Trung ương Đảng: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trách nhiệm toàn xã hội

Google News

Nghị quyết 45 của Trung ương Đảng nêu rõ, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện, bồi đắp "nguyên khí quốc gia", phát triển bền vững, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết 45 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Theo Nghị quyết 45, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc.
Đội ngũ trí thức cũng là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội; nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đồng thời là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung uong Dang: Xay dung doi ngu tri thuc vung manh la trach nhiem toan xa hoi
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gặp gỡ trí thức Việt Nam, 40 năm thành lập Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam 
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện
Trung ương Đảng cũng đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa X về đội ngũ trí thức, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn.
Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương.
Từ đó, Nghị quyết 45 nêu rõ, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội.
Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.
Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.
Bên cạnh đó, động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.
Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước.
Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn. Quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị, quản lý, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.
Tầm nhìn tới năm 2045, Trung ương Đảng xác định, đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.
Đổi mới đãi ngộ, tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài
Nghị quyết 45 đã nêu ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện, bao gồm tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức.
Trong đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức. Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức.
Đồng thời, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Theo đó, yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức.
Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Trong đó, nhấn mạnh cần sớm ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, trong văn hoá, văn học, nghệ thuật; nghiên cứu, sửa đổi tuổi lao động phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức. Đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đánh giá, công nhận các chức danh khoa học. Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội trí thức…
Nghị quyết cũng yêu cầu có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một số dịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công.
>>> Mời độc giả xem video TSKH Phan Xuân Dũng: Đội ngũ Trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ dân tộc
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)