Sẽ có khoảng 100.000 biên chế được tinh giản trong vòng 6 năm (2014 – 2020) với tổng kinh phí 8.000 tỷ đồng. Đó là những con số đáng chú ý trong dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì vẫn chưa thấy rõ cách làm mới, mang tính đột phá trong việc tinh giản lần này.
Tinh giản được ngần ấy là mừng rồi
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Trước đó, chúng ta đã từng thực hiện tinh giản, song theo đánh giá thì vẫn chưa thực sự hiệu quả. Có vẻ như lần này, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện quyết liệt, ráo riết hơn, thưa ông?
Đúng là trước đây, chúng ta đã nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế. Tuy nhiên, vẫn có chuyện người đáng phải ra khỏi bộ máy lại vẫn cứ tồn tại trong đó, trong khi số người giỏi lại có xu hướng ra ngoài làm hoặc không muốn vào công chức. Người ở lại có một tỷ lệ đáng kể không đáp ứng được yêu cầu công việc. Những vấn đề đó tồn tại rất nhiều năm mà chưa giải quyết được.
Lần này, với việc định lượng được số lượng biên chế cần tinh giản, đối tượng và thời hạn tinh giản, tôi cho rằng nó đáp ứng được yêu cầu rất cấp bách, thậm chí là thúc bách hiện nay, đặt ra yêu cầu mạnh hơn để khắc phục được những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong nền hành chính công vụ nước nhà.
Dự thảo nghị định tinh giản biên chế lần này đã đưa ra được con số cần phải tinh giản là 100.000 người. Ông nghĩ sao về con số đó?
Đây là điểm rất đáng chú ý, vì đã xác định được con số cần tinh giản. Chưa vội đưa ra phán xét rằng con số đó đã hợp lý chưa, là nhiều hay ít mà cần phải thấy rằng, nếu làm được chắc chắn nền công vụ của chúng ta sẽ được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấy.
Có người bảo, không nên định lượng hẳn con số 100.000 người như vậy mà cần phải dựa vào tình hình thực tế ở từng cơ quan, đơn vị để xác định tinh giản biên chế. Ông thấy sao?
Tôi cho rằng, thay vì nói tinh giản biên chế một cách chung chung thì việc đặt ra định hướng như thế có nhiều cái lợi. Khi có mục tiêu định hướng càng cụ thể thì việc thực hiện sẽ càng thuận lợi chứ. Nó cũng cho thấy quyết tâm rằng chúng ta đang từng bước làm trong sạch, nâng cao chất lượng bộ máy công vụ đấy. Dù sao thì việc tinh giản được ngần ấy cũng là một điều đáng mừng rồi.
Nhưng liệu có dẫn đến việc, đáng ra phải tinh giản nhiều hơn 100.000 người song vì mục tiêu chỉ có thế nên người ta sẽ làm “tròn khung”, thưa ông?
Điều đó tôi nghĩ là không đáng lo đâu. Tôi tin rằng sở dĩ cơ quan tham mưu đưa ra con số ấy là vì nó gắn với vấn đề tài chính, để xem ngân sách nhà nước có cân đối được không. Do đó, cần hiểu đây không phải là mục tiêu cứng và cũng không nên bó chặt trong chỉ tiêu này.
Để thực hiện việc tinh giản này, ngân sách sẽ tiêu tốn 8.000 tỉ đồng. Ông có bình luận gì?
Tôi nghĩ đó là cái giá chấp nhận được. Vì nếu để 100.000 người cần phải tinh giản này mà tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước thì nó còn tiêu tốn nhiều hơn do ta phải trả lương cho họ, rồi thì nền hành chính, công vụ tiếp tục yếu kém... Khi ấy, cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều.
|
TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói về tinh giản 100.000 biên chế trong 6 năm tới. |
Có muốn lạc quan cũng khó
Với những điểm mới khi đưa ra được số lượng và đối tượng cụ thể hơn để tinh giản biên chế, ông có tin rằng lần này việc thực hiện sẽ thực sự hiệu quả?
Chưa đâu, nó chỉ là bước đầu tiên thôi. Bởi thực tế cho thấy, việc tinh giản biên chế rất khó và rất nhạy cảm, đối mặt với nhiều rào cản trong công tác cán bộ.
Vì sao đó là vấn đề “rất khó”, “rất nhạy cảm”, thưa ông?
Bởi nó đụng tới vấn đề công ăn việc làm. Thứ hai, nó đụng chạm đến lợi ích của người ta, vì vào công chức tiền lương thấp mà người ta vẫn đổ xô vào thì rõ ràng nó có lợi gì ở đó đấy chứ. Thứ ba là, có những rào cản như tình trạng nể nang do thân quen, không muốn đụng chạm trong quan hệ đồng nghiệp, bảo vệ nhau trong cùng nhóm lợi ích...; trong khi tiêu chí đánh giá cán bộ lại rất khó định lượng và thiếu cơ chế giám sát đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng thực chất cán bộ. Có khi tôi đề nghị anh này vào diện tinh giản, nhưng sau đó có hàng chục cuộc điện thoại gọi đến vì có những mối quan hệ rất phức tạp. Vậy thì tôi dại gì mà làm. Nói chung là không dễ thực hiện đâu.
Nhưng chẳng lẽ, chúng ta đã thực hiện tinh giản nhiều lần rồi mà lại không biết rút kinh nghiệm ư?
Tôi có xem tờ trình dự thảo nghị định này thì thấy chưa rõ nét cách làm gì mới, đặc biệt là chưa thấy rõ có giải pháp nào để giải quyết được những rào cản như tôi đã chỉ ra. Mới chỉ thấy chế độ tăng lên, đối tượng cụ thể hơn nhưng làm thế nào để đánh giá được đúng cán bộ; cơ chế đánh giá, giám sát cơ chế ấy như thế nào thì chưa có.
Vậy nên, ông nghi ngờ tính khả thi của nó?
Tôi có muốn lạc quan thì cũng còn băn khoăn chưa thấy có cơ sở chắc chắn để tin được.
Cần những giải pháp đột phá
Theo ông thì cần làm gì để việc tinh giản lần này khắc phục được những khó khăn, rào cản mà trước đó ta chưa làm được?
Tôi cho rằng cái cốt yếu là phải nghiên cứu, tổng kết nghiêm túc việc thực hiện Nghị định 132 trước đó xem chúng ta đã làm được gì, chưa làm được gì, từ đó mà rút ra bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện lần này. Nhưng tinh giản biên chế chỉ là giải pháp tình huống, tạm thời. Để xây dựng nền hành chính, công vụ hiệu lực, hiệu quả, cần có những giải pháp mang tính đột phá.
Cụ thể, đó là những giải pháp gì, thưa ông?
Tinh giản biên chế phải đặt trong tổng thể của cải cách hành chính. Chúng ta phải xây dựng nền công vụ hiện đại, mạnh, hiệu quả và hiệu lực, gắn với chính sách tiền lương cho công chức trả theo đúng vị trí việc làm, chức danh tiêu chuẩn rõ ràng. Phải đảm bảo bố trí cán bộ, công chức đúng với chức năng, tiêu chuẩn chức danh của vị trí việc làm để nếu vào đó rồi, anh không làm được thì anh bị bật ra ngay. Mình hiện nay mới đang dần đi theo hướng này. Rồi thì ngay từ khâu tuyển chọn cán bộ cũng phải làm cho kỹ, cho tốt, tránh kiểu thi theo hình thức hay chọn người dù thiếu năng lực nhưng vì chỗ thân quen hoặc chạy chọt nên phải lấy vào... Nói chung, phải đồng bộ nhiều khâu mới được.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngoài những đối tượng tinh giản được quy định trong Nghị định 132, dự thảo nghị định lần này bổ sung thêm những người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác; những người có 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Dự kiến, trong tổng số 100.000 người được tinh giản có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi (khoảng 75 triệu/người) và 20% giải quyết thôi việc (khoảng 90 triệu/người).