Phê phán không có nghĩa là “mạt sát” nghề sư phạm

Google News

"Nếu việc thầy cô giáo nhận phong bì của học sinh hàng chục triệu là có thật, thì đó cũng chỉ là những "biến dị" rất nhỏ của ngành giáo dục..."

- Thày Nguyễn Văn Hòa - giáo viên trường THPT Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng, Nam Định): “Nói giáo viên hiện nay chỉ chăm chú nhận phong bì của học sinh là không đúng. Nói thế là xúc phạm người thầy. Nếu nghề giáo nhanh giàu thì sao không ai chọn thi sư phạm?”.

Thầy Nguyễn Văn Hòa: "Nói giáo viên hiện nay chỉ chăm chú nhận phong bì của học sinh là không đúng".

Thày Hòa cho rằng: “Hiện nay, nhiều người cho rằng việc nhận phong bì, quà cáp biếu xén vào các ngày lễ, tết của các thày cô giáo đang trở nên phổ biến, thậm chí thành “vấn nạn” của ngành giáo dục, thậm chí có người còn bảo đã tới mức gần như “xã hội hóa”. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, chúng ta cũng nên nhìn nhận vấn đề trên cặn kẽ một chút”.

Thày Nguyễn Văn Hòa tâm sự: “Tôi đọc trên các trang báo mạng thấy đưa tin ngày 20/11 thầy X nhận phong bì hàng mấy chục triệu mỗi chiếc, thu nhập của cô Y sau ngày 20/11 còn hơn cả số tiền lương đi dạy cả năm,… mà “hoảng” quá. Nói thật là người trong nghề, nhưng tôi cũng chưa từng ở đâu mà giáo viên có thu nhập “khủng” chỉ sau một ngày như thế cả.

Nếu có những trường hợp thày, cô giáo nhận tiền phong bì của học sinh như thế theo tôi nên tự giác ra khỏi ngành hoặc chuyển sang làm nghề khác, như đi buôn chẳng hạn vì với sư phạm thì đó là điều không thể chấp nhận được, đáng hổ thẹn với lương tâm và đồng nghiệp.

Nếu việc thầy cô giáo nhận phong bì của học sinh hàng chục triệu là có thật, thì đó cũng chỉ là những “biến dị” rất nhỏ của ngành giáo dục, là những “ca” đặc biệt, nó chỉ như “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải là tất cả.

Không phải thầy cô giáo nào cũng nhận phong bì của học sinh.

Nói giáo viên hiện nay chỉ chăm chú nhận phong bì của học sinh là không đúng. Nói thế là xúc phạm những người thày. Sao không nhìn rộng ra xung quanh còn biết bao nhiêu người thày, người cô vẫn đang còn phải chật vật với cuộc sống hằng ngày vì đồng lương eo hẹp mà vẫn yêu nghề, yêu trò, cố gắng hết mình vì sự nghiệp giáo dục?

Và sao không thử đặt ra câu hỏi ngược lại: Nếu cho rằng làm giáo viên dễ kiếm tiền và nhanh giàu thì sao rất ít phụ huynh “định hướng” cho con cái mình làm hồ sơ dự thi vào các trường sư phạm? Thực tế là hiện nay các trường sư phạm rất ít thí sinh đăng ký dự thi vì… sợ thất nghiệp khi tốt nghiệp ra trường”.

Thày Nguyễn Văn Hòa cho biết, đời sống của giáo viên hiện nay dù có được cải thiện nhưng vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là những giáo viên trẻ. Có những giáo viên trẻ đi dạy hợp đồng chỉ lương ba cọc ba đồng mà không có bất kì nguồn thu nhập nào khác.

Cũng theo thày Nguyễn Văn Hòa, việc phê phán, lên án những hành vi tiêu cực trong nghề giáo là cần thiết, bởi qua đó sẽ giúp cho môi trường sư phạm được trong sạch và tốt đẹp hơn. Nhưng phê phán không có nghĩa là “mạt sát” nghề sư phạm, càng không thể lấy vài trường hợp “cá biệt” của mặt trái tiêu cực để rồi “khái quát hóa” thành “điển hình chung” cho toàn ngành giáo dục được, đó là sai lầm.

Tuấn Linh

Bình luận(0)