Chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức xin bắt đầu với câu chuyện anh nông dân Nguyễn Đức Hậu ở Thanh Hà, Hải Dương tự quay các clip thể hiện bài hát, rồi đăng tải trên internet với danh xưng Lệ Rơi đang tạo nên cơn sốt trong một bộ phận giới trẻ, được giới truyền thông săn đón...
Dễ nổi tiếng vì…
- Anh nông dân với danh xưng Lệ Rơi đang tạo nên cơn sốt trong một bộ phận giới trẻ, được giới truyền thông săn đón. Hẳn ông biết câu chuyện này?
Tôi có biết qua báo chí. Cần phải thống nhất với nhau rằng, việc một ai đó làm điều mình thích mà không vi phạm pháp luật hay các chuẩn mực đạo đức, văn hóa như thu âm rồi phổ biến trên mạng internet các bài hát của mình (dù hát có bị cho là dở) là quyền của họ.
- Nhưng vấn đề là giọng hát của anh này không có gì đặc biệt, thậm chí còn phát âm sai chính tả, thế nhưng vẫn nổi tiếng. Có người bảo, đó là sự đảo lộn các giá trị, khi mà cái tốt, cái đẹp ít gây chú ý hơn là những cái dở, cái không hay?
- Tôi không đồng tình với nhận định này. Việc người ta thể hiện cái tôi cá nhân theo cách riêng của mình thì có gì là xấu! Đây không phải là chuyện tung hô cái xấu.
- Nghĩa là việc làm của anh này để thể hiện cái tôi cá nhân?
Xét ở góc độ nào đó thì đúng như thế.
- Vậy ông lý giải sự nổi tiếng này thế nào?
Tôi cho rằng, trong xã hội của ta hiện nay thì hiện tượng này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ thứ nhất, đó là sự bất cập khi đi lên từ văn hóa nông nghiệp. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu của xã hội công nghiệp hóa mà lại tiếp xúc với internet – phương tiện đặc trưng của xã hội hậu công nghiệp hóa - nên chưa có sự thích ứng kịp, dẫn đến việc người ta sử dụng nó một cách tùy tiện, đưa lên mạng bất cứ thứ gì có thể và người ta cũng xúm vào đó mà bàn tán, chỉ trỏ.
Lý do quan trọng hơn là việc xã hội bây giờ có sự bó buộc nên người ta không có khoảng không để thể hiện bản thân, làm điều họ thích. Mọi người có ít chỗ để sáng tạo, không có nhiều cơ hội được nói khác đi, được thể hiện bản thân mình. Trong hoàn cảnh như thế thì bất cứ một hiện tượng thể hiện khác biệt nào cũng dễ trở thành nổi tiếng, tạo được sự thu hút và cũng là nơi lý tưởng để người ta bày tỏ quan điểm mà chẳng sợ bị “truy cứu”.
|
GS.TS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học. |
“Định hướng chân ghế”
- Theo ông, điều gì bó buộc xã hội, khiến xã hội thiếu đi sự sáng tạo, thiếu cơ hội thể hiện bản thân?
Nên nhớ một điều, ở các nước phát triển, từng người, từng tổ chức và cả xã hội rất quan tâm đến sáng tạo và con người được tạo điều kiện để thỏa sức sáng tạo. Còn ở ta thì sao? Hãy nhìn vào chính cuộc sống gia đình mà xem. Cha mẹ thường hỏi tại sao con không nghe lời bố mẹ, tại sao con không làm theo cách này hay cách kia. Khi con cái tìm được cách khác hiệu quả hơn thì chẳng mấy khi được khen ngợi, ngược lại khi con cái có sai lầm thì sẽ bị chì chiết, mắng mỏ với các loại ngôn từ khó nghe.
Trong nhà trường, muốn được điểm cao, trẻ phải làm đúng theo cách thầy cô đã dạy, trẻ không được khuyến khích tìm ra cách mới, cách khác. Người ta làm việc, ứng xử theo kiểu “định hướng chân ghế”, vì thành tích của họ chứ ít quan tâm tới lợi ích thực sự mang lại cho người khác, cho xã hội. Suốt một thời gian dài, chúng ta sống trong những khuôn phép mà nếu ai thoát ra khỏi sẽ bị dị nghị, thậm chí bị tẩy chay. Đó là cách mà ta đã giết chết sự sáng tạo, đồng thời cũng triệt tiêu luôn cả cơ hội thể hiện bản thân của mỗi người.
Giả dối nhan nhản
- Có một thực tế như thế này, đôi khi nhận được sự giúp đỡ từ người xa lạ chỉ vô tình gặp nhau trong thời điểm ấy, tôi cứ có cảm giác (và thấy hối lỗi vì điều này) là... đề phòng người ta, nghi ngờ rằng liệu người ta có giúp mình thật lòng hay chỉ tranh thủ mà móc ví, móc điện thoại của mình.
Tôi hiểu tâm lý này và cho rằng, đó là chuyện không hề hiếm gặp trong bối cảnh mà sự lừa lọc, giả dối nhan nhản khắp nơi.
- Sở dĩ tôi dẫn câu chuyện ấy để thấy rằng, có vẻ như trong một xã hội mà người ta đã quá quen với thói dối trá, lừa gạt thì việc một anh nông dân tự thu giọng hát mộc mạc, chân chất cũng đủ khiến người ta thèm khát, tung hê, ủng hộ, yêu thích?
Đúng thế. Bây giờ, xã hội không thiếu gì chuyện người ta đánh bóng tên tuổi, thực tài chả có nhưng tạo cho mình hàng đống bình phong với những chức tước, bằng cấp để lòe thiên hạ. Vậy nên bất cứ sự mộc mạc, chân thành, chân thật nào cũng là của hiếm mà mọi người thèm khát. Việc anh chàng nông dân kia nổi tiếng cũng có một phần nguyên nhân này.
Thân quen, quyền uy thế chỗ sáng tạo
- Một xã hội mà ở đó người ta bị hạn chế công khai bày tỏ chính kiến, hạn chế bộc lộ cái tôi thì phải chăng đó là một xã hội thiếu lành lặn, không bình thường?
Đúng thế. Nếu được giải tỏa, người ta được quyền lên tiếng, được thể hiện cái tôi thì làm gì có chuyện một người dân tự thu âm giọng hát của mình đăng lên mạng, hát không hay lại là tâm điểm của sự chú ý đến thế.
- Ông làm tôi gợi nhớ đến khái niệm “cởi trói tư duy”.
Đó là điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây. Sẽ không thể có được sự phát triển hài hòa, bền vững nếu như chúng ta cứ mãi tiêu diệt sự sáng tạo, hạn chế môi trường thể hiện cái tôi. Ở ta, thân quen đang thế chỗ cho sự sáng tạo. Nếu như một người giỏi mà không có ô dù, không quen biết thì khó có cơ hội được trọng dụng. Chúng ta chưa có cơ chế trọng dụng người giỏi, người tài trong thực tế; có thể ta đã có chính sách nhưng điều đó mới chỉ được ghi trong văn bản.
- Nhưng “cởi trói” bằng cách nào?
Tôi cho rằng, cái quan trọng không phải là trông chờ những nhà điều hành, quản lý sẽ có cách điều hành, quản lý cởi mở, mà phải có cơ chế để những người cởi mở vào đội ngũ những nhà quản lý. Hơn thế nữa, người có quyền phải biết lắng nghe. Nhà quản lý phải biết lắng nghe người dưới quyền, tôn trọng họ và nhu cầu của họ. Cha mẹ phải biết lắng nghe con cái, phải biết đứng vào vị thế con cái để “nghe” cái cảm xúc, cái thất vọng của chúng. Người thầy phải biết đóng vai người học bị sai bảo, bị tuân thủ để thấy cái buồn chán, cái ít giá trị của sự giáo điều. Biết lắng nghe góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội.
- Làm được như thế đồng nghĩa với việc sự chân thật trong xã hội không phải chỉ đến từ... giọng hát của một anh nông dân?
(Cười) Đúng vậy. Khi đó, chắc chắn sự sáng tạo sẽ được phát huy, cái tôi cá nhân được khuyến khích thể hiện thì những câu chuyện như anh nông dân tự thu giọng hát của mình sẽ không còn là chuyện cá biệt gây xôn xao dư luận nữa. Nhưng ngày đó không phải đến ngay trong nay mai mà cần cả một quá trình, cần sự thay đổi văn hóa.
Trân trọng cảm ơn ông.
Kết quả “Điều tra giá trị thế giới” mà Viện Nghiên cứu Con người tiến hành hai vòng vào những năm 2001 và 2007 cho những kết quả đáng suy nghĩ. Trả lời cho câu hỏi ông (bà) muốn con mình có những phẩm chất nào sau đây: Vâng lời, chăm chỉ, độc lập, sáng tạo… kết quả là gần 80% lựa chọn phẩm chất vâng lời, chăm chỉ, khoảng 50% lựa chọn phẩm chất độc lập, trong khi đó chỉ có 27% (vòng điều tra 2001) và 17% (vòng điều tra 2007) số người lựa chọn tính sáng tạo”, theo GS.TS Phạm Thành Nghị.