"Với vị trí của bãi đỗ xe này sẽ rất khó để người ta từ bỏ thói quen đỗ xe ở vỉa hè"
- Trao đổi với Kienthuc.net.vn, Ông Tạ Đình Thắng, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng vận tải công cộng (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết việc xây dựng gara này là công trình thí điểm phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2020. Địa điểm này đã được Sở Kiến trúc, sở Giao thông Vận tải Hà Nội chấp nhận.
Tuy nhiên, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng: “Đồng ý với việc thiếu chỗ đỗ xe nhưng phải bố trí ở vị trí nào mới phù hợp. Người ta đỗ ở Nguyễn Công Trứ để đi vào đâu?”
Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, vấn đề không phải cứ tăng chỗ đỗ xe là được. Cần phân biệt chỗ đỗ xe đó dành cho những cá nhân có xe hay để phục vụ công cộng, cho những xe vận hành lưu thông vào nội đô.
“Bây giờ phải xác định chức năng của bãi đỗ xe, kiểm tra lại để thấy xem xây dựng có xứng đáng hay không. Ví dụ các nơi công cộng từ trước vẫn thiếu chỗ đỗ xe thì bây giờ làm thêm bãi đỗ, qua đó giúp không gây ách tắc khu vực xung quanh. Nhưng nếu như chỉ là mang tính chất kinh doanh để những người có xe đến gửi đấy rồi đi thì cần phải xét lại”.
|
Xây dựng bãi đõ xe tại Nguyễn Công Trứ đã hợp lý? |
“Với vị trí của bãi đỗ xe này sẽ rất khó để người ta từ bỏ thói quen đỗ xe ở vỉa hè. Giá tiền 30.000/lượt để làm gì ở khu vực này? Người ta đỗ ở Nguyễn Công Trứ để vào đâu? Trong khi đó có rất nhiều chỗ khác thì đang rất cần”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Cũng theo ông, cần phải bố trí bãi đỗ xe một cách hợp lý, ví dụ như xung quanh đường Hùng Vương, khu vực Hồ Gươm, là các khu vực đi bộ thì mới phát huy tác dụng, tác động lớn. Xây dựng các bãi đỗ xe phải nằm trong quy hoạch chung của tổng thể giao thông để đúng các vị trí cần thiết.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Chúng ta đã có quy hoạch năm 1994, sau đó năm 2004 là điều chỉnh quy hoạch. Gần đây lại có điều chỉnh quy hoạch lần nữa. Như vậy có thể thấy một là quy hoạch chất lượng chưa cao, hai là quản lý điều hành không theo đúng mong muốn chuyên ngành”.
“Cấp thẩm quyền duyệt quy hoạch rồi chính họ lại đặt vấn đề điều chỉnh. Vậy cần xem xét lỗi ở đây của ai? Vì sao thông qua quy hoạch rồi mà cứ phải điều chỉnh quy hoạch liên tục như vậy?”.
“Như vừa rồi người ta còn định đặt cả bãi đỗ xe trong công viên, cạnh Văn Miếu khiến người dân phản đối. Bởi vì chúng ta đang thiếu cây xanh. Nhìn ở góc độ của bãi đỗ xe thì thấy cần xây bãi đỗ ở đó nhưng nhìn ở góc độ cây xanh thì chúng ta thấy mật độ cây xanh thì nội thành phố Hà Nội hiện nay chỉ có 1,09m2 cây xanh/người. Chúng ta còn đang phấn đấu lên 5m2 cây xanh/người mà lại lấy cây xanh làm bãi đỗ xe là đánh mất danh hiệu “thành phố thân thiện”, “thành phố xanh”.
“Nhiều công trình đặt ra việc thu hồi vốn còn lâu hơn cả 47 năm. Đặt ra thời gian như vậy để thấy rằng đó là vì lợi ích chung. Thông thường đối với các dự án người ta chỉ đặt ra vấn đề thu hồi vốn trong khoảng 20 năm đổ lại. Nhưng đối với bãi đỗ xe này thì thế, thậm chí trong TP. HCM có bãi đỗ xe tính thu hồi vốn là gần 100 năm để xin kinh phí ưu đãi”.
[links()]
Vũ Chương