Đây là ghi nhận về những áp lực học và thi vào trường chuyên THCS (cấp 2) của các cháu mới chỉ học lớp 2.
- Sau bài viết "9 tuổi đã vào "lò" luyện thi vào cấp 2" đăng tải, tòa soạn đã tiếp tục ghi nhận những áp lực học và thi vào trường chuyên THCS (cấp 2) của các cháu mới chỉ học lớp 2. Những phân tích dưới góc nhìn tâm lý, khoa học giáo dục của các chuyên gia sẽ giúp các bậc phụ huynh có những lựa chọn hợp lý nhất cho việc học của con mình.
[links()]
"Tỷ lệ "chọi"trong cuộc đua vào trường Am cấp 2 (trường chuyên Hà Nội - Amsterdam) là khoảng 28 - 30 cháu chọn lấy một nếu không học, không ôn luyện từ sớm thì làm sao có hy vọng đỗ" - đó là lời nhận xét của một phụ huynh có con học lớp 2 cũng đang tìm lớp cho con học luyện thi.
Không dễ có một suất thi đầu vào
Đến một trung tâm bồi dưỡng văn hóa có tiếng ở khu Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, những gì chúng tôi ghi nhận được là cảnh phụ huynh, học sinh nườm nượp đến đăng ký tìm lớp học. Các học sinh tiểu học muốn theo học tại trung tâm đều phải làm bài kiểm tra đầu vào với 20 câu hỏi, gồm cả Toán và tiếng Việt, trong thời gian 20 phút. Kết quả kiểm tra sẽ dùng để phân lớp theo trình độ, năng lực học sinh.
Chị Nguyễn Thúy Lan (Đội Cấn, Hà Nội, có con năm nay mới lên lớp 2 cũng đã hỏi tìm lớp luyện thi cho con) chia sẻ: "Thôi thì cứ cho con học trước đi, ôn luyện sớm thì càng có thời gian trau dồi. Đến lúc lên lớp 5, nếu con mình có đủ năng lực, tự tin để thi Am thì cho thi, còn nếu không thì đi học thế này cũng giúp học tốt hơn ở trên lớp".
Anh Nguyễn Thành Trung (35 Xuân La, Hà Nội, đang chờ con làm bài kiểm tra đầu vào lớp 4) cho biết, con anh học Trường Tiểu học Xuân Đỉnh, thành tích học tập tốt nên cũng muốn đầu tư cho con để thi Am. "Đưa đón con đi học ở đây kể cũng khá xa, nhưng vợ chồng tôi quyết tâm cho con học, vì nếu không luyện thi theo các dạng bài, dạng đề thì dù học giỏi ở trường cũng khó đỗ Am được".
Một số phụ huynh thậm chí còn kỳ công "săn" các lớp học nhỏ do thầy, cô nào đó đứng ra mở và trực tiếp dạy, bởi nếu học được ở các lớp này con mình sẽ được kèm cặp sát sao hơn, đồng nghĩa với cơ hội thi đỗ sẽ cao hơn. Chúng tôi tìm đến một cô giáo có tiếng ở Cầu Giấy, chuyên luyện thi Am và nhận được lịch hẹn 16/6 cho con đến thi thử, nếu qua thì mới được xếp lớp. Không riêng cô giáo này, mà nhiều các thầy cô luyện Am nổi tiếng đều chỉ nhận dạy học sinh có tiềm năng.
Một địa điểm khác ở Nguyên Hồng được khá nhiều phụ huynh tín nhiệm là của một cô giáo của trường Am mở riêng, nhưng không gọi là trung tâm bởi quy mô nhỏ, chỉ vài lớp. Ở đây, cũng phân chia lớp theo nhóm đối tượng, tuy nhiên các học sinh luôn phải nỗ lực hết mình nếu không muốn bị loại khỏi lớp. Điều đặc biệt là cô giáo này còn mở thêm các lớp VIP với sĩ số ít để loại bớt học sinh kém.
|
Các học sinh luôn phải nỗ lực hết mình nếu không muốn bị loại khỏi lớp (ảnh có tính minh họa). |
Chọn trường không bằng chọn thầy
Dường như các bậc phụ huynh có tham vọng cho con vào học lớp chọn, trường điểm, đều "ốp" con đến các "lò" luyện thi. Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít người là học sinh Am hoặc có con đang học tại trường Am, đã chia sẻ kinh nghiệm học tập khá đơn giản: Có học có ôn, nhưng có thể chỉ học với thầy, cô giáo ở lớp, ngoài ra quan trọng hơn là ý thức tự học, tự ôn luyện.
Thành viên Nguyễn Quỳnh Mai, cựu học sinh trường Am chia sẻ trên diễn đàn HAO (Hanoi-Amsterdam.org): "Không nhất thiết phải học ôn với thầy V. Trẻ con còn bé, nếu bẩm sinh đã giỏi, có khả năng thì chỉ cần đi học thêm một cô giáo dạy giỏi ở chính trường của nó hay chủ nhiệm luôn cũng được cho vững kiến thức và biết một số dạng bài nâng cao là đủ".
Một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B, Thanh Xuân cho rằng: "Nếu cô giáo mà con bạn đang học thực sự yêu nghề, yêu trẻ thì chắc chắn con bạn sẽ học tốt và có kết quả cao. Bằng chứng là Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B năm nào cũng có khoảng 8 - 15 cháu đỗ vào Am và toàn là con nhà lao động nghèo. Con chị cũng là một trong số các học sinh của trường đã đỗ Am mà không hề đến lò luyện nào".
Điều quan trọng nhất để học tốt và thi đỗ vào các lớp chọn, trường điểm là năng lực và sự cố gắng, nỗ lực rèn luyện của bản thân học sinh và sự kèm cặp sát sao của cha mẹ. Ngay cả khi con bạn theo học tại các lò luyện thi thì cường độ học tập, lượng bài phải ôn luyện là rất lớn, và cha mẹ cũng phải luôn theo sát con cái trong quá trình học tập. |
Khánh Lê