GS.TS Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật Thủ đô.
-
Trò chuyện với phóng viên về việc dự thảo Luật Thủ đô, trong đó có bàn đến chuyện hạn chế nhập cư, GS.TS Nguyễn Lân cho rằng: "Vấn đề nhập cư là vấn đề phải quan tâm chứ không phải là mục đích duy nhất của việc xây dựng Luật Thủ đô. Tạo ra sự hấp dẫn hơn để thu hút người dân, đó mới thể hiện cái tài, vai trò của người quản lý, của người làm quy hoạch".
Ai cũng có thể là người Hà Nội
Trong dự thảo Luật Thủ đô công bố ngày 2/7/2012, điều kiện quản lý dân cư nội thành đã chi tiết, chặt chẽ hơn so với dự thảo trước đó (6/2012). Điểm nổi bật là nâng thời hạn tạm trú liên tục từ 2 năm lên 3 năm. Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú nhằm tránh tình trạng công dân tạm trú một nơi nhưng lại đăng ký thường trú một nẻo, gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Đồng thời, người muốn đăng ký thường trú phải có thu nhập bảo đảm cuộc sống hoặc có việc làm ổn định nếu đang trong độ tuổi lao động. |
Quan điểm của ông như thế nào về việc siết chặt điều kiện cư trú với dân ngoại tỉnh muốn sinh sống ở Thủ đô?
Theo Hiến pháp, người dân có quyền cư trú ở mọi nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam. Vấn đề quá tải của Thủ đô cần phải có giải pháp, nhưng dùng cách nào thì còn phải xem xét.
Liên quan đến vấn đề cư dân ngoại tỉnh hay người Hà Nội gốc, gần đây trên một số diễn đàn mạng có tranh luận về vấn đề người ngoại tỉnh nhập cư tràn lan biến Thủ đô thành một đô thị hỗn tạp, ông nghĩ sao về điều này?
Đặt vấn đề như vậy sẽ gây sự chia rẽ rất lớn. Xây dựng Hà Nội phát triển là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Nên nhớ đây là Thủ đô, ai là người Việt Nam cũng có trách nhiệm với nó. Tất cả những người nào có công lao đóng góp cho Hà Nội thì đều xứng đáng là công dân Hà Nội. Đơn giản thế thôi.
Nói như vậy thì nghĩa là dù anh có sinh ra ở Hà Nội mà anh không làm việc, không đóng góp cho Hà Nội thì anh cũng đừng nhận mình là người Hà Nội?
Đúng vậy. Đừng vỗ ngực ta đây là người Hà Nội gốc khi không giúp ích gì cho sự phát triển của Hà Nội.
Thế nhưng rõ ràng Hà Nội đang là Thủ đô chịu quá nhiều áp lực từ việc tăng dân số nhanh mà hạ tầng thì không theo kịp, đó là lỗi của ai thưa ông?
Đó là quy luật tự nhiên của sự phát triển. Nơi nào có nhiều việc làm, kiếm tiền tốt, dịch vụ tốt, văn hóa tốt... thì nơi đó thu hút người ta đến làm việc. Cái sức hút của thủ đô rõ ràng là đã và đang rất lớn.
|
Thành phố Hà Nội vẫn sẽ là "đô thị hạt nhân trung tâm" của Vùng Thủ đô Hà Nội. |
Trong phố, bán vài cái mũ cũng đủ sống
Hạn chế dân nhập cư theo ông có phải là một giải pháp tốt cho Thủ đô?
Không ai có thể bắt người ta phải sống ở chỗ này hay chỗ khác. Người làm lãnh đạo phải tạo ra môi trường để lôi kéo tự nhiên người ta đến với môi trường đó. Bây giờ Hà Nội đang rất cần phát triển, đang rất cần những nhà khoa học, nhà trí thức, doanh nhân, công nhân... để làm thế nào xây dựng Hà Nội tốt hơn. Vì thế, phải xây dựng những điểm thu hút mới để người dân cảm thấy thích ở những khu đó hơn là vào nội thành.
Nghĩa là giải pháp dãn dân ra ngoại thành như trước đây ta vẫn nói?
Khi tôi đến Bantimo (Mỹ), tôi thấy dân ở đây bỏ hết phố cổ để ra ngoại thành sống. Ngoại thành là một cảng mới, một đô thị sầm uất và tiện nghi, ai cũng thích ở. Chính quyền ở đây ra sức thuyết phục mà người dân không chịu vào khu phố cổ ở. Có lẽ đó cũng là bài học cho Việt Nam.
Áp dụng điều đó vào Việt Nam liệu có quá khó?
Nếu anh tạo ra một nơi ở mà có đầy đủ các dịch vụ, việc làm, an sinh xã hội, thì chẳng ai dại gì mà chui vào nội đô đông đúc chật chội. Tất nhiên, để làm được điều này thì phải có thời gian và đầu tư nhiều tiền của.
Thực tế thì việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh cũng đã được triển khai từ lâu, nhưng người ta vẫn cứ đổ vào nội thành?
Hà Nội hiện nay có thực trạng là nhiều khu đô thị mới không ai đến. Người ta mua nhà để đấy và vẫn trở lại chen chúc sống ở nội thành. Vì ở nội thành, họ sống được, làm ăn được. Mỗi ngày chỉ bán vài cái mũ, vài đôi giầy là người ta sống được rồi. Ra ngoài kia thì người ta biết làm gì, hàng hóa bán cho ai? Ta xây khu đô thị nhưng lại chưa tạo được sự hấp dẫn ở những khu đó.
|
GS.TS Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam. |
Anh dí súng vào thì người ta phải chịu thôi
Như ông nói thì rõ ràng đến nay ta chưa thể xây dựng được những điểm hút từ các khu đô thị ngoài thành. Chưa làm được thì tạm thời cứ cấm đã, ông thấy sao?
Đã cấm là anh yếu thế. Anh cấm là vì không quản được. Đương nhiên luật lệ thì phải có cấm cái này quản cái kia, nhưng cấm là dân sẽ không phục. Cấm nghĩa là đã hết cách rồi.
Dường như ông cho rằng cái sự cấm ấy đi cùng với sự mờ nhạt của vai trò lãnh đạo, quy hoạch?
Đúng vậy. Trong những hoàn cảnh như vậy người ta mới lãnh đạo chứ. Còn nếu dùng luật, đưa ra quy định để bắt dân phải tuân theo thì quá đơn giản. Anh có công an trong tay, anh dí súng vào người ta thì người ta phải chịu thôi. Mà nếu chỉ cần có thế, thì ai chẳng làm được lãnh đạo.
Người lãnh đạo phải biết cái gì là chính, phụ
Những giải pháp, những yếu kém ông vừa chỉ ra tôi nghĩ rằng không phải họ không biết?
Thực ra người ta cũng học nhiều, đọc nhiều, đi nhiều nhưng "cái khó bó cái khôn". Ví dụ, giờ nếu có tuyến tàu điện ngầm thì sẽ giải quyết vấn đề ách tắc giao thông nhưng tiền đâu mà làm? Mỗi km đường ngầm tốn biết bao nhiêu là tiền trong khi đó trường học vẫn thiếu, bệnh viện vẫn quá tải, thì phải ưu tiên đầu tư cái gì trước chứ. Hoàn cảnh nó như vậy chứ không phải muốn như vậy hay người ta không biết. Người ta biết chán đấy, nhưng giờ làm thế nào đây khi không có tiền? Ai cũng biết xe buýt tốt, tàu điện ngầm tốt, đường trên cao tốt, nhưng không có tiền để làm thì phải chịu thôi.
Nói như vậy thì chẳng lẽ ta lại cứ mãi như thế này thưa ông?
Chúng ta đang phát triển dựa vào thực lực của mình. Làm ra của cái vật chất, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Nhưng trong tình cảnh hiện nay của ta thì buộc phải cái khó ló cái khôn, cố gắng khắc phục để đi lên dần dần. Cho nên đòi hỏi người lãnh đạo trong từng thời kỳ biết được cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là chưa cần thiết, cái gì là đi đúng, cách làm thế nào... Đòi hỏi mọi người phải suy nghĩ, động não, góp phần làm thế nào để phát triển thì mới bền vững được.
Nên biết mình là ai, đứng ở đâu và mình phải làm gì. Đừng ảo tưởng quá. Có những người đi nước này nước kia và tự hỏi sao người ta văn minh thế, nhưng nên nhớ họ đi trước ta hàng nghìn năm chứ không phải vài năm. Tôi đi sang phố cổ của Tiệp Khắc, của Anh… nó rất đẹp, nhưng từ khi họ rất phát triển thì đất nước của mình vẫn đang chìm đắm trong ách đô hộ. Ta phải luôn luôn quý trọng cái gì ta đã có và đang có, phải làm gì để tương lai tốt hơn chứ đừng nhìn lệch lạc để rồi than thở mãi. |
Xin cảm ơn ông!
Tô Hội (Thực hiện)