“Học kỳ quân đội“: Cẩn thận “tiền mất tật mang“

Google News

Một số nơi, học phí cho HKQĐ khá đắt dù có một số lớp học miễn phí. Mức giá chênh lệch và không đồng nhất khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

- "Học kỳ quân đội" (HKQĐ) thường được tổ chức vào kỳ nghỉ hè của học sinh. Qua đó, học sinh được rèn luyện bản lĩnh, tự tin và nếp sống kỷ luật. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, gây ra những dư luận không tốt.

Tham quan du lịch là chính

Đại tá Dương Văn Nhị, Cán bộ phòng Giáo dục Quốc phòng, Cục Dân quân tự vệ cho rằng, đây là mô hình giáo dục sử dụng liệu pháp số đông, thông qua môi trường quân đội góp phần làm thay đổi nhận thức của học sinh, thanh niên về nếp sống tập thể, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội. HKQĐ được dư luận xã hội ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, mô hình HKQĐ còn bộc lộ hạn chế về tổ chức, nội dung, phương thức tiến hành...

Với những tên gọi khác nhau gồm: "Học kỳ quân đội", "Hát mãi khúc quân hành", "Trải nghiệm quân ngũ", "Học kỳ 3", "Thép đã tôi thế đấy"... mục tiêu, nội dung HKQĐ ở mỗi đơn vị thời gian qua không thống nhất; Chưa có chương trình khung  trên toàn quốc. Có nơi, nội dung giáo dục quốc phòng, rèn luyện kỹ năng sống còn ít mà chủ yếu là tham quan, du lịch. Số lượng học viên của các lớp cũng khác nhau, có lớp chỉ tập trung 8 - 10 học viên, nhưng có lớp tới  250 học viên. Độ tuổi của học viên trong một lớp chênh lệch quá lớn (từ 10 - 19 tuổi) dẫn đến không đồng nhất về tâm lý, khó khăn trong sinh hoạt, học tập. Thời gian tổ chức có lớp quá ngắn như ở Trường Sỹ quan Đặc công chỉ 2 ngày; Trường Quân sự tỉnh Bình Thuận 3 ngày...

Một số nơi, học phí cho HKQĐ khá đắt dù có một số lớp học miễn phí. Mức giá chênh lệch và không đồng nhất khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Ví dụ như ở các tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận, kinh phí do Tỉnh đoàn đảm bảo; Ở tỉnh Vĩnh Long mức thu học phí là 350.000đ/người/7 ngày; Ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là 4,5 triệu đồng/người/10 ngày, cá biệt có nơi thu tới hơn 6 triệu đồng/người. Việc thu học phí cao, tạo dư luận không tốt đến các đơn vị quân đội tham gia, mặc dù việc này không do đơn vị tiến hành.
Đối tượng tham gia “Học kỳ quân đội” là các em học sinh tuổi từ 12 - 17.
Đối tượng tham gia “Học kỳ quân đội” là các em học sinh tuổi từ 12 - 17.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối về người

Việc triển khai hướng dẫn, tổ chức lại hoạt động HKQĐ là vấn đề đặt ra cấp thiết. Đại tá Dương Văn Nhị cho biết, hướng dẫn mới tập trung vào các nội dung cụ thể về mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, tổ chức, phương pháp tiến hành; Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức HKQĐ. Nội dung HKQĐ vẫn theo ba hướng: Giáo dục quốc phòng; Rèn luyện kỹ năng và các hoạt động bổ trợ, nhưng sẽ có chương trình khung thống nhất, được xây dựng cơ bản, trong đó 50% chương trình bắt buộc (chương trình cứng), 50% chương trình do địa phương, đơn vị tổ chức xác định (chương trình mềm). Thời gian mỗi lớp học từ 7 - 10 ngày. Đối tượng tham gia là học sinh THCS đến THPT, độ tuổi từ 12 - 17 tuổi, mỗi lớp không quá 100 học viên...

Khi tham gia HKQĐ phải có hợp đồng cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Sức khoẻ của học viên phải được bảo đảm tốt trong quá trình ăn, nghỉ tại doanh trại, hoạt động trên bãi tập... Đơn vị thực hiện HKQĐ bảo đảm cho học viên có điều kiện, thời gian học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội; Thực hiện nội dung giáo dục quốc phòng theo quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người.

Theo quy định mới, HKQĐ là mô hình giáo dục tổng hợp dành cho thanh thiếu niên thông qua chương trình rèn luyện trải nghiệm thực tế trong môi trường Quân đội nhân dân Việt Nam do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức. Nếu không phải là các đơn vị  này tổ chức là vi phạm pháp luật, phụ huynh không nên cho con theo học để tránh "tiền mất, tật mang".
Hoạt động HKQĐ được Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thí điểm lần đầu tiên vào năm 2008 với 84 học viên tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam. HKQĐ đề giáo dục kỹ năng, hình thành nếp sống quân sự, kỷ cương cho học sinh. Sau 4 năm, HKQĐ đã được triển khai thực hiện ở 44/63 tỉnh, thành phố, với 153 lớp cho hơn 12 nghìn học viên tham gia. Đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên tuổi đời từ 10 - 19.
Phương Thùy

Bình luận(0)