý nghĩa gì.
Lấy ví dụ, anh chàng travel blogger đình đám Trần Đặng Đăng Khoa đã đăng một clip du lịch 7 giây lên trang cá nhân kèm ký tự #STDLNG. Sau một tuần cho dân mạng tha hồ “làm thám tử”, Đăng Khoa mới công bố đáp án “Sống tự do, lướt như gió”, không quên giải nghĩa đây là phong cách và tinh thần sống giúp Khoa vững tin để đi cả thế giới với chiếc xe máy.
Với sự tò mò và tính sáng tạo vô biên, rất nhiều người trẻ Việt đã nhiệt tình tham gia trào lưu này trong cả vai trò người thách đố lẫn người giải đố. Với những người than vãn “khó quá, gợi ý đi”, họ thường sẽ nhận được một hashtag #DDA để “truy tìm manh mối”.
Thực tế, DDA là tên gọi viết tắt của trào lưu đậm dấu ấn, được khơi mào từ tính năng live message trên Galaxy Note9. Bằng các dòng ký tự đặc biệt thể hiện quan điểm sống, cá tính, sở thích… trên ảnh hoặc video, người đăng sẽ tạo ra một trò chơi đố vui trên trang cá nhân. Nhiệm vụ của người xem là giải mã dòng ký tự đặc biệt này bằng cách để lại bình luận dưới bài đăng.