"Thì thôi dừng trong phòng thí nghiệm cho lành"
Ông có nhận thấy là dường như rất ít sản phẩm khoa học của Việt Nam được ứng dụng trên thị trường?
Việc nghiên cứu cho một sản phẩm ra thị trường là rất khó. Vì ngoài chất lượng sản phẩm, phải có các khâu như bao bì, kiểu dáng, ổn định thị trường... Để thu được tiền từ sản phẩm không phải nhà khoa học nào cũng làm được. Muốn làm được, nhà khoa học phải có ý chí doanh nghiệp.
Ông muốn nói đến việc nhiều nhà khoa học thiếu ý chí doanh nghiệp?
Thiếu rất nhiều là đằng khác. Hoặc các nhà khoa học sợ đương đầu với khó khăn. Thực tế cho thấy, nếu chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các đề tài bảo vệ chắc chắn thành công, sau đó đi làm đề tài khác. Tức, nghiên cứu thì nhiều nhưng không đi đến sản phẩm cuối cùng, chỉ giỏi lý thuyết. Trong khi, để sản phẩm ra được thị trường rất khó. Nhưng nếu làm được nó sẽ chứng minh được thực lực: thành công hay thất bại. Chính vì điều này nên nhiều nhà khoa học có suy nghĩ: Thôi thì dừng trong phòng thí nghiệm cho lành. Nếu đi quá lên mà không làm được thì mang tiếng, mất uy tín.
Theo ông, có khoảng bao nhiêu % các nhà khoa học dừng lại ở điểm "lành"?
Theo tôi, con số phải lên đến 95%. Chỉ có 5% dám làm, làm thành công đạt khoảng 2%. Thành công ở đây là sản phẩm phải bán được trên thị trường, lấy lợi nhuận tái đầu tư nghiên cứu tiếp, không tính những sản phẩm ra thị trường được 2 - 3 năm thì "chết", không còn ai nhớ tên.
|
TS Lê Văn Tri, Chủ tịch Hiệp Hội phân bón sinh học Việt Nam. |
Cho tiền không dám nhận
Ông thì cho rằng họ sợ, họ thiếu ý chí doanh nghiệp. Nhưng có không ít người cho rằng, các nhà khoa học hiện nay chưa phát triển được thành sản phẩm là do cơ chế, ví dụ như tiền đầu tư ít...?
Hiện nay, cơ chế đất nước mình cũng tạo điều kiện cho nhà khoa học. Những đề tài từ cấp thành phố và Nhà nước sẽ có hỗ trợ. Nếu nghiệm thu đạt loại khá hoặc xuất sắc sẽ được chuyển sang đề tài sản xuất thử nghiệm với sự đầu tư hỗ trợ vốn không thu hồi. Sau sản xuất thử nghiệm thì có đề tài hỗ trợ ra sản phẩm. Điều này thể hiện Nhà nước có rất nhiều cung bậc đề tài nhưng thành thực mà nói, có rất nhiều nhà khoa học không dám nhận các đề tài dạng ứng dụng, sản xuất thử nghiệm. Thậm chí cho tiền không dám nhận vì sợ thất bại.
Vậy quan điểm do cơ chế là cũng chưa chính xác?
Các nhà khoa học trẻ chưa có kinh nghiệm làm thực tế, còn các nhà khoa học già lại ngại vì bao nhiêu năm đã được bao cấp. Các nhà khoa học đang làm theo kiểu: 2 năm này làm 1 đề tài, 2 năm sau làm đề tài khác... nhưng khi hỏi đã có công nghệ hay sản phẩm cụ thể nào chưa thì chưa có. Làm khoa học muốn thành công cũng phải quyết tâm, kiên trì một lĩnh vực, phải quyết đương đầu và chịu trách nhiệm.
Nhưng cũng phải lật lại vấn đề rằng, nếu không làm những đề tài ngắn hạn đó thì khó đảm bảo đời sống của nhà khoa học?
Đúng. Nếu anh không làm lương bao cấp không đủ sống, bản thân anh cũng không còn là nhà khoa học. Khi Nhà nước cho một đề tài nghiên cứu thực chất là hỗ trợ thêm lương. Mà đã hỗ trợ thêm lương thì nói thẳng ra, tiền cho nghiên cứu thật không còn bao nhiêu, khoảng 50%.
Thực tế, họ chấp nhận luẩn quẩn quanh bờ để không chết đuối. Nhưng nếu họ muốn phát triển, tức có hỗ trợ tốt, có dôi dư thì phải "ra khơi bắt hơn số cá" nhà nước hỗ trợ. Nhưng khi "cho mượn thuyền ra khơi, họ lại sợ không bắt được cá".
Sự khá giả của tri thức
Nếu tình hình vẫn "u ám" như ông phân tích, theo dự tính của ông, khoảng bao lâu nữa nền khoa học ứng dụng của Việt Nam mới phát triển tốt?
Khó khăn lớn nhất của khoa học Việt Nam là nhân sự. Những người được đào tạo bài bản, có nghị lực vượt khó thì đã già. Thế hệ sau, khoảng 35 - 45 tuổi, rất năng động nhưng môi trường xã hội làm cho khả năng chịu đựng kém, bị sức ép kinh tế nhiều nên đòi hỏi cũng nhiều hơn. Chính vì thế họ không học được bài bản. Họ bị chênh vênh không biết có nên quyết tâm đi theo con đường nghiên cứu khó khăn hay không hay tắt ngang. Nên lớp cán bộ này tạo ra sản phẩm khoa học ứng dụng rất ít. Còn lớp trẻ từ 23 - 35 lại bị ảnh hưởng của nền kinh tế, chi phối đồng tiền mạnh quá nên quyết tâm khai phá khoa học, làm giàu bằng khoa học ít hơn. Chính vì thế, nếu không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện và bắt ép họ làm việc thì nền khoa học mới có diễn tiến.
Bắt ép làm khoa học ư? Điều này liệu có khoa học?
Một đội ngũ khoa học cũng như một gia đình, nên có những vấn đề phải ép buộc. Tôi nói vậy bởi khoa học khác kinh doanh. Nếu kinh doanh hôm nay bán không được thì mai bán, nhưng làm khoa học mà không xây dựng được ekip, nhóm làm khoa học cùng anh thì sẽ không phát triển được. Trong các nhóm đó, người đi đầu phải nghĩ ra được vấn đề chiến lược. Ở đây, nói là Nhà nước định hướng nhưng không phải là bộ trưởng mà chính người đi đầu trong nhóm đó. Nhóm trưởng phải xây dựng đội ngũ kế cận, phải làm gương cho người đi sau và tạo ra trường phái khoa học cho nhóm.
Hiện nay, khoa học chúng ta đang thiếu người dẫn đường. Nhiều nhà lãnh đạo thiếu tâm huyết, ít hy sinh, không lôi kéo được đội ngũ khoa học. Một khi thế hệ trước chưa có sự tròn trĩnh, chưa đưa lại lợi ích cho xã hội, thậm chí là chưa đưa lại lợi ích cho người làm khoa học thì thế hệ sau sẽ ít noi theo.
Hiện nay các nhà khoa học làm cho ông có lương thế nào?
Lương cứng là 5 triệu đồng, còn sau đó là các khoản như đề tài, ứng dụng, kết quả khoa học bán ra... Còn các khoản như công tác phí chúng tôi đều lo cho nhà khoa học. Chúng tôi quan niệm, phải lấy tiền từ các nghiên cứu khoa học sâu để nuôi đội ngũ khoa học. Làm được điều này bản thân anh em rất phấn khởi vì được làm trong môi trường khoa học và làm được việc nhà nước cần.
Nếu ai đó nói làm khoa học chân chính khó mà giàu, với trường hợp ông, ông thấy thế nào?
Làm khoa học không giàu như buôn bất động sản nhưng là sự khá giả của tri thức và nó bền vững.
Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!
TS Lê Văn Tri sinh năm 1952, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kisinhop (Liên Xô cũ); 1988 - Bảo vệ Luận án Tiến sĩ sinh học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; thực tập sau Tiến sĩ tại Viện Sinh lý Thực vật Timiliazev (Moskva) và Viện Quang hợp - Thổ nhưỡng (Pusino) - Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. ÔNg đã tham quan, thực tập ở nhiều nước, công bố hơn 80 công trình khoa học và bài viết trong và ngoài nước. Đặc biệt, TS Lê Văn Tri là tác giả của 16 Bằng độc quyền sáng chế, riêng cây lúa ông có 5 bằng sáng chế. |
Thu Hiền (Thực hiện)