Kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chưa ổn

Google News

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, một công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia phải mang biểu tượng của một đất nước...

- Vấn đề xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với dự toán kinh phí lên đến hơn 11.000 tỷ đồng tiếp tục được các nhà khoa học, kiến trúc sư đưa ra ý kiến phản biện. Trong đó có ý kiến về bản thiết kế chưa được sự đồng thuận cao… 

Thiết kế chưa ổn

[links(left)]Ở phương diện bản thiết kế, TS.KTS Nguyễn Trí Thành, Trưởng Bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, khoảng 70 năm trở lại đây chúng ta chưa có bảo tàng nào “ra hồn”, vì thế việc xây dựng bảo tàng tầm cỡ, mang ý nghĩa văn hóa là việc cũng đáng được xem xét. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho thấy bản thiết kế của công trình này chưa ổn, vì thế không nên vội vàng thi công.

Theo ông Thành, đây là thiết kế của người Nhật thông qua một cuộc thi thiết kế. Với thiết kế này, hình ảnh bảo tàng chưa được gắn liền với con người Việt Nam, đặc biệt đó lại là hình ảnh bảo tàng quốc gia. Điều này được lý giải, do cách hiểu về văn hóa, lịch sử của con người hai nước hoàn toàn khác nhau. Vì thế, trước tiên cần có sự thống nhất trong toàn dân từ hình ảnh thiết kế đến nguồn vốn, thời điểm xây dựng...

“Quan điểm của tôi trong vấn đề này là cần xem xét thiết kế sao cho chuẩn mực, hoàn hảo rồi hãy khởi công. Bởi việc lớn khi đã làm nếu muốn thay đổi cũng rất khó. Ở nước ngoài có những thiết kế được hoàn thiện trong vòng 10 năm, đủ độ chín thì Nhà nước mới đồng ý làm”, TS Nguyễn Trí Thành chia sẻ.

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Đừng xây dựng bằng tiền của dân

Còn ở phương diện nguồn vốn xây dựng, KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, một công trình văn hóa tầm cỡ quốc gia phải mang biểu tượng của một đất nước, một giai đoạn lịch sử phát triển thì trị giá hơn 11.000 tỷ đồng là vấn đề bình thường.
 
Như nhà hát Opera (Sidney) hay nhà hát Mask trên vịnh Copenhagen được xây dựng bằng tiền ngân sách quốc gia với con số lên đến hàng trăm triệu USD, biểu tượng của thành phố và quốc gia đó. Tất nhiên, một nước nghèo như Việt Nam, lại trong giai đoạn khó khăn, nhiều vấn đề cần ưu tiên như trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông, không gian cộng cộng thiếu hụt thì con số tiền đó “đổ” vào một công trình biểu tượng trong hoàn cảnh này thật khó hiểu.

Ở đây cũng cần nói thêm, nhà hát trên vịnh Copenhagen (Đan Mạch) là của ông chủ hãng vận tải hàng hải MASK xây bằng tiền riêng. Nếu bảo tàng quốc gia có đại gia nào bỏ tiền riêng ra xây dựng thì thật tốt. Vì thế, xây dựng nhưng đừng bằng tiền thuế của dân hay đánh đổi tài nguyên quốc gia thì cũng có thể khuyến khích.

Ngoài ra, qua vấn đề này cũng cân nhắc đến chức năng của Bộ Xây dựng. Đây là đơn vị có nhiều nhiệm vụ và phương án xây bảo tàng được đưa ra cách đây 5 năm, thời điểm này chắc mới xong hồ sơ nên Bộ Xây dựng trình - đó là nhiệm vụ không thể đừng. Nhưng sẽ hay và tế nhị hơn nếu Bộ này trình các phương án di dời bệnh viện, trường đại học... những việc cần làm ngay vào thời điểm này.
Con số hơn 11.000 tỷ đồng tương đương với 20 bệnh viện 500 giường bệnh, hay 200 cầu vượt sắt nhẹ hoặc 100 trường học, nhà trẻ đạt chuẩn quốc gia.
KTS Trần Huy Ánh
Hiền Dung

Bình luận(0)