Việt Nam đang bước dần vào thời kỳ già hóa dân số. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có sự chuẩn bị về nhân lực chăm sóc cho người cao tuổi. Làm thế nào để người già được chăm sóc chu đáo là câu hỏi mà nhiều người đang trăn trở.
Nhu cầu tăng đột biến, nhưng thiếu đào tạo cơ bản
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức, già hóa dân số đang là vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt. Việc số lượng người cao tuổi tăng sẽ tạo ra tạo áp lực lớn về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng như đòi hỏi một lực lượng nhân lực không nhỏ tham gia vào việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Đặc biệt nhất là nhóm dân số già phải phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ chăm sóc bên ngoài do không còn khả năng tự chăm sóc. Nhu cầu cán bộ điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng đột biến.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo về mặt nhân lực chăm sóc người già. Ngoài con cháu là những người ruột thịt chăm sóc ông bà, cha mẹ khi về già, nhân lực chăm sóc người cao tuổi có thể được chia làm 2 loại. Thứ nhất là người giúp việc (osin) do các gia đình thuê về chăm sóc người già. Nhóm này thường là những người xuất thân từ nông thôn, không có chuyên môn chăm sóc người cao tuổi, đồng thời kỹ năng sống ở các vùng nông thôn cũng không phù hợp với việc chăm sóc người già ở thành phố. Thậm chí nhiều người trẻ tuổi kỹ năng ứng xử còn rất yếu kém, thiếu lễ phép, khó có thể làm hài lòng các cụ.
Nhóm thứ hai là đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, công việc chăm sóc người cao tuổi còn thiếu đào tạo cơ bản. Các y tá điều dưỡng chủ yếu thiên về điều trị, thiếu kỹ năng chăm sóc, kinh nghiệm ứng xử, kỹ năng giao tiếp với người cao tuổi...
|
Việc số lượng người cao tuổi tăng sẽ tạo ra áp lực lớn về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. |
Chủ yếu dựa vào họ tộc, gia đình
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho biết, thực tế hiện nay đã có nhân viên chăm sóc xã hội. Đây đã được coi là một nghề nhưng mới chỉ mang tính chất hình thức, số lượng hạn chế nên không đáp ứng nổi nhu cầu thực của xã hội. Việc an sinh xã hội hiện nay ở nước ta chủ yếu vẫn dựa vào mô hình truyền thống, đấy là trông cậy vào họ tộc, con cái. Mô hình an sinh hiện đại với các trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở nước ta cũng có. Tuy nhiên, số lượng những trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước là quá ít so với nhu cầu của người già.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, hiện có một số trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân được mở ra, nhưng cũng vẫn còn ít so với nhu cầu thực của xã hội. Chưa kể, mặc dù nói là không quan tâm đến lợi nhuận, tuy nhiên đã là cơ sở tư nhân thì bắt buộc phải chú ý đến vấn đề sinh lời. Vì thế, các trung tâm này giá thành vẫn còn cao, người già không phải ai cũng đủ điều kiện để hòa nhập.
Hơn thế nữa, do văn hóa, nếp nghĩ của chúng ta vẫn chưa cởi mở đối với các trung tâm chăm sóc người già. Bản thân người già cũng chưa thích vào trung tâm dưỡng lão, chủ yếu người già vào trung tâm dưỡng lão đều rơi vào các trường hợp "bất khả kháng" như không có con cái (hoặc con cái ở xa), ốm đau, bệnh tật không có người chăm sóc.
(còn nữa)
Hiện nay, mặc dù nói người già là tuổi được nghỉ ngơi, nhưng thực tế, ở nước ta lao động người già vẫn được chú ý, điều này thể hiện cả trong những khẩu hiệu như "sống vui, sống khoẻ, sống có ích". Hay như ở trong mỗi gia đình, người già vẫn được coi như một lao động khi vẫn chăm cháu, đưa đón cháu đi học, quét dọn nhà cửa, nấu ăn...
PGS.TS Trịnh Hòa Bình