Quốc hội giao thu ngân sách nhà nước 1.700.988 tỷ đồng năm 2024

Google News

Sáng 10/11, với hơn 94% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng sang đầu tư công
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Kết quả biểu quyết, có 466 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 94,33%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Quoc hoi giao thu ngan sach nha nuoc 1.700.988 ty dong nam 2024
 Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Ảnh: Mai Loan.
Theo đó, Quốc hội thông qua số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.119.428 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 399.400 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 372.900 tỷ đồng, tương đương 3,4% GDP; Bội chi ngân sách địa phương là 26.500 tỷ đồng, tương đương 0,2% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 690.553 tỷ đồng.
Quoc hoi giao thu ngan sach nha nuoc 1.700.988 ty dong nam 2024-Hinh-2
 Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH.
Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2023, Quốc hội cho phép sử dụng 145,9 tỷ đồng nguồn thu hồi kinh phí đã tạm cấp trong năm 2022 cho một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, chuyển nguồn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu nguồn thực hiện chính sách và quyết toán niên độ ngân sách năm 2023.
Quốc hội cũng cho phép chuyển nguồn toàn bộ 13.796 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công hằng năm trong các năm 2023, 2024, 2025 cho các dự án của Bộ Giao thông Vận tải và 08 địa phương; chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội quyết nghị, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Quyết liệt có giải pháp phục hồi kinh tế
Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Quoc hoi giao thu ngan sach nha nuoc 1.700.988 ty dong nam 2024-Hinh-3
 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu. Ảnh: QH.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, trong 02 năm 2022- 2023, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn…,Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu theo hướng miễn, giãn, giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh với quy mô lớn.
Theo đó, hệ thống chính sách thu không thể điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế như yêu cầu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15. Theo đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước năm 2023 như đại biểu Quốc hội đã nêu.
Trong thời gian tới, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế; quản lý chặt chẽ nguồn thu, thu đúng, thu đủ, chống thất thu, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối thu-chi ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước để phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất theo mục tiêu Nghị quyết số 23/2021/QH15 đã đề ra.
  >>> Mời quý độc giả xem video: Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) đánh giá về cách thức phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 giống như “nhiệt kế” đo sự quan tâm của đại biểu với những vấn đề “nóng”:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)