Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, việc dừng thí điểm Tập đoàn VNIC và Tập đoàn HUD là "hợp lý và sáng suốt".
- Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định dừng thí điểm Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD). Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, việc dừng thí điểm này là "hợp lý và sáng suốt". Tuy nhiên, việc giao cho Bộ Xây dựng quản lý không có nghĩa là đã xong.
Nói đó là thất bại thì nặng nề quá!
Bà nhìn nhận thế nào về quyết định dừng thí điểm hai tập đoàn xây dựng của Thủ tướng Chính phủ mới đây?
Tôi cho rằng, việc dừng thí điểm hai tập đoàn này là một quyết định hợp lý, sáng suốt của Thủ tướng. Nó mang dấu hiệu tích cực, có thể coi là bước đệm để Chính phủ giảm các tập đoàn xuống còn 5 - 7 như chủ trương trước đó. Việc đó nên ủng hộ.
Phải chăng, việc dừng thí điểm này cho thấy Chính phủ đã thừa nhận thất bại?
Nói rằng đó là một sự thất bại thì nặng nề quá. Thí điểm không thích hợp nữa thì dừng lại cũng là bình thường, đó là việc tốt vì nếu cứ tiếp tục sẽ kéo theo những hệ lụy, những sai phạm khác.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền |
Không phải cứ thua lỗ là đáng lo
Nghĩa là, với những tập đoàn không phát huy hiệu quả như mong đợi, làm ăn thua lỗ khác cũng đã đến lúc cần phải dừng thí điểm?
Như tôi đã nói, thí điểm không thích hợp thì phải dừng lại. Tuy nhiên, dừng lúc nào, với tập đoàn nào đòi hỏi Chính phủ phải tính toán, cân nhắc, lựa chọn. Thêm nữa, đừng cứ nhìn vào việc thua lỗ của tập đoàn mà lo ngại này nọ. Thực tế, không phải tập đoàn làm ăn thua lỗ nào cũng đáng lo.
Sao lại vậy, thưa bà?
Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm có sự cạnh tranh, các nước không đặt chuyện lãi lên hàng đầu, bởi nó phải có sự cạnh tranh, có lỗ, có lãi và phải tự chịu trách nhiệm. Ở ta cũng đã cho xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, tự định giá. Như vậy, khi kinh tế thế giới khó khăn thì doanh nghiệp cũng lỗ chứ, cứ bắt họ phải có lãi là vô lý. Không phải cứ thấy làm ăn thua lỗ là lại phải xóa bỏ, dừng thí điểm tập đoàn ngay được.
Thế còn việc tập đoàn thua lỗ do đầu tư ngoài ngành, thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng, sao lại không đáng lo được chứ?
Cái đó là do cơ chế, do còn buông lỏng quản lý đấy chứ. Muốn khắc phục thì phải điều chỉnh, thay đổi từ cơ chế, chính sách.
Hiện, tôi cảm tưởng các doanh nghiệp Nhà nước đang được "cầm tay chỉ việc". Muốn làm gì doanh nghiệp cũng phải trình báo, đợi cấp trên họp bàn, thông qua thì hỏng rồi, cơ hội nó vụt mất, thua lỗ là phải. Tại sao một ông bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Công thương lại suốt ngày chỉ đi lo giá xăng, giá nhà, giá điện? Đấy không phải là trách nhiệm của họ mà họ phải lo sự cạnh tranh cho cả nền kinh tế, lo ở cấp quốc gia chứ! Chính phủ cũng phải lo những cái vĩ mô chứ sao lại phải lo chuyện hoạt động của mấy tập đoàn?
Thêm nữa, cơ chế của ta từ mấy chục năm qua là hình thành nên những doanh nghiệp Nhà nước độc quyền. Sự độc quyền đó có hại cho nền kinh tế nhưng không thể ngay một lúc mà khắc phục được.
Nghĩa là, sự tồn tại của các tập đoàn Nhà nước như thế đã không còn phù hợp?
Doanh nghiệp Nhà nước là công cụ quản lý của Nhà nước trong điều kiện kinh tế thị trường có những bất cập. Hầu như nước nào cũng có doanh nghiệp Nhà nước, thế nhưng nó chỉ để bổ sung, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường thôi. Một khi thị trường có đủ sức cạnh tranh thì sẽ tư nhân hóa. Doanh nghiệp Nhà nước không phải là bất biến. Để xóa bỏ thế độc quyền cần phải có thời gian.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ các tập đoàn kinh tế Nhà nước thua lỗ là do chúng ta chưa có một Bộ chuyên trách để quản lý. Bà thấy sao?
Thực ra, việc này đã được đề cập từ lâu rồi, nhưng không thực hiện. Tôi cho rằng cũng không nên làm như thế. Chúng ta đang muốn nó gọn nhẹ đi, nay thành lập thêm một Bộ nữa sẽ làm cho nó phình ra, rất cồng kềnh.
Bảo đắt hay rẻ thì cũng khó!
Để đưa ra quyết định này, Chính phủ phải mất hai năm thực hiện thí điểm, trong thời gian ấy chỉ riêng Tập đoàn Sông Đà - công ty mẹ của Tập đoàn VNIC sai phạm hơn 10.000 tỷ đồng, (kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hồi tháng 4 vừa qua). Theo bà, đó có phải là một cái giá "đắt"?
Khi chúng ta tiến hành thí điểm thì cần phải có thời gian để kiểm chứng xem nó có hiệu quả hay không. Sự thất thoát ngân sách do sai phạm ấy là lớn, nhưng bảo đắt hay rẻ thì cũng khó! Quan trọng nhất là Chính phủ đã nhận ra và có những điều chỉnh kịp thời. Chắc chắn, thời gian đó cũng cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý báu trong quản lý kinh tế rồi.
Cùng với việc dừng thí điểm, Thủ tướng cũng chuyển các công ty con thuộc hai tập đoàn này về Bộ Xây dựng. Bà thấy sao?
Việc giao cho Bộ Xây dựng thực hiện quản lý như thế là hoàn toàn tích cực vì giảm bớt gánh nặng cho Thủ tướng để Thủ tướng tập trung điều hành Chính phủ. Thứ nữa, tính chất và nội dung kinh doanh của những tổng công ty đó cũng là hợp chuyên môn với Bộ. Còn khả năng, trình độ của lãnh đạo Bộ thì cần phải cân nhắc.
Bà hồ nghi về năng lực lãnh đạo của Bộ?
Nhìn những động thái gần đây như việc Bộ rất vất vả với thị trường bất động sản, thứ trưởng Bộ phải nhiều lần kêu gọi nới lỏng tín dụng để "cứu" thị trường này thì rõ ràng, việc quản lý thêm này cũng là một gánh nặng với Bộ. Người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ về năng lực quản lý, lãnh đạo này. Tuy nhiên, tôi tin là Chính phủ đã có những điều chỉnh, thay đổi để giúp Bộ rồi. Cũng không thể cứ nói là sợ họ không đủ khả năng quản lý, lãnh đạo mà không giao cho họ được. Và cũng không phải cứ giao cho Bộ là xong đâu.
Nếu chưa "xong" thì cần phải làm tiếp những gì, theo bà?
Căn cơ phải là cổ phần hóa, giảm vai trò của Nhà nước trong kinh doanh những mặt hàng có tính cạnh tranh. Phải thay đổi lại cơ chế, chính sách, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Phải làm sao để một ông bộ trưởng tài chính, bộ trưởng công thương không còn phải lo giá xăng, giá nhà ở, giá điện nữa. Nghĩa là, phải để Chính phủ lo vĩ mô, các bộ lo tầm quốc gia, doanh nghiệp lo cạnh tranh, lo vươn ra thị trường thế giới chứ không phải cứ thấy doanh nghiệp ốm yếu là Nhà nước ôm vào như hiện nay.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Ngày 2/10, Chính phủ ký quyết định dừng thí điểm hình thành Tập đoàn (TĐ) Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và TĐ Phát triển nhà và đô thị (HUD). Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng thành lập Tổng Công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - TĐ Sông Đà và các đơn vị thành viên trước kia. Thành lập Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ - TĐ HUD.
Đồng thời, chuyển các Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam từ 2 TĐ trên về Bộ Xây dựng.
|
Vũ Thủy (Thực hiện)
[links()]