Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là dự án Luật nhận được sự quan tâm lớn của của cử tri và các đại biểu Quốc hội.
Để những trí tuệ không “nằm yên” trong đầu trí thức
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội ngày 27/11, Đại biểu Quốc hội, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khẳng định, Thủ đô Hà Nội là trái tim cả nước. Để có một Thủ đô xứng tầm của 100 triệu dân, với truyền thống hàng ngàn năm, thì phải có những con người xây dựng Thủ đô.
|
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bên hành lang Quốc hội ngày 27/11. Ảnh: Mai Loan. |
Bên cạnh những công nhân, nông dân, vai trò của đội ngũ trí thức cực kỳ quan trọng. Theo Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng, trí tuệ của đội ngũ trí thức có thể làm thay đổi cuộc sống, thay đổi hành tinh, thậm chí thay đổi vũ trụ này.
Tuy nhiên, trí tuệ ấy sẽ không phát huy nếu “nằm yên” trong đầu trí thức. Điều quan trọng, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là làm sao để đội ngũ trí thức, những người giỏi, người tài ấy phục vụ đất nước, xây dựng Thủ đô.
Đưa ra giải pháp, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho rằng, đầu tiên phải có niềm tin vào trí thức, có chế độ đãi ngộ “chiêu hiền đãi sĩ”, để cho họ hưởng quyền lợi mà họ làm ra.
Hãy giao cho trí thức những việc cần tới trí tuệ, phát huy năng lực của họ. Và đã là nghiên cứu khoa học thì có những việc mang tính rủi ro, mạo hiểm, Cho nên, không kỷ luật họ khi thực thi các nhiệm vụ khoa học không thành công.
Đặc biệt, phải biết tôn vinh, tôn trọng trí thức, làm cho họ cảm thấy tự hào về bản thân và cố gắng nhiều hơn. Có vinh danh thì có tự hào, có tự hào thì có điểm tựa để phát triển.
“Những điều này có thể đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), để trí thức có thể cống hiến hết tâm sức của mình cho Thủ đô, cho đất nước”, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Mời quý độc giả xem video: Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam Phan Xuân Dũng trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cần cơ chế vượt trội huy động sáng tạo của các nhân tài
Đồng quan điểm với Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng, trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tới việc sử dụng nhân tài.
|
Đại biểu Quốc hội, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Mai Loan. |
Theo đó, sự thu hút nhân tài phải từ hai phía. Thứ nhất phải lựa chọn được nhân tài thông qua vấn đề tuyển dụng. Nhưng quan trọng hơn, phải sử dụng để nhân tài đó để phát huy được năng lực, khả năng cống hiến của họ.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), rất cần phải thiết kế những điều kiện, như các thể chế để tăng tính sáng tạo, tính năng động, những đề xuất của những cán bộ, những người làm việc cho Thành phố.
Cần có cơ chế vượt trội, không phải tuân theo các quy định thông thường. Khi đó chúng ta mới huy động được khả năng đóng góp sáng tạo của những nhân tài này.
Đồng thời, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, cần có cơ chế đánh giá sự đóng góp, cống hiến của những người được coi như những tài năng vượt trội. Thông qua đó, một mặt tiếp nhận những đóng góp của họ, một mặt tạo ra sự động viên, tạo ra những môi trường mới, đặt ra những vị thế mới để họ có thể phát huy, đóng góp được nhiều hơn.
Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Góp ý kiến về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, cần trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút.
Trong đó, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ để thu hút. Đặc biệt, giữ chân được người tài cũng như cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc phù hợp, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài cống hiến và thăng tiến chính là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của người tài.
"Bởi lẽ, môi trường mà ở đó họ được khẳng định chính mình, bộc lộ năng lực, sở trường được tôn trọng và trọng dụng là điều quan trọng hơn cả đối với người tài, thậm chí còn có vai trò ý nghĩa quan trọng hơn cả chế độ đãi ngộ", đại biểu nhấn mạnh.