Nguy cơ “lạm phát” chức danh giáo sư

Google News

Theo TS Vũ Thị Phương Anh, Thông tư sửa đổi của Bộ GD&ĐT là cần thiết, song phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không nảy sinh tiêu cực.

- Từ tháng 10/2012 hiệu trưởng các trường đại học căn cứ nhu cầu, xét đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của hội đồng khoa học đào tạo của cơ sở giáo dục đại học để ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS cho các nhà giáo có đủ điều kiện.
 
Theo TS Vũ Thị Phương Anh, Thông tư sửa đổi của Bộ GD&ĐT là cần thiết, song phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để không nảy sinh tiêu cực.

Sẽ tạo ra sự lộn xộn lớn

Quan điểm của bà thế nào về việc giao cho các trường được quyền chủ động bổ nhiệm chức danh GS, PGS?

Quy trình hiện nay (trước khi sửa đổi) là Hội đồng cơ sở (tại các trường) đứng ra tổ chức xét hồ sơ, nếu được thông qua thì gửi lên hội đồng quốc gia để công nhận. Thế là xong.
 
Bây giờ có thêm khâu bổ nhiệm ở trường nghĩa là sẽ có sự phức tạp hơn. Giả sử có một người được công nhận ở cấp quốc gia rồi nhưng sau đó khi về trường lại không được bổ nhiệm vì lý do gì đó thì có công nhận họ là GS, PGS hay không? Hơn nữa, mỗi trường một quy chuẩn, một chất lượng riêng, thì các chức danh này sẽ có giá trị khác nhau dựa trên tên trường họ được bổ nhiệm. Điều này sẽ tạo ra sự lộn xộn lớn.

Cụ thể, sự lộn xộn đó như thế nào ạ?

Trước mắt, sẽ có việc "kỳ thị" nơi bổ nhiệm. Chẳng hạn, giáo sư phải từ trường A, trường B mới có giá, còn trường C, trường D thì không ai xem ra gì. Giống như hiện nay người ta kỳ thị bằng tại chức, liên thông. Nhưng hậu quả lâu dài thì nặng nề hơn nhiều: Trước khi bị kỳ thị, những giáo sư chất lượng thấp đó cũng sẽ được đối xử như các giáo sư thực thụ. Tức ngồi ở các hội đồng và ra những quyết định về chuyên môn mà có thể có ảnh hưởng lên cả một thế hệ. Ngoài ra, với những giáo sư như vậy thì bộ mặt giáo dục của đất nước đối với thế giới sẽ bị giảm sút một cách đáng kể.

Có người cho rằng, ở một số ngành hiện nay đang thừa rất nhiều tiến sĩ do hệ quả của chính sách. Không biết với PGS, GS thì sẽ như thế nào?

Tôi phải khẳng định rằng có rất nhiều ngành đang lạm phát tiến sĩ. Cái này là do chính sách không phù hợp với thực tế. Việc phát triển ồ ạt hay dễ dãi hóa quy trình bổ nhiệm GS, PGS thì cũng sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát GS, PGS trong tương lai. Vì thế, cần phải có một lộ trình phù hợp với công cụ kiểm soát chặt chẽ.

Khi dư luận cũng đặt câu hỏi về trình độ thực của những "tiến sĩ giấy" thì người ta cũng có quyền lo lắng về GS, PGS giấy?

Bởi thế mà cần có những hội đồng xét chức danh với những con người thực sự có năng lực và xứng đáng; có các tiêu chuẩn rõ ràng và quy trình xét duyệt minh bạch, công khai. Cần có cơ chế giám sát và những trường hợp lạm quyền phải được xử lý nghiêm.

Vậy việc giao quyền bổ nhiệm cho các hiệu trưởng vào thời điểm này có hợp lý?

Hợp lý và cần thiết nếu có cơ chế giám sát, chế tài hiệu quả.

TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
TS Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Có năng lực thì bị "dính" vào quản lý

Vì sao cùng là chức danh GS, PGS nhưng đa số các nước phát triển họ không công nhận trình độ này ở Việt Nam? Còn ngược lại, người đã là GS ở nước ngoài thì về nước rất được trọng vọng?

GS, PGS của mình chưa được thừa nhận chủ yếu vì hoạt động nghiên cứu khoa học của mình chưa theo chuẩn quốc tế. Một trong những yêu cầu quan trọng là các kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, nơi quy trình phản biện kín, các bài báo được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt và khách quan.
 
Ngoài ra, do các trường đại học của chúng ta ít có cơ hội hợp tác với những chuyên gia hàng đầu thế giới nên các hoạt động của chúng ta giả dụ nếu nơi nào có chất lượng tốt thì cũng ít người biết đến.

Số lượng người được phong hàm GS, PGS hàng năm rất nhiều nhưng vì sao chất lượng giảng viên trong các trường đại học vẫn chưa được nâng cao?

Đó là do có nghịch lý. Số người có năng lực khoa học ở các trường đại học của chúng ta không nhiều. Thế nhưng, những người thực sự có học vị, năng lực, học tập từ các nơi trên thế giới về nước lại thường được/bị "dính" vào công tác quản lý.
 
Trong đó có rất nhiều công việc chẳng liên quan gì đến chuyên môn đã được đào tạo. Nhưng nếu không làm quản lý thì cũng khổ, vì như thế mình sẽ chẳng có cơ hội gì (dù rất ít ỏi) để có tiếng nói hoặc đưa ra những quyết định có thể sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển của một ngành.

Nghĩa là một GS, PGS thông thường thì ít có quyền, có tiếng nói trong một cơ quan?

Nói tóm gọn trong một câu: ở Việt Nam GS, PGS và cả các nhà quản lý nữa, dường như có quá ít quyền hành về mặt chuyên môn. Mọi thứ đều bị vướng víu cơ chế với các quy định lỗi thời và đôi khi rất bất hợp lý.

Tôi quyết không xin phong GS, PGS nữa!

Bà đã được công nhận là GS, PGS chưa?

Tôi đã từng làm đơn xin xét phó giáo sư vào năm 2004. Tôi bị hội đồng cơ sở đánh rớt. Tôi đã đến gặp người có trách nhiệm (thư ký hội đồng) để hỏi như sau: "Tôi cần biết lý do tại sao, chỉ để biết, không khiếu nại". Câu trả lời tôi nhận được khá mơ hồ, lúng túng. Tôi không hỏi nữa.

Đến giờ thì bà đã biết câu trả lời?

Sau sự việc đó, nhiều người trách tôi là "không biết việc". Để được công nhận GS, PGS thì phải lo từ khâu chấm điểm công trình. Nếu định làm GS, PGS ngành này, ngành khác thì phải liên hệ với người nọ, người kia để người ta chỉ cho.
 
Tất nhiên điều ấy đối với tôi là không thể chấp nhận được. Và tôi đã quyết định không bao giờ xin phong GS, PGS nữa. Vì thế mà đến nay tôi vẫn chỉ là tiến sĩ thôi. Dù tôi đã có bằng tiến sĩ 15 năm nay. Và không phải là không có những công trình nghiên cứu, hoạt động trong ngành.

Vậy là quy trình bổ nhiệm hiện tại đang tồn tại những tiêu cực?

Tôi không mấy tin tưởng vào sự tường minh của quá trình ấy. Tất nhiên điều này có thể chỉ là hoàn cảnh riêng của tôi. Tôi không dám khái quát lên cho toàn bộ nền giáo dục đại học. Chắc chắn là có rất nhiều người xứng đáng và đáng kính. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì có lẽ không phải là không có những tác động của quen biết, thậm chí... chạy chọt.

Phải chăng vì thế mà người ta lo lắng về việc để trường có quyền bổ nhiệm thì sẽ nảy sinh tiêu cực?

Ở các nước, các trường tự bổ nhiệm GS, PGS nhưng người ta có một nền khoa học nghiêm chỉnh và các cơ chế kiểm soát của cộng đồng nên khó có chuyện bổ nhiệm bậy bạ. Còn ở Việt Nam thì phải nghĩ ngay đến cơ chế kiểm soát này.

Giả sử có người đặt vấn đề "chạy" để công nhận GS, PGS với bà, bà sẽ phản ứng thế nào?

Tôi không còn tha thiết gì với cái danh ấy nữa. Tôi vẫn sống và làm việc với tất cả sức mình. Chắc hẳn không phải vì không có cái học hàm đó mà người ta nhìn nhận tôi là người bất tài.

Xin cảm ơn bà và kính chúc bà sức khoẻ, công tác tốt!
Nếu chúng ta chưa có đầu đàn nhưng có một nền giáo dục tử tế, nơi các nhà khoa học được tôn trọng, được trả lương đủ sống, được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu... thì vẫn tốt hơn là có nhiều nhà khoa học hàng đầu nhưng không thể phát huy được vì cơ chế! Số lượng giáo sư đúng nghĩa là biểu hiện sức mạnh của nền giáo dục quốc gia. Nhưng mục tiêu của chúng ta không phải là đi "mua" (giống như mua cầu thủ) hoặc "tự phong" cho đủ số giáo sư cho nó... oai, mà là tạo ra một cái nền để từ đó xây dựng một nền giáo dục tử tế.
Tô Hội (Thực hiện)
[links()]

Bình luận(0)