ĐBQH: Đề nghị xử lý nghiêm bộ, ngành đùn đẩy, né tránh giải quyết khiếu nại

Google News

Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải cho rằng, cần phải cụ thể hóa hơn nữa việc xem xét xử lý trách nhiệm trong việc đùn đẩy, né tránh giải quyết kiến nghị cử tri.

Cần hạn chế tình trạng trả lời kiến nghị chung chung, thiếu thiết thực
Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nêu ý kiến, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, 
Tuy nhiên, đại biểu thấy tỷ lệ giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ ngành bằng giải trình và cung cấp thông tin còn chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm tới 82,8% tổng kiến nghị của cử tri xem xét, giải quyết, trả lời. Trong khi đó, kiến nghị của cử tri được các bộ, ngành xem xét, giải quyết chỉ có 4,3% tổng số kiến nghị của cử tri. Điều này cho chúng ta cần phải suy nghĩ có thực sự người dân, cử tri chỉ mong muốn được các bộ, ngành giải thích và cung cấp thông tin hay không?
Theo đại biểu, việc giải thích, cung cấp thông tin là rất cần thiết, nhưng còn nhiều cử tri mong muốn mỗi kiến nghị có căn cứ thì cần được xem xét cụ thể, giải quyết có kết quả cụ thể.
"Trên thực tế vẫn còn hiện tượng trả lời chung chung chưa thật sự thuyết phục, nhiều bộ, ngành trả lời còn chậm trong giải quyết kiến nghị cử tri. Trách nhiệm của các địa phương, một số nơi chưa đề cao trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị, để cử tri kiến nghị nhiều lần, thậm chí có việc chuyển thành đơn thư khiếu nại, tố cáo", đại biểu cho hay.
Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị cần rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định, không để tình trạng kéo dài thời gian.

Với những kiến nghị của cử tri liên quan đến những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật cần khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo xem xét sửa đổi, bổ sung tháo gỡ ngay. Đây là những vấn đề còn rất khó khăn và chậm trong thời gian vừa qua.

Đoàn đại biểu Quốc hội cần phải tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để tổng hợp và phân loại kiến nghị đề xuất đúng thẩm quyền, trách nhiệm xem xét giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

"Cần phải cụ thể hóa hơn nữa việc xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đùn đẩy, né tránh, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu trách nhiệm trong giải quyết các kiến nghị để cử tri kiến nghị nhiều lần, nhưng không được giải quyết", đại biểu nhấn mạnh. 

Nhiều kiến nghị của cử tri chậm được giải quyết
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá cao kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, nhưng thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đơn cử vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước. Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nhiều lần ghi nhận và hứa và sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp và gần nhất là công văn số 5527 ngày 30/12/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ tư quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.
>>> Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6 với PV Tri thức và Cuộc sống về nguy cơ nếu giao cho Bộ GD&ĐT thực hiện thêm bộ sách giáo khoa:
 Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)