Tôi có biết qua về chương trình này. Theo tôi, có thể những người thực hiện chương trình này biết sự thật nhưng họ vẫn cố tình làm để tạo sự hấp dẫn, câu rating. Cặp vợ chồng Nhật Thanh - Như Đào đã vẽ ra câu chuyện quá đẹp và họ muốn phô ra câu chuyện đó ra. Khi ekip sản xuất bắt được hoàn cảnh thương tâm này họ đã xây dựng chương trình nhằm khiến khán giả mủi lòng. Đây là một kiểu làm ăn tắc trách. Cũng có thể họ quá tin vào nhân vật nên bị cặp vợ chồng này lừa.
|
Cặp vợ chồng Nhật Thanh - Như Đào trong chương trình "Điều ước thứ 7". |
Đứng ở vị trí một khán giả, anh thấy thế nào khi “cảm xúc bị đặt nhầm chỗ” sau những sự thật về câu chuyện cổ tích này?
Tôi nghĩ khán giả sẽ sốc. Thế nhưng nếu vì một câu chuyện này mà tẩy chay cả một quá trình thì cũng tội cho ekip. Bởi vì họ đã cố gắng, tâm huyết tìm ra nhiều câu chuyện xúc động. Tuy nhiên, đôi khi họ cũng không tránh khỏi sai lầm. Đây cũng là một bài học đắt giá cho ekip. Một trăm chương trình làm tốt nhưng chỉ cần một chương trình làm ẩu là bao công sức đổ sông đổ biển.
Theo anh để xảy ra sự cố này, lỗi do đâu?
Không biết được gia cảnh thật của nhân vật là lỗi hoàn toàn của nhà sản xuất, những người biên tập chương trình. Họ không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin. Họ làm việc chủ quan, cho xong thì thật đáng phê bình.
Có hai trường hợp, nếu hai nhân vật này lừa dối chương trình thì phía đơn vị thực hiện vẫn đáng trách vì không đi kiểm tra thông tin kỹ lưỡng. Còn nếu chương trình hư cấu thêm lại là một sự phản cảm, bởi vì chương trình phát cho hàng triệu người xem. Khi chương trình phát lên với những thông tin sai sự thực thì làm gì hàng xóm, những người xung quanh không biết được.
Nghĩa là điều đáng tránh nhất vẫn là những người thực hiện chương trình?
Hai nhân vật này chia sẻ những thông tin thiếu trung thực là lỗi cá nhân. Khi đưa câu chuyện này ra chính họ đã phải trả giá cho hành động của mình, đó là mất hạnh phúc gia đình, mất niềm tin của những người xung quanh. Còn ekip "Điều ước thứ 7" đánh mất niềm tin của khán giả đó mới là lỗi nặng.
Tuy vậy, dư luận cũng nên có cái nhìn bao dung, không nên quá khắc nghiệt với cặp vợ chồng trong câu chuyện, vì bản thân họ cũng đang phải gánh chịu những hậu quả từ việc làm này rồi. Với chương trình, hy vọng khán giả cũng thông cảm vì đôi khi không tránh được sai sót.
Cũng là người đi thực hiện chương trình mang tính nhân văn cao như Lục lạc vàng, đã bao giờ anh gặp sự cố tương tự?
Chúng tôi có cả một ekip đi khảo sát để thực hiện chương trình “Lục lạc vàng” nhưng có khi vẫn bị lọt đối tượng. Có người giả bộ nghèo để lợi dụng từ thiện, bởi vì mỗi trường hợp như thế được tặng 2 con bò trị giá 30 triệu.
|
Diễn viên Minh Béo trong chương trình "Lục lạc vàng". |
Có trường hợp, người dân than rất nhiều, họ nói bị bệnh tật, nợ nần, gia đình nghèo không có gì. Họ mong muốn có được đôi bò để giúp cho con họ đi học, nhưng thực tế con họ nghỉ học lâu rồi và không có ý muốn đi học nữa. Còn gia đình cũng không đến nỗi éo le như họ nói. Trước trường hợp như vậy chúng tôi đã lập biên bản tại chỗ và kiên quyết lấy lại bò để nhường cho hộ gia đình khác nghèo khó hơn. Để nắm được thông tin chính xác chúng tôi hay đi kiểm tra bất chợt, không báo trước để đảm bảo tính khách quan.
Thời gian gần đây VTV thường xuyên gặp sự cố, từ vụ tuổi Công Phượng, phát câu chuyện “nhặt xương cho thầy” vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam và đến câu chuyện “vợ chồng hát rong”, đứng ở vị trí một độc giả anh cảm thấy thế nào?
Đã làm chương trình truyền hình thì phải biết được tính trung thực quan trọng đến mức nào. VTV là đài quốc gia nên càng phải cẩn thận.
Chúng tôi làm chương trình “Lục lạc vàng” bị VTV bắt lỗi từng chút một, “soi” từ lá cờ, chữ nước ngoài cũng không được xuất hiện. Thậm chí, có chương trình mai phát sóng còn bị trả lại để sửa cho đúng. Vậy nên, tôi cũng không hiểu tại sao thời gian gần đây VTV lại để lọt nhiều “sạn” như vậy?
Vâng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!