Đây là những ý kiến đóng góp của độc giả gửi về tòa soạn khi bài viết "Dạy con tự vệ khi gặp bạn đầu gấu" được đăng tải.
- Đây là những ý kiến đóng góp của độc giả gửi về tòa soạn khi bài viết "Dạy con tự vệ khi gặp bạn đầu gấu" được đăng tải.
|
Ảnh minh họa. |
Bạn đọc Bùi Minh Thảo (Hà Nội) cho rằng: Trước sự việc trẻ đánh nhau, cha mẹ, thầy cô chỉ cần nói cho các cháu biết, đánh nhau là hành động không được chấp nhận và yêu cầu cả hai không được tiếp tục nữa. Mọi người phải biết tạo ra không khí hoà hoãn, thoải mái, yêu thương nhau giữa các trẻ.
Không nên bênh con mình. Cần phân tích cho trẻ thấy tác động sau cuộc ẩu đả như: Làm tổn hại đến bạn ra sao, ảnh hưởng đến bạn như thế nào và hỏi trẻ nếu mình bị rơi vào trường hợp như trên thì sẽ nghĩ ra sao. Nếu ngăn chặn được điều này thì sau này sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực học đường.
Để xử lý tốt điều này, cha mẹ và học sinh hai bên cần có cuộc gặp gỡ giữa hai học sinh đánh nhau và phụ huynh của hai cháu để từ đó tìm ra hướng giải quyết. Nếu chỉ giải quyết từ một phía, thì sẽ khó đi đến cách giải quyết ổn thoả.
Theo chuyên gia Tâm lý Nguyễn Mạnh Hoàng, CLB Bồi dưỡng Kỹ năng mềm, để dạy con biết bảo vệ bản thân, trước hết cha mẹ cần bình tĩnh, tránh tâm lý "xót con" mà nổi xung lên, tìm đến tận nơi để "trừng phạt" hay đe dọa bạn kia hoặc dạy con cách trả thù. Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, hỏi han xem con có vấn đề gì với các bạn ở lớp hay không. Khi con có rắc rối với bạn nào đó, hãy lắng nghe để hiểu vấn đề của con. Tuyệt đối tránh phê phán, chê bai con kém cỏi vì để bạn bắt nạt. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ, khiến trẻ cảm thấy mình thực sự kém cỏi và càng trở nên tự ti hơn.
MT