Hơn 11.000 tỷ đồng dân kêu là phải!

Google News


Nói về xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, KTS Nguyễn Trực Luyện cho rằng: "... Đó là một việc làm không hề thông minh...".

- "Tôi không hiểu sao Bộ Xây dựng lại trình dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vào thời điểm này. Nền kinh tế hiện đang rất khó khăn! Bộ không thể làm cho xong trách nhiệm mà không cần quan tâm tới đời sống của dân, tới những bức xúc của xã hội được. Đó là một việc làm không hề thông minh", KTS Nguyễn Trực Luyện thẳng thắn.

[links()]

Dân đang có nhiều thứ bức xúc hơn bảo tàng

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng tại phía Đông Nam khu công viên Hữu Nghị, thuộc khu đô thị mới Tây hồ Tây (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định dự án xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với số vốn hơn 11.000 tỷ đồng. Ông thấy sao?

Dự án xây dựng bảo tàng này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2006. Như vậy, vấn đề thực hiện dự án chỉ còn là thời gian. Tuy nhiên, khi nghe số vốn đầu tư mà Bộ Xây dựng vừa đề xuất như thế, tôi cũng thấy rờn rợn.

Vì sao ông thấy vậy?

Vì số tiền đó rất lớn, trong khi chúng ta đang thiếu thốn rất nhiều. Có nhiều bức xúc của xã hội chưa giải quyết được vì không có tiền. Ví như thiên tai khiến dân mất mùa. Ở nhiều nơi dân còn nghèo. Trẻ em phải học ở trường tranh tre nứa lá. Người bệnh phải nằm ghép 2, 3 người trên cùng một giường bệnh. Rồi thì ách tắc giao thông, úng ngập do hệ thống thoát nước kém... Nếu cứ đọc báo, xem ti vi bây giờ thì sốt ruột lắm! Những cái cấp bách thế sao không ưu tiên làm đi?

Nghĩa là, việc bỏ ra khoản tiền lớn để xây bảo tàng trong lúc này là chưa thỏa đáng?

Chứ còn sao nữa! Nói thẳng ra, bây giờ có bảo tàng ấy hay không thì cũng không khiến cho người dân thấy sung sướng. Họ không thể háo hức đi xem ở bảo tàng lớn nhất nước, quy mô hiện đại thế đâu. Vì nồi cơm của người ta chưa đầy, người ta còn nhiều thứ phải lo nghĩ thì ai còn tâm trí mà đi xem bảo tàng?

Nhưng chẳng lẽ vì thế mà chúng ta không xây dựng bảo tàng này?

Chúng ta sẽ không có được công trình văn hóa nào nếu chúng ta không làm gì cả. Vấn đề là chọn thời điểm thế nào cho hợp lý. Đương nhiên, bây giờ, ta cố gắng làm thì cũng được. Chỉ có điều, dân còn đang có nhiều thứ bức xúc hơn là bảo tàng. Do đó, bàn đến chi phí xây dựng bảo tàng lên tới hơn 11.000 tỷ đồng thời điểm này, dân kêu ca là phải!

Nói thế thì xúc phạm người ta quá!

Thiết nghĩ, để đưa ra tờ trình này, Bộ Xây dựng không thể không có căn cứ?

Đương nhiên là họ có cái lý của họ. Họ làm chủ dự án, mà dự án đã đến khâu này rồi thì họ phải làm cho xong trách nhiệm của mình. Họ lại chịu trách nhiệm quản lý, quy hoạch Thủ đô. Chắc họ cũng nóng lòng muốn thực hiện cho xong sớm quy hoạch ấy, trong đó có bảo tàng này chứ? Ngoài ra, rất có thể, Bộ muốn nhân việc thực hiện dự án với số tiền khổng lồ ấy sẽ làm cú hích cho ngành xây dựng, khi nó đang bị đình trệ như hiện nay. Biết đâu đấy!

Có vẻ, những cái lý ấy cũng dễ hiểu, thưa ông?

Theo lô gíc thì thế. Nhưng có thỏa đáng không? Năm 2006, Chính phủ phê duyệt dự án vì khi đó, tình hình kinh tế của chúng ta khác. Còn trong quá trình thực hiện, như khi tờ trình đó đưa ra thì nền kinh tế của ta đang có rất nhiều khó khăn so với năm 2006. Nếu người ta có cái nhìn toàn diện thì sẽ thấy ngay vấn đề và sẽ không có tờ trình với con số hơn 11.000 tỷ đồng như thế!

Ý ông là những người đưa ra tờ trình đã không có cái nhìn toàn diện?

Nói thế thì xúc phạm người ta quá! Tuy nhiên, những người làm ở Bộ Xây dựng cũng là con người, nếu họ gắn với cuộc sống của người dân thì sẽ thấy ngay là bảo tàng cần thiết đến mức cấp bách hay chưa, xây bây giờ hay để 5, 10 năm nữa xây cũng chẳng sao cả? Tôi tin là dù có phải đợi 10 năm nữa mới xây dựng cũng chẳng sao đâu.

KTS Nguyễn Trực Luyện,  nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Tư duy "việc mình, mình làm" rất nguy hiểm!

Ông thấy quy hoạch của Hà Nội hiện nay thế nào?

Nó không theo quy hoạch nào cả và còn quá nhiều việc phải làm, làm ngay.

Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng nằm trong quy hoạch mới của Hà Nội. Có người nghĩ rằng, ta càng sớm cởi một nút thắt nào đó thì càng khiến cho bản quy hoạch ấy sớm hoàn thiện chứ?

Đương nhiên.

Thế thì sao ông lại nói đợi 10 năm nữa xây bảo tàng này cũng chẳng sao?

À, quy hoạch Hà Nội có nhiều thứ lắm. Bảo tàng chỉ là một chi tiết trong bản quy hoạch ấy và nó không giữ vai trò quyết định. Cởi nút thắt cho quy hoạch là cần. Nhưng giữa việc xây dựng một bảo tàng ngốn nhiều ngân sách như thế với việc giải quyết bài toán ách tắc, úng ngập của Thủ đô thì cái nào cấp thiết hơn? Trong khi đó, dự án xây bảo tàng đã có, ta cũng có vị trí, có đất để làm rồi, chỉ còn chờ thời gian hợp lý thôi.

Nhưng việc chữa úng ngập, ách tắc giao thông là của cơ quan khác chứ đâu phải thẩm quyền Bộ Xây dựng?

Cái tư duy "việc mình mình làm", chỉ cốt sao cho xong việc của ngành mình mà bỏ qua các yếu tố xã hội khác thì rất nguy hiểm. Không thể nói rằng Bộ Xây dựng chỉ quan tâm tới mỗi vấn đề xây dựng. Anh là cơ quan quản lý Nhà nước kia mà? Anh làm chuyên ngành xây dựng nhưng không có nghĩa anh không quan tâm tới đời sống của dân, tới mặt bằng xã hội chung. Không thể bảo đó là việc của ông Bộ Tài chính hay Bộ Y tế được.

Phải an dân trước đã!

Khi tờ trình này được công bố đã gặp phải sự phản đối trong dư luận. Ông có tin là nó sẽ bị ngừng lại?

Đó mới chỉ là tờ trình. Nó còn phải đợi Quốc hội phê chuẩn. Mà Quốc hội đã từng bác những đề xuất chưa phù hợp với tình hình kinh tế đất nước. Tôi tin là việc dành hơn 11.000 tỷ đồng ngân sách để xây bảo tàng lúc này không phải là giải pháp thông minh. Cần phải đợi kinh tế khởi sắc, khi đó ta mới có tiềm lực để làm.

"Cần phải đợi kinh tế khởi sắc". Có vẻ mông lung quá?

Đúng là không thể khẳng định được ta phải đợi chính xác bao lâu nữa thì kinh tế mới khởi sắc, dân mới đỡ bức xúc với tình hình giao thông, y tế... Tuy nhiên, nhất thiết vẫn phải đợi. Phải an dân trước đã, khi dân đã có cuộc sống tốt hơn, dễ chịu hơn thì xây bảo tàng sẽ tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Phải chăng, ý ông là chúng ta nên tạm thời dừng dự án này lại?

Không phải là dừng hẳn lại không làm gì mà hãy thực hiện những công đoạn khác. Không biết họ đã lo xong ruột của bảo tàng chưa, chứ chúng ta đã có bài học nhãn tiền ở Bảo tàng Hà Nội có vỏ mà không có ruột rồi. Thế thì lãng phí lắm!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Nói rằng phải sớm xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vì đó là bộ mặt đất nước thì tôi không đồng ý. Bây giờ, quốc kế dân sinh còn đang có nhiều vấn đề chưa giải quyết được mà cứ lo đi xây bảo tàng để làm đẹp bộ mặt đất nước thì thật là không thực tế, không vì dân chút nào".
KTS Nguyễn Trực Luyện
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)